Bảo vệ người nguy cơ trước Covid-19

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, đặc biệt là sự xuất hiện của biến thể Omicron, TPHCM đã có những thay đổi trong chiến lược phòng chống dịch, trong đó ưu tiên hàng đầu bảo vệ nhóm người có nguy cơ cao.

Người già, mắc bệnh nền có nguy cơ cao 

Dù đã được tiêm 2 mũi vaccine nhưng bà Ngô Thị Xuân (62 tuổi, ngụ quận 12) vẫn lo lắng nguy cơ mắc Covid-19. “Tôi bị cao huyết áp, đái tháo đường 4 năm nay, nên rất chú ý các khuyến cáo của ngành y tế, cũng không dám đến nơi đông người”, bà Xuân chia sẻ.

Còn ông Nguyễn Văn Sâm (67 tuổi, ngụ quận Tân Phú), một bệnh nhân đang điều trị ung thư thì đi đâu, làm gì cũng kè kè chai cồn. Hễ chạm tay vào bất cứ đồ vật gì, ông Sâm đều xịt cồn khử khuẩn. Lúc đi khám bệnh, ông Sâm cũng rửa tay liên tục và không đứng gần ai quá 2m. “Vì mình đang là bệnh nhân nên càng phải cẩn thận hơn kẻo bệnh chồng bệnh thì nguy hiểm lắm”, ông Sâm tâm sự.

Theo các số liệu thống kê, người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính… có nguy cơ nhiễm Covid-19 cao, nếu mắc phải sẽ tiến triển nặng nề hơn, điều trị kéo dài và tỷ lệ tử vong cao. Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ, bất kỳ lứa tuổi, giới tính nào cũng đều có nguy cơ nhiễm bệnh. Tuy nhiên, Covid-19 có xu hướng gây nhiều biến chứng nghiêm trọng hơn ở người trung niên và lớn tuổi.

Ở Mỹ, khoảng 80% trường hợp tử vong do Covid-19 ở những người từ 65 tuổi trở lên, tập trung nhóm người có các bệnh lý nền như: phổi tắc nghẽn mạn tính, thận mạn tính, xơ gan, ung thư, tim mạch, đái tháo đường, béo phì, suy giảm hệ thống miễn dịch… Còn một nghiên cứu tại Italy cũng cho thấy, 99% số ca tử vong do Covid-19 là người mắc bệnh lý mạn tính. 

Bảo vệ người nguy cơ trước Covid-19 ảnh 1 Nhân viên y tế tiêm vaccine mũi 3 cho lực lượng tuyến đầu  tham gia phòng chống dịch. Ảnh: ĐINH LỄ

Tại TPHCM, theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế, qua phân tích ca tử vong trên địa bàn thời gian qua thì điểm chung là tập trung ở người cao tuổi, 90% trường hợp là người trên 50 tuổi có bệnh lý nền, trong đó phổ biến là tiểu đường, cao huyết áp, bệnh lý thận, gan và ung thư. 

Lập chiến dịch bảo vệ 

Bên cạnh người già, người có bệnh nền, người mắc các bệnh cơ hội cũng có nguy cơ cao nhiễm Covid-19. Sau 2 mũi vaccine cách đây 3 tháng, anh Tr.V.Q. (46 tuổi, nhiễm HIV, ngụ quận Gò Vấp) vừa đến Phòng khám Liên khoa Lao - HIV/AIDS thuộc Trung tâm Y tế quận Gò Vấp để tiêm vaccine mũi 3 phòng Covid-19. “Tôi đã điều trị bằng thuốc ARV 10 năm nay, sức khỏe có phần giảm sút nên rất lo nếu mắc Covid-19, được tiêm mũi 3 nên yên tâm hơn nhiều”, anh Q. chia sẻ. Cũng như anh Q., 250 bệnh nhân HIV/AIDS khác vừa được Trung tâm Y tế quận Gò Vấp tiêm mũi 3 vaccine phòng Covid-19. 

Bác sĩ Thạch Thị Ca, Trưởng Khoa Tham vấn hỗ trợ cộng đồng - HIV/AIDS, Trung tâm Y tế quận Gò Vấp, cho hay, việc tiêm vaccine mũi 3 rất quan trọng với bệnh nhân nhiễm HIV vì những người này thuộc nhóm suy giảm miễn dịch, khả năng trở nặng khi mắc Covid-19 rất cao. 

Bảo vệ người nguy cơ trước Covid-19 ảnh 2

Cùng với bệnh nhân nhiễm HIV, UBND TPHCM vừa phát động “Chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ” trước dịch Covid-19 với mục đích ngăn ngừa những người thuộc nhóm này bị nhiễm Covid-19, phát hiện sớm để kịp thời điều trị đặc hiệu với thuốc kháng virus và theo dõi sức khỏe, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong. Nhiều hoạt động được triển khai gồm: cập nhật danh sách, quản lý sức khỏe người dân thuộc nhóm nguy cơ; triển khai xét nghiệm tầm soát phát hiện F0; đẩy mạnh tiêm vaccine phòng Covid-19 đối với nhóm nguy cơ… 

Cụ thể, thành phố tiến hành khảo sát và lập danh sách các hộ gia đình có người thuộc nhóm nguy cơ để thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên. Nếu kết quả xét nghiệm sau 2 lần đều âm tính thì sẽ được tư vấn và theo dõi sức khỏe từ xa qua mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành”; nếu kết quả xét nghiệm dương tính thì được chăm sóc điều trị ngay.

Đối với hoạt động tiêm vaccine, TPHCM đảm bảo không bỏ sót những người thuộc nhóm nguy cơ. Những người thuộc nhóm nguy cơ chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều, sẽ thuyết phục và nhanh chóng hướng dẫn đến cơ sở y tế gần nhất để được tiêm vaccine an toàn. Trường hợp người thuộc nhóm nguy cơ không thể di chuyển tới điểm tiêm thì tổ chức các đội tiêm lưu động để tiêm vaccine tại nhà.

Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, chiến dịch bảo vệ nhóm nguy cơ sẽ tập trung vào 2 giải pháp: Thứ nhất là giảm nguy cơ lây nhiễm cho nhóm này bằng cách tiêm vaccine (tiêm đủ, tiêm bổ sung, tiêm nhắc) và tăng cường biện pháp 5K; thứ hai là phát hiện điều trị sớm và theo dõi từ xa với các giải pháp như đi từng ngõ, gõ từng nhà; cập nhật danh sách nhóm nguy cơ và ưu tiên sử dụng thuốc kháng virus (Molnupiravir, Favipiravir).

Tin cùng chuyên mục