Báo động nhập lậu nhiều mặt hàng phòng chống dịch

Lợi dụng tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, một số đối tượng đã tìm cách đưa vào thị trường Việt Nam nhiều mặt hàng liên quan đến phòng chống dịch không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không bảo đảm chất lượng, an toàn như: đồ bảo hộ chống dịch, khẩu trang y tế, thuốc điều trị Covid-19, máy tạo oxy, kit xét nghiệm Covid-19, nước sát khuẩn, găng tay y tế đã qua sử dụng... 

Phát hiện nhiều vụ  

Thời gian qua, các cơ quan chức năng, gồm cả công an, hải quan, quản lý thị trường liên tiếp phát hiện, thu giữ, thậm chí khởi tố, bắt giam nhiều đối tượng có hành vi lợi dụng dịch bệnh để buôn bán, vận chuyển, nhập lậu trang thiết bị y tế.

Mới đây, Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh Phú Thọ, phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an phát hiện ô tô 24H-004.86 lưu thông trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai, hướng Lào Cai đi Hà Nội có dấu hiệu nghi vấn nên tiến hành dừng xe để kiểm tra. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên thùng xe có hơn 2.300 sản phẩm bộ van máy thở, hơn 6.700 kit test nhanh Covid-19 không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Cũng mới đây, Tổ công tác kiểm soát dịch Covid-19 số 10, 11 (Công an TP Hà Nội) phát hiện Dương Văn Dũng (ở tỉnh Thanh Hóa) vận chuyển 15 thùng hàng, bên trong chứa thiết bị y tế, có nhãn mác nước ngoài. Lái xe không chứng minh được nguồn gốc số hàng trên.

Trong khi đó, vào tối 17-2, tại khu vực Cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành, Tổ công tác của Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lào Cai kiểm tra hành chính ô tô 21A-13021 phát hiện trong cốp xe có 2 thùng, bên trong chứa 400 hộp thuốc dạng viên, vỏ có in chữ nước ngoài.

Qua khai thác đấu tranh, 2 đối tượng đi trên xe khai nhận số thuốc trên là thuốc điều trị Covid-19 được mua gom ở khu vực biên giới, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, sau đó mang ra thị trường tiêu thụ.

Báo động nhập lậu nhiều mặt hàng phòng chống dịch ảnh 1 Xét nghiệm Covid-19 bằng kit test nhanh tại TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan phối hợp với Cục Hải quan Hà Nội cũng vừa phát hiện một lô hàng 85.000 kit test nhanh Covid-19 trị giá khoảng 8 tỷ đồng được vận chuyển từ Hàn Quốc về Việt Nam qua sân bay quốc tế Nội Bài.

Các đối tượng đã sử dụng thủ đoạn khai báo hàng hóa chung chung, khai báo sai tên hàng hóa để nhập lậu. Trong khi, theo quy định, mặt hàng kit test nhanh Covid-19 là mặt hàng nhập khẩu có điều kiện, phải có giấy phép của Bộ Y tế. 

Tăng cường thanh tra các địa bàn trọng điểm

Trước tình trạng trên, Bộ Y tế có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố đề nghị tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong lĩnh vực y tế. Theo đó, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố, các đơn vị trực thuộc tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và toàn thể người dân trong việc tham gia phát hiện, đấu tranh với các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị trực thuộc đẩy mạnh rà soát các hoạt động cấp phép cho sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh các mặt hàng như: thuốc phòng bệnh, chữa bệnh, mỹ phẩm, thực phẩm, hóa chất, thiết bị và các mặt hàng phục vụ công tác phòng dịch như trang phục bảo hộ, găng tay, khẩu trang y tế... để đảm bảo vừa tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, vừa bảo đảm làm tốt công tác công tác đấu tranh, ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng.

Bộ Y tế cũng đề nghị tăng cường thanh kiểm tra tại các địa bàn trọng điểm dễ xảy ra việc buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý các hành vi vi phạm.

Bộ Y tế đề nghị Bộ TT-TT chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra các hoạt động kinh doanh, quảng cáo, đặc biệt qua hệ thống mạng đối với các sản phẩm trang thiết bị y tế trong đó có các kit test nhanh và kit test kháng nguyên virus SARS-CoV-2 không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được phép lưu hành ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch Covid-19.

Tin cùng chuyên mục