Mặc dù Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã phối hợp quyết liệt trong việc triển khai tăng cường người dân mua thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) theo hộ gia đình, nhưng đến nay tỷ lệ này tại TPHCM vẫn đạt mức khá thấp. Những quy định ban đầu theo Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) năm 2015 đã được hướng dẫn cụ thể hơn bằng những văn bản dưới luật và vận dụng đặc thù từng địa phương nhưng nhìn chung vẫn rối, nhất là việc thực thi ngay ở cấp phường, xã, đại lý.
Người bệnh khám theo diện bảo hiểm y tế tại một bệnh viện của TPHCM
Thực thi… nhiêu khê
Là một trong những địa bàn có số dân cư đông, nhất là dân lao động nhưng quận 7 đang loay hoay với BHYT hộ gia đình. Theo bà Nguyễn Thị Hà, Giám đốc Bảo hiểm xã hội quận 7, tính đến 31-3-2016, toàn quận mới chỉ có 24.572 người tham gia BHYT hộ gia đình, bình quân khoảng 183 người đăng ký trong một tháng. Con số này rất ít, chỉ đạt chưa tới 10% so với tổng số hộ trên địa bàn quận 7 được xác định lập danh sách mua thẻ BHYT. Lý giải về việc số người tham gia còn thấp, bà Hà cho rằng khi lập hồ sơ tham gia BHYT do thực hiện theo nguyên tắc “người dân tự khai tự chịu trách nhiệm” nên những người mua mới từ 1-1-2015 không khai đầy đủ số người trong hộ. Hơn nữa, mặc dù cơ quan Bảo hiểm xã hội đã tổ chức các buổi tập huấn, cung cấp văn bản kịp thời cho đại lý thu BHYT nhưng vẫn còn tình trạng một số đại lý thực hiện chưa đúng quy định như thu sai đối tượng, yêu cầu một số thủ tục không có trong các quy định, áp đặt nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu, yêu cầu photocopy sổ hộ khẩu, CMND của toàn bộ nhân khẩu hộ gia đình…
Thừa nhận việc thực hiện BHYT hộ gia đình còn quá phức tạp, bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM băn khoăn: “Nhiều người dân phản ánh đại lý, phường, xã đòi hỏi nhiều thủ tục, mất thời gian đi lại nên họ ngán ngại mua BHYT”. Làm việc với UBND quận 7 mới đây, bà Nhung cho rằng các thủ tục, quy định về mua BHYT theo hộ gia đình còn rườm rà. Cũng theo bà Nhung, việc quy định phải mua BHYT cùng một lúc cho các thành viên trong gia đình tạo nên một áp lực về kinh tế. “Mua theo hộ gia đình, mỗi thẻ BHYT bình quân 500-600 ngàn đồng mà một gia đình có 4-5 người thì mất cả mấy triệu bạc, lấy tiền đâu ra một lúc trong khi đa số người dân mua BHYT tự nguyện hộ gia đình là những người bệnh tật, khó khăn”, bà Nhung quan ngại.
Với dân số gần 9 triệu người, việc mới hơn 1 triệu người tham gia BHYT hộ gia đình, theo bà Thi Thị Tuyết Nhung con số này mới được hơn 1/9 là quá ít. Báo cáo mới đây của Bảo hiểm xã hội TPHCM cũng cho thấy tính đến ngày 21-3-2016 mới chỉ thống kê được tình trạng tham gia BHYT của khoảng 55,2% dân số thành phố. Nhằm đẩy mạnh việc triển khai BHYT hộ gia đình, Bảo hiểm xã hội TP cũng đã tiến hành phát biểu mẫu kê khai lập danh sách xuống các địa phương nhưng hiện số mẫu kê khai tham gia BHYT hộ gia đình (mẫu DK 01) thu về chỉ đạt 78%. Trong đó, các mẫu kê khai này còn thiếu nhiều dữ liệu như ngày tháng năm sinh, số sổ hộ khẩu, tạm trú, số CMND…
Gỡ “nút thắt”
Theo Bảo hiểm xã hội TPHCM, trong những tháng đầu năm 2016, số người tham gia BHYT theo hộ gia đình có gia tăng, với mức tăng khoảng 11,24% so với năm 2015. Riêng trong tháng 2-2016 đã có thêm 129.757 người tham gia BHYT hộ gia đình, tăng gần 13 lần so với những tháng trước đó. Nguyên do được các chuyên gia y tế nhìn nhận có thể vì tác động của viện phí tăng, dịch vụ y tế tăng khiến người dân lo lắng và bắt đầu thấy được lợi ích của BHYT. Trong khi đó, dữ liệu mà Bảo hiểm xã hội TPHCM có được về BHYT theo hộ gia đình cũng mới hơn 4,3 triệu người, được đánh giá có tỷ lệ thấp nhất so với cả nước. Theo bà Lưu Thị Thanh Huyền, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TPHCM, việc chậm trễ trong thống kê người dân tham gia BHYT theo hộ gia đình là do lực lượng triển khai việc thống kê còn ít trong khi số lượng dân cư quá lớn. Công tác tuyên truyền chưa tốt nên người dân chưa hiểu ý nghĩa của việc kê khai tham gia BHYT.
Bên cạnh đó, theo Bảo hiểm xã hội TP, các quận huyện do muốn giảm số lượng hộ phải kê khai nên đã điều chỉnh số liệu so với Cục Thống kê cung cấp! Thực tế, việc triển khai BHYT theo hộ gia đình đã được Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam tháo gỡ dần các vướng mắc từ việc thu, thời gian thu cho đến đơn giản hóa các thủ tục. Bà Lưu Thị Thanh Huyền cho rằng các quy định, thủ tục về mua BHYT theo hộ gia đình đã được điều chỉnh thuận tiện hơn, ít phiền phức hơn và có chính sách miễn giảm theo từng thành viên trong hộ gia đình, từ người thứ 2, thứ 3 trở đi mức đóng phí thấp hơn. Tuy nhiên, theo bà Huyền khi triển khai xuống các địa phương, đại lý thì vẫn còn những bất cập, nhiều cán bộ đại lý ở phường, xã chưa thuần thục các biểu mẫu, quy định nên vẫn gây khó dễ cho dân.
Nhằm thuận lợi cho người dân tham gia BHYT hộ gia đình, bà Đinh Thị Liễu, Trưởng phòng Tài chính Sở Y tế TPHCM, cho rằng ngoài tháo gỡ các thủ tục đơn giản hơn thì cũng xem xét mức thu để phù hợp với tình hình kinh tế chung của các hộ gia đình. “Mặc dù đã có chính sách từ người thứ hai trong hộ gia đình mua BHYT sẽ được giảm dần nhưng với nhiều người lao động thì vẫn còn đắn đo”, bà Liễu nhìn nhận. Làm việc với Bảo hiểm Xã hội TP mới đây, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu cũng chỉ đạo quyết liệt tháo gỡ “nút thắt” để phủ rộng số hộ tham gia BHYT. Trong đó, các cơ quan liên quan phải phối hợp với UBND cấp xã, phường làm tốt công tác tuyên truyền để người dân hiểu được mục đích, ý nghĩa của việc lập danh sách hộ gia đình tham gia BHYT, hộ gia đình tự giác và nâng cao trách nhiệm khi tham gia kê khai danh sách. Đồng thời chú trọng công tác rà soát dữ liệu để hạn chế tối đa tình trạng trùng lắp, sai sót, chấn chỉnh lại các đại lý thu để thuận tiện cho người dân hơn…
|
Tường Lâm