
Sau nhiều nỗ lực “đánh động” của giới truyền thông trước thực trạng xuống cấp nghiêm trọng của hơn 100 chung cư sắp sập toàn thành, UBND TPHCM đã lên danh sách những lô chung cư sắp sập cần giải tỏa cấp bách. Thế nhưng trên thực tế, hai chữ “cấp bách” dường như không còn được hiểu theo đúng nghĩa của nó khi mà tiến độ tháo dỡ chung cư cũ, di dời tái định cư vẫn như… rùa bò và người dân ngụ tại những “điểm nóng” này vẫn đang tiếp tục sống chung với hiểm họa sập nhà...
- Sống chung với... tử thần

Mặt ngoài chung cư Cô Giang (Q1).
Trong phần kiểm định chất lượng chung cư Soái Kình Lâm (quận 5) cách đây… hơn 5 năm, Công ty Kiểm định xây dựng Sài Gòn (KĐXDSG) đã kết luận: Toàn bộ gạch xây, vữa trát tường đã bị lão hóa, kết cấu của bê tông, cốt thép chịu lực đã bị đứt ngang, khu vực giếng trời, dầm gỗ được người dân chống đỡ tạm thời đã bị thấm mục nặng nề.
Công ty KĐXDSG đã kiến nghị phải phá bỏ toàn bộ chung cư. Ấy vậy mà đến nay, nhiều hộ dân vẫn… “thản nhiên” ra vào khu chung cư nhếch nhác chẳng khác cái hầm than lộ thiên có thể sập bất cứ lúc nào!? Một cư dân tại đây hồn nhiên nói về hiểm họa gần kề: “Mấy chuyện di dời nghe nói hoài mà có thấy gì đâu. Nghe riết đâm lờn…”.
Lần theo hành lang tối om giữa dãy tường nám đen, cũ mốc, chúng tôi gặp thêm 3 chủ nhà nữa để hỏi họ về kế hoạch di dời chung cư. Người tỏ ra nắm bắt thời sự nhất cho biết một cách mơ hồ: “Hình như đến đầu năm 2006, người dân trong chung cư này phải dọn đi chỗ khác ở…”.
Hiện nay, trên địa bàn TPHCM đang có hơn 100 chung cư sắp sập đang phải oằn mình gánh khoảng 50.000 người dân sinh sống trong đó. Dẫn đầu “danh sách đen” này phải kể đến quận 10 với 30 lô chung cư đang là nơi cư trú của hơn 3.000 người. Tháng 4-2005, UBND thành phố đã đưa vào “danh sách đen” 30 lô nhà ở tại các chung cư Ngô Gia Tự, Nguyễn Kim, Ấn Quang, cư xá Lý Thường Kiệt xây dựng bán kiên cố từ những năm 1960-1970 vào diện cần giải tỏa di dời cấp bách. Bà Thạch Thị Thảo, ngụ tại số 108 lô P chung cư Nguyễn Kim dẫn chúng tôi đi “tham quan” mảng trần nhà ố vàng và rỉ nước rồi “khoe” sáng kiến dùng 3 viên gạch ống đóng thẳng vào chỗ dột và trám xi măng vào: “Nhà này cứ dột, cứ thấm tới đâu là tui sửa tới đó, ở được ngày nào hay ngày đó…”.
Còn bà Huỳnh Thị Nga ở số 203 thì mỗi ngày 3 cữ đem mấy xô nước hứng dột đi đổ. Dù ngoài trời đang nắng chang chang nhưng trong nhà nước cứ rỉ liên hoàn từ tầng trên xuống tầng dưới như những cơn mưa không bao giờ dứt. Tâm lý “còn nước còn tát” của người dân sống tại các lô chung cư “tử thần” này đã lấn át cả nỗi sợ hãi giấu kín trong lòng.
- “Đánh đu” với số phận…
Tại nhà anh Sơn, ở lầu 2 lô C chung cư Ngô Gia Tự (Q10), do căn hộ xuống cấp từ nhiều năm nay nên anh phải tự thuê người gia cố dầm mái, lót sàn hành lang, gắn thành lan can, sơn phết lại. Dãy nhà với đủ màu sơn: xanh, hồng, vàng, trắng… không căn nào giống căn nào của những hộ ở đây đã “tố cáo” cái lõi cũ nát, rệu rã bên trong của nó. Thực tế, nguồn kinh phí cũng như quỹ nhà tái định cư của các quận còn rất hạn chế. Nhu cầu cần 5.200 căn nhưng quỹ nhà của quận chỉ đáp ứng được 180 căn. Hiện quận 10 đang làm theo phương án cuốn chiếu. Hai lô Q và S của chung cư Nguyễn Kim đã đập bỏ xong từ lâu và bàn giao mặt bằng trống cho đơn vị thi công nhưng cho đến nay vẫn chưa khởi công mà dùng làm bãi giữ xe!?
Các khu chung cư Bình Quới, Thanh Đa mới năm nào còn là niềm tự hào của người dân TP, thì nay đã cũ nát. Cô Nguyễn Thị Hạnh ngụ tại đây cho biết: Những người khá giả đã bán nhà đi nơi khác, chỉ còn những người nghèo …”.
- Giải pháp cho người dân ở chung cư sắp sập?
Để đối phó với thực trạng thiếu nhà tái định cư, TPHCM đang lập phương án di dời, đền bù, tái định cư theo hướng không tổ chức tạm cư mà chi hỗ trợ tiền để hộ giải tỏa tự thuê nhà trong thời gian chờ tái định cư. Tuy nhiên mức hỗ trợ 1,2 triệu đồng/ tháng cho hộ dưới 5 người và 300.000 đồng/ người/ tháng đối với hộ có trên 5 nhân khẩu vẫn chưa đảm bảo cho người dân tìm được một nơi ở có vị trí tương xứng với nơi ở cũ và thuận lợi cho công việc của mình. Đa số những người còn bám trụ những khu chung cư đã có lệnh giải tỏa là do không đủ tiền thuê nhà. Những người buôn bán nhỏ lẻ ở khu vực gần chung cư thì cố cầm cự đến khi không còn ở được (và được ở) thì mới tính chuyện dọn đi . Nhiều người chọn phương án bỏ việc ở TP để dọn về quê.
Trước hiểm họa sập nhà rình rập, ông Huỳnh Khắc Cần, Chủ tịch UBND quận 10, cho biết: “Quận đã có kế hoạch giải tỏa những chung cư xuống cấp và di dời người dân đến nơi ở mới. Tuy nhiên, do gặp khó khăn về vấn đề thủ tục, quy chuẩn xây dựng và quy hoạch tổng thể nên việc khởi công còn chậm. Sắp tới, quận khởi công xây dựng 3 lô chung cư 18 tầng tại phường 14 với hơn 450 căn để làm đòn bẩy thực hiện hàng loạt chung cư khác nhằm di dời người dân đến nơi ở an toàn…”.
Hiện trạng các chung cư sắp sập càng trở thành vấn đề nóng bỏng trong xã hội khi hai trận động đất mạnh 5,1 và 5,5 độ richter vừa qua đã khiến nhiều hộ dân sống tại những chung cư rệu rã tại TPHCM thật sự hoảng loạn. Dẫu biết trước hiểm họa thể xảy ra, nhưng bao giờ TP mới giải quyết xong vẫn là câu hỏi chưa có lời đáp dù Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Văn Hiệp cho biết, “TP đã tiến hành kiểm định tất cả chung cư sắp sập để có biện pháp sửa chữa”.
MINH NGỌC- MAI HƯƠNG