Bảo vệ môi trường từ… bàn tiệc

Nhân loại toàn cầu đã và đang bước vào những ngày lễ cuối năm như lễ Tạ ơn vừa qua, Giáng sinh và Năm mới sắp tới… Mặc dù cuộc sống ít nhiều đã khó khăn hơn vì tác động của đại dịch Covid-19, nhưng các cuộc sum vầy, đoàn tụ của các gia đình được dự báo vẫn đầy ắp những món ăn ngon theo truyền thống.

Trong bối cảnh đại dịch làm hạn chế các chuyến đi chơi xa nhà, các quán bar cấm tụ tập đông người, việc giảm đi ăn ngoài khiến các gia đình có thể vung tiền cho một bữa ăn được chuẩn bị ở nhà. Tâm lý chung của người Mỹ, mọi người thường không tiết kiệm vào ngày lễ hoặc sinh nhật. Hầu hết các gia đình vẫn mong muốn duy trì bàn tiệc cuối năm với chất lượng không thay đổi mấy so với những năm trước.

Còn quá sớm để nói rằng doanh số tiêu thụ thực phẩm năm nay sẽ ra sao so với năm ngoái, nhưng trong thông báo ngày 28-11, Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) đang kêu gọi mỗi người dân Mỹ nên tự ý thức hạn chế lãng phí thực phẩm trong những ngày lễ. EPA kêu gọi người Mỹ hãy lưu tâm đến vấn đề môi trường khi lên kế hoạch cho bữa tối của họ và hạn chế lãng phí thực phẩm.

Mỗi năm, có khoảng 32 triệu tấn thực phẩm hỏng (hoặc có thể chưa hỏng) bị vứt ra các bãi rác thải ở Mỹ, không những góp phần làm lãng phí năng lượng và tài nguyên trong chuỗi cung ứng thực phẩm, mà còn làm tăng lượng khí thải methane ra môi trường.

Theo ước tính của EPA, thực phẩm là loại “rác” chiếm số lượng lớn nhất ở các bãi rác, hơn bất kỳ rác thải nào khác trong thùng rác hàng ngày của gia đình, mà vốn dĩ chiếm đến 24% chất thải rắn đô thị. Thực phẩm bị lãng phí góp phần khiến các bãi rác trở thành nguồn phát thải khí methane có liên quan đến con người lớn thứ ba ở Mỹ. Lượng rác thải khổng lồ từ thực phẩm bỏ đi còn sản sinh ra 4,2 tấn khí CO2, tương đương với 1/4 lượng khí thải của tất cả các xe ôtô tại Mỹ thải ra môi trường trong một năm.

Để bảo tồn năng lượng và tài nguyên, giảm ô nhiễm liên quan đến các khâu trồng trọt, sản xuất, chế biến, vận chuyển và phân phối thực phẩm, các tổ chức vì môi trường cũng đưa ra một số giải pháp ở phạm vi gia đình. Theo đó, các bà nội trợ có thể hạn chế lãng phí thức ăn bằng cách tính toán kỹ trước khi mua sắm hoặc nấu nướng, và luôn chú ý đến hạn sử dụng của đồ ăn với ghi nhớ “lãng phí thức ăn cũng là lãng phí tiền bạc”. Các gia đình nên tạo và bám sát danh sách mua sắm.

Thậm chí “làm bạn” với tủ đông, lên kế hoạch trước cho một đêm “ăn thức ăn thừa” là một cách tuyệt vời để sử dụng các nguyên liệu và thức ăn thừa. Cân nhắc việc chia sẻ thực phẩm thừa với gia đình một cách an toàn, tránh có thể bị ngộ độc, hoặc quyên góp những thực phẩm chưa mở, khó hỏng cho các tổ chức từ thiện địa phương.

Số đồ ăn bị lãng phí mỗi năm ở Mỹ có giá trị thực lên tới 165 tỷ USD, đủ để nuôi sống cho 2 tỷ người thiếu ăn. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang khó lường, mùa đông năm nay được dự báo sẽ rất khó khăn đối với nhiều người. Với những biện pháp trên, người ta sẽ thấy đó là một cách để cảm tạ cuộc sống và để cho người khác cũng có thể thưởng thức một bữa ăn trong những ngày khó khăn. Lãng phí thực phẩm là câu chuyện không mới, nhưng nó lại là bài toán vẫn chưa tìm được lời giải hoàn hảo.

Tin cùng chuyên mục