Bão số 7 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới

Lúc 15 giờ 30 chiều nay (14-10), Trung tâm Dự báo khí tượng – thủy văn quốc gia thông tin, cơn bão số 7 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. 

Hồi 15 giờ, tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 19,8 độ vĩ Bắc và 106,3 độ kinh Đông, trên khu vực ven biển các tỉnh từ Thái Bình đến Nghệ An. 

Dự báo trong 3 giờ tới, áp thấp nhiệt đới sẽ di chuyển theo hướng Tây với tốc độ khoảng 10-15 km/giờ, đi vào đất liền của các tỉnh từ Thái Bình đến Nghệ An, trọng tâm là Ninh Bình và Thanh Hóa. 

Đến 22 giờ đêm nay 14-10, tâm áp thấp nhiệt đới sẽ nằm trên khu vực biên giới Việt Nam - Lào. 

Trong 12 giờ đến 24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km, tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực thượng Lào.

Do ảnh hưởng của bão số 7 kết hợp với không khí lạnh nên từ nay đến ngày 16-10, ở khu vực đồng bằng và ven biển Bắc bộ, Hòa Bình, nam Sơn La, Phú Thọ, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An có mưa to đến rất to, với tổng lượng mưa phổ biến khoảng 200 - 350mm/đợt, có nơi trên 400mm/đợt; các nơi khác ở Bắc bộ và Hà Tĩnh khoảng 50 - 150mm/đợt.

4 tỉnh miền Trung xin cứu trợ gạo, mì tôm, áo phao, máy phát điện...

Chiều nay 14-10, văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai thông tin cho báo chí, Ban chỉ đạo Trung ương vừa có văn bản số 145/TWPCTT ngày 14-10 gửi Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Tổng cục Dự trữ Nhà nước, Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đề nghị hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai tại các tỉnh miền Trung. 

Theo Tổng cục Phòng chống thiên tai, trong những ngày qua, mưa lũ lớn đã xảy ra trên diện rộng tại các tỉnh miền Trung, gây thiệt hai nghiêm trọng về người và tài sản. 

Để phục vụ công tác khắc phục hậu quả và tiếp tục ứng phó với các đợt mưa lũ tiếp theo, Ban chỉ đạo Trung ương đã tổng hợp và gửi các cơ quan có liên quan về nhu cầu cứu trợ khẩn cấp lương thực, thuốc, hóa chất lọc nước, dung dịch khử trùng phòng chống dịch bệnh, trang thiết bị tìm kiếm cứu nạn của các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam. 

Cụ thể, các địa phương này cần khoảng 6.500 tấn gạo, khoảng 5,5 tấn lương khô, 20.000 thùng mì tôm, 300 cơ số thuốc, 3 tấn hóa chất PAC, 119 xuồng các loại, 81 máy phát điện, 257 nhà bạt, 17.420 phao, 3 xe lội nước GAZ.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế trao mì tôm cứu trợ cho đồng bào vùng lũ khu vực sông Bồ. Ảnh: VĂN THẮNG

Cảnh báo triều cường gây ngập úng ở Nam bộ

Chiều nay 14-10, Trung tâm Dự báo khí tượng -  thủy văn quốc gia đã phát thông tin cảnh báo hiện trạng triều cường xuất hiện ở Nam bộ. 

Theo quan trắc, đỉnh triều tại trạm Vũng Tàu đang có xu hướng tăng, mực nước quan trắc cao nhất tại trạm hải văn Vũng Tàu ngày 13-10 là 3,86m.

Từ ngày 14-10, đỉnh triều tại ven biển Nam bộ tiếp tục dâng cao, đợt triều cường cao nhất từ đầu năm sẽ xuất hiện từ ngày 16-10 đến 20-10; riêng ngày 18-10, mực nước triều cao nhất ngày tại Vũng Tàu có thể đạt mức 4,3m.       

Cảnh báo: Do ảnh hưởng của triều cường, khu vực ven biển các tỉnh Đông Nam bộ và TPHCM có khả năng ngập úng tại các vùng trũng thấp.

Tin cùng chuyên mục