Tại chương trình, Báo Sài Gòn Giải Phóng đã trao 30 suất học bổng (mỗi suất trị giá 1 triệu đồng) cho các học sinh nghèo hiếu học - những em nhỏ đang miệt mài đến lớp giữa vùng rừng núi giáp biên giới xa xôi.

Cùng dịp này, Tạp chí Nông thôn Việt - đơn vị khởi xướng chương trình “Nghĩa tình Biên giới” - đã trao 50 triệu đồng do các mạnh thường quân và nhà hảo tâm đóng góp để hỗ trợ ba trường học trên địa bàn, gồm: Trường Mầm non Tân Thượng, Trường Tiểu học số 1 và số 2 Thượng Trạch.
Số tiền này được dùng để mua sắm sách vở, đồ dùng học tập và trang thiết bị cần thiết, giúp các em chuẩn bị tốt cho năm học mới 2025 - 2026.
Ngoài ra, đoàn công tác còn trao tặng 2 thùng quà là nhu yếu phẩm đến Đồn Biên phòng Cà Roòng.

Thượng Trạch là xã vùng cao, địa hình hiểm trở, đường sá cách trở, với trên 95% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Đời sống còn nhiều thiếu thốn, nhất là với trẻ em trong độ tuổi đến trường.
Việc hỗ trợ kịp thời về vật chất và tinh thần là động lực lớn để các em tiếp tục học tập và nuôi dưỡng ước mơ.

Buổi lễ trao quà là hoạt động nối tiếp ngay sau đêm tri ân liệt sĩ “Hát cho người nằm lại giữa đại ngàn” tổ chức tại Đền tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn, trọng điểm Cà Roòng - ATP Đường 20 Quyết Thắng.
Chương trình “Nghĩa tình Biên giới” do Tạp chí Nông thôn Việt phát động từ năm 2015, với mục tiêu kết nối nguồn lực xã hội để tri ân các thế hệ đi trước và chăm lo thiết thực cho đời sống người dân, chiến sĩ ở vùng biên giới.
Qua gần một thập niên triển khai, chương trình đã góp phần xây dựng các Đền tưởng niệm liệt sĩ, Nhà thờ Mẹ Việt Nam Anh hùng tại các chiến trường xưa; hỗ trợ cơ sở vật chất cho các đồn biên phòng; cải thiện hạ tầng nông thôn tại những địa bàn cách trở; đồng thời thường xuyên tổ chức các hoạt động trao học bổng, quà tết và cứu trợ khẩn cấp sau thiên tai.

Với sự đồng hành của nhiều cơ quan báo chí, đơn vị xã hội và cộng đồng, chương trình tiếp tục lan tỏa tinh thần tương thân tương ái, đóng góp cho sự phát triển bền vững của các địa phương vùng biên - nơi từng là tuyến đầu của khói lửa, và hôm nay là tuyến đầu của gìn giữ và dựng xây.