Chiều 14-11, Quốc hội (QH) thảo luận tại tổ về dự án Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi) và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội. Đây là hai dự án luật được QH cho ý kiến lần đầu, dự kiến được thông qua tại kỳ họp sau.
Đồng tình chế định ly thân
Liên quan đến dự án Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi), ý kiến tại nhiều tổ bày tỏ đồng tình cao với chế định ly thân. ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) phát biểu: “Thực tiễn ở nhiều nước có chế định ly thân cho thấy khi có chế định này thì tỷ lệ ly hôn giảm. Mọi vấn đề liên quan đến nhân thân, tài sản đều phải do tòa án quyết định, nói cách khác, việc ly thân phải được công nhận bởi tòa án”. ĐB Đỗ Văn Đương cho rằng cần tạo sự thuận lợi, dễ dàng cho việc này bằng cách chấp nhận cả việc xác nhận của cơ quan hành chính.
Ông Đỗ Văn Đương còn đưa ra một đề nghị khá táo bạo về “chế định hôn nhân tạm thời”, có thể trong thời gian 2 - 3 năm trước khi đi đến quyết định sống chung chính thức. Rất nhiều ý kiến cho rằng, việc quy định về hợp đồng hôn nhân là một bước tiến quan trọng, tiến tới hài hòa với thông lệ quốc tế, song cần lưu ý thêm một số trường hợp để đảm bảo kín kẽ, ngăn chặn khả năng một bên cố ý lợi dụng.
Về vấn đề mang thai hộ, hầu hết các ý kiến đều đồng thuận với quy định cho phép vì mục đích nhân đạo. Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Thị Bạch Ngân (Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị luật cần quy định chặt chẽ về người nhờ và người mang thai hộ, tránh xung đột giữa hai bên xảy ra sau này. Đặc biệt, cần quy định rõ trách nhiệm, quyền lợi của người mang thai hộ. “Những vấn đề như người mang thai hộ bị tai biến, rủi ro khi mang thai; sinh con ra họ muốn giữ con lại... đều phải quy định rõ để tránh rắc rối trong thực tiễn”, bà Nguyễn Thị Bạch Ngân nói. Trong khi đó, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) lại quan tâm đến quyền và lợi ích của đứa bé được sinh ra thông qua hình thức mang thai hộ và cho rằng dự thảo luật vẫn chưa đề cập thích đáng tới nội dung này...
Thuộc nhóm ý kiến thiểu số, song ĐB Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) thẳng thắn cho rằng, đây là vấn đề nhạy cảm, phức tạp, chưa phù hợp với văn hóa Việt Nam, ranh giới giữa mục đích nhân đạo và thương mại cũng chưa rõ ràng, có thể gây xung đột, vì vậy bà Phúc không đồng tình luật hóa việc mang thai hộ.
Về vấn đề kết hôn đồng giới, luật lần này nêu rõ Nhà nước không cấm, nhưng cũng không thừa nhận hôn nhân của những người đồng giới. ĐB Cao Sĩ Kiêm (Thái Bình) hoan nghênh việc sửa luật mang tinh thần đổi mới, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của đời sống hôn nhân gia đình ở nước ta hiện nay. Bởi thực tiễn đã diễn ra, dù cấm hay không cấm, thừa nhận hay không thừa nhận thì trong thực tiễn vẫn diễn ra. Trong khi đó, ĐB Khúc Thị Duyền (Thái Bình) đồng tình quan điểm không thừa nhận hôn nhân đồng giới vì cho rằng, một trong chức năng của kết hôn là duy trì nòi giống. Hiện nay thế giới cũng chỉ có 16 nước thừa nhận hôn nhân đồng giới, trong đó khu vực châu Á chưa có nước nào thừa nhận.
ĐB Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội - cơ quan thẩm tra dự luật giải thích thêm, quốc gia nào cũng đi 3 bước: từ cấm đến không thừa nhận và tháo bỏ hoàn toàn. Việt Nam bỏ qua bước cấm để tránh kỳ thị của xã hội đối với người đồng tính. Sau này, khi nhận thức xã hội thay đổi thì có thể thừa nhận.
Giá dịch vụ y tế theo cấp hạng bệnh viện
Đó là một đề nghị đáng lưu ý của ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) khi góp ý về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế. ĐB Lan cũng đề nghị nghiên cứu mở rộng diện bảo hiểm cả với y tế dự phòng và phục hồi chức năng chứ không chỉ khám chữa bệnh như hiện nay. Bảo hiểm y tế bắt buộc là đúng, nhưng luật không có chế tài thì khó khả thi.
Một vấn đề được nhiều ĐB quan tâm là nội dung và hình thức của chiếc thẻ BHYT rất cần được sửa đổi. “Nếu có thể nên áp dụng công nghệ thông tin để đảm bảo sự thuận tiện cho cả cơ quan quản lý và người sử dụng, giảm bớt thủ tục hành chính”, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) nêu quan điểm và bày tỏ chưa hài lòng vì những bất cập liên quan đến việc chuyển viện, chuyển tuyến cho bệnh nhân sử dụng thẻ BHYT đã không được khắc phục trong dự thảo luật này. ĐB Lê Trọng Sang (TPHCM) đề nghị “lấp kín” khoảng trống về thời gian được bảo hiểm cho trẻ em từ đủ 72 tháng tuổi cho đến khi nhập học (có bảo hiểm y tế học đường).
Từ thực tế giám sát về tình trạng quá tải ở nhiều bệnh viện, ĐB Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) nêu quan điểm, luật cần quy định người dân có thể đăng ký khám BHYT ban đầu tại cơ sở y tế tư nhân để chia tải với cơ sở y tế công lập. Quy định cùng chi trả 20% chi phí khám chữa bệnh của người nghèo, người cận nghèo là chưa phù hợp. Đề nghị các đối tượng này chỉ phải cùng chi trả 5% như đối tượng người có công. ĐB Nguyễn Thúy Hoàn (Thái Bình) nhận định, hiện nay, dự thảo luật mới chỉ quy định chi trả điều trị nội trú, còn ngoại tuyến do Bộ Y tế quy định. “Đề nghị đưa ngay vào luật hoặc phải có nghị định của Chính phủ kèm theo để ĐBQH biết quy định như thế nào”, ĐB Nguyễn Thúy Hoàn phát biểu. Đồng thời, cần quy định người dân tham gia BHYT được đăng ký từ 1-2 cơ sở y tế khám chữa bệnh ban đầu trong cùng địa bàn huyện...
Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Xử lý nợ xấu gặp nhiều khó khăn
* Tăng trưởng tín dụng sẽ đạt mục tiêu
(SGGP).- Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình vừa có báo cáo gửi đến các vị ĐBQH kết quả thực hiện nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp thứ 3, thứ 4 và thứ 5.
Theo đó, tính đến ngày 31-10-2013, tổng phương tiện thanh toán tăng 11,6%, trong đó, huy động vốn VND tăng 14,06% mặc dù trần lãi suất huy động vốn VND đã được điều chỉnh giảm đáng kể. Cả năm 2013, tổng phương tiện thanh toán ước tăng 16% so với cuối năm 2012, góp phần kiểm soát lạm phát dưới 7%, đảm bảo thanh khoản và thể hiện sự thành công trong việc chuẩn bị nguồn lực tháo gỡ khó khăn về vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế. Cũng tính đến 31-10, dư nợ tín dụng tăng 7,18% so với cuối năm 2012, tuy còn cách khá xa mục tiêu tăng trưởng 12% trong năm 2013, nhưng đã cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2012 (3,54%). Cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tập trung tăng trưởng cao hơn đối với lĩnh vực ưu tiên. Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống của cả năm 2013 sẽ đạt khoảng 11% - 12% như mục tiêu đề ra từ đầu năm.
Trong khi đó, đến cuối tháng 9-2013, tỷ lệ nợ xấu trong tổng dư nợ tín dụng là 4,62%, tăng so với mức 4,08% của cuối năm 2012. Dự kiến đến cuối năm 2013, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) sẽ mua được tối thiểu 30 - 35 ngàn tỷ đồng nợ xấu. Tuy nhiên, việc xử lý nợ xấu vẫn gặp nhiều khó khăn do phụ thuộc vào các điều kiện kinh tế vĩ mô và thị trường, trong khi tiêu thụ hàng hóa còn chậm, năng lực tài chính và khả năng trả nợ của doanh nghiệp còn thấp. Đặc biệt, việc thiếu sự hỗ trợ tài chính của Chính phủ cho việc xử lý nợ xấu (trong khi môi trường kinh doanh không thuận lợi, khó thu hút các nguồn vốn đầu tư tài chính cho việc xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm) được coi là một cản ngại lớn. Mặc dù vậy, nếu hệ thống các tổ chức tín dụng, khách hàng vay vốn và các cấp, các ngành, chính quyền các địa phương triển khai mạnh mẽ, quyết liệt 5 nhóm giải pháp xử lý nợ xấu đã nêu tại Đề án xử lý nợ xấu đồng bộ thì vẫn thực hiện được mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 xử lý được cơ bản số nợ xấu.
ANH THƯ - PHAN THẢO