Covid-19 là bệnh lý đường hô hấp, nhưng có thể ảnh hưởng đến thận; gây tổn thương trực tiếp làm hoại tử tế bào ở thận hoặc gián tiếp thông qua các đáp ứng viêm, tổn thương nội mạc mạch máu, tình trạng tăng đông, thiếu oxy cho mô, thiếu nước… Tất cả các yếu tố này gây nên tình trạng tổn thương thận cấp với nguy cơ 30%-50% các trường hợp người bệnh nhập hồi sức tích cực, làm tăng tỷ lệ tử vong lên tới 40%-60% những người bệnh này. Một số người bệnh sống sót được cũng có thể dẫn tới suy thận mạn giai đoạn cuối, phải điều trị thay thế thận lâu dài.
Nếu mắc Covid-19, người bệnh thận mạn dễ bị bệnh nặng hơn người bình thường, chức năng thận càng bị sụt giảm nhiều hơn. Bệnh thận càng nặng, hậu quả của Covid-19 càng nặng nề, nguy cơ nhập viện và tử vong cao hơn rất nhiều. Nguy cơ này thậm chí còn cao hơn nếu có các bệnh đi kèm như đái tháo đường, bệnh tim mạch, béo phì hay bệnh phổi... Người bệnh cần tuân thủ chế độ điều trị, chế độ ăn kiêng đảm bảo đầy đủ năng lượng và chất dinh dưỡng theo bác sĩ hướng dẫn. Nếu không thể đến bệnh viện tái khám do đang trong thời gian giãn cách, hoặc đang cư trú trong khu vực bị phong tỏa, người bệnh phải liên hệ với bác sĩ để thông báo về tình hình sức khỏe và tìm giải pháp để duy trì thuốc đang uống, đặc biệt đối với những người đang dùng thuốc ức chế miễn dịch như ghép thận, hoặc mắc bệnh tự miễn như lupus ban đỏ hệ thống. Khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, người bệnh cần liên hệ ngay với bác sĩ bằng các phương tiện như điện thoại, email, Zalo, Viber, messenger…
Nếu người bệnh đang chạy thận nhân tạo, cần tiếp tục chế độ điều trị đang có, không được bỏ cữ chạy thận nào. Được lọc máu đầy đủ sẽ giúp cho hệ miễn dịch mạnh mẽ và ít nguy cơ lây nhiễm virus hơn. Hiện nay, tất cả các cơ sở chạy thận nhân tạo áp dụng các biện pháp phòng tránh lây lan virus. Nếu người bệnh có dấu hiệu nghi mắc Covid-19, tiếp xúc gần với người nghi mắc, hoặc ở trong khu cách ly, phong tỏa, cần gọi điện thoại báo trước cho cơ sở chạy thận nhân tạo để được hướng dẫn, được giới thiệu đến nơi chạy thận an toàn, tránh lây nhiễm cho cộng đồng.
Ngoài ra, các bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh tim mạch cũng là những yếu tố nguy cơ làm cho bệnh Covid-19 nặng lên nên không thể bỏ qua việc điều trị các bệnh lý này. Người bệnh thận mạn vẫn có thể sống an nhiên, tự tại vượt qua dịch Covid-19 nếu biết tuân thủ các biện pháp phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm, duy trì liên tục các biện pháp điều trị theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.
Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM