Sau vụ tai nạn do điện giật thương tâm ở máy ATM làm thiệt mạng một học sinh lớp 4, ngành điện vội tiến hành kiểm tra nhiều ATM khác. Hú vía. Có tới 60 máy ATM bị nhiễm điện. Thiệt là may cho bà con cô bác. Nếu không có phát hiện này, biết đâu còn có tai nạn đáng buồn nào khác xảy ra.
Nhưng thử hỏi, nếu không xảy ra chết người thì mấy cái vụ nhiễm điện ATM có được rà soát? Bởi ở chính cái máy ATM ấy, nhiều người đã bị điện giật từ hồi lâu lắc. Điện giật nhè nhẹ nên mối quan tâm cũng lớt phớt. Mãi tới khi có sự cố nghiêm trọng ngành điện mới để tâm tầm soát. Nhẹ thì dòm nhẹ, nặng mới soi kỹ, thì là do đâu?
Mới nhớ lại mùa mưa năm ngoái, tai nạn điện rò rỉ đã làm chết học sinh ở trụ đèn giao thông. Một sợi dây điện khác đứt bất tử làm thiệt mạng một người khác. Sau mấy vụ đó đèn được rà, dây điện cũng được rà và cũng mấy phen hú vía.
Sao trách nhiệm cứ phải sau khi “có chuyện” thì mới trở thành nóng sốt vậy cà? Nếu từ lúc lắp trụ ATM, dựng cột đèn, mắc dây điện… mà kỹ lưỡng đàng hoàng thì chắc là đâu có sự cố. Lắp xong thì cần bảo dưỡng nhưng cái cần “bảo dưỡng” thường xuyên là tinh thần trách nhiệm thì hình như vẫn “rằng thì mà là”.
Mà trách nhiệm đó, chắc không chỉ là riêng ngành điện cần “bảo dưỡng”.
TƯ QUÉO