Bảo vệ người tiêu dùng mua sắm trực tuyến

Càng gần cuối năm, thị trường hàng hóa càng sôi động, các đối tượng kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng cũng lợi dụng tình hình đó để trục lợi. Chính vì vậy, lực lượng chức năng trên cả nước đang bước vào cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại để bảo vệ người tiêu dùng (NTD) cũng như các doanh nghiệp chân chính.
Người tiêu dùng nên mua hàng hóa tại các địa chỉ uy tín
Người tiêu dùng nên mua hàng hóa tại các địa chỉ uy tín

Theo các cơ quan chức năng, việc phát triển của hình thức mua bán online cũng mang tới hệ lụy về hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng bởi nhiều đối tượng lợi dụng hình thức kinh doanh dễ dàng này để trục lợi, bán hàng kém chất lượng.  

Thực tế qua những vụ việc kiểm tra, bắt giữ gần đây của lực lượng chức năng trên cả nước cho thấy hàng giả, hàng kém chất lượng chủ yếu được tiêu thụ qua môi trường thương mại điện tử nên khó kiểm soát. Điển hình như vụ đồng loạt kiểm tra 3 tổng kho, cửa hàng kinh doanh hàng giả, hàng lậu lớn trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; vụ triệt phá cơ sở kinh doanh có 4 kho hàng chứa nhiều sản phẩm giả mạo nhãn hiệu tại Sầm Sơn, Thanh Hóa; vụ bắt giữ lô hàng mỹ phẩm nhập lậu và thuốc trị giá gần 20 tỷ đồng tại TPHCM... tất cả những cơ sở kinh doanh này đều có điểm chung là bán online qua mạng. 

Lý giải việc buôn bán qua mạng nở rộ, theo các chuyên gia, một phần là do nhận thức, thị hiếu của NTD muốn sở hữu hàng hóa với giá rẻ, cùng với đó là khả năng nhận biết và thông tin để nhận biết hàng thật, hàng giả của NTD còn hạn chế. Liên quan vấn đề này, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TPHCM cho biết, NTD thường mua hàng xong mới biết giả và mỗi năm hội này tiếp nhận rất nhiều khiếu nại của NTD liên quan đến hàng giả, hàng kém chất lượng được bán trên môi trường mạng. Đáng buồn là NTD khi phát hiện đến khiếu nại hàng giả đến với hội thì hội này không giúp được gì. 

Chỉ ra lý do, luật gia Phan Thị Việt Thu, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TPHCM, cho hay, chức năng của hội theo pháp luật chỉ đứng ở trung gian hòa giải giữa doanh nghiệp và NTD, để hai bên có tiếng nói chung, giải quyết êm đẹp trong mua bán. Tuy vậy, khi NTD khi mua nhầm hàng giả thì hội lại không thể mời doanh nghiệp bởi hầu hết cơ sở kinh doanh qua mạng đều phủ nhận trách nhiệm của mình. 

Hàng giả, hàng kém chất lượng ngày càng gia tăng trên môi trường mạng. Càng gần cuối năm, thị trường hàng hóa càng sôi động, các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng kém chất lượng dễ lợi dụng tình hình này, buôn bán qua mạng để trục lợi. Mới đây, Tổng cục Quản lý thị trường đã ban hành kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Theo đó, chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh, ngăn chặn và xử lý kịp thời hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại nhằm bảo vệ NTD.

Để công cuộc chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả hiệu quả, ngoài sự vào cuộc của cơ quan chức năng cũng rất cần sự phối hợp, chung tay của NTD và doanh nghiệp. Theo đó, NTD khi mua phải hàng giả cần khiếu nại đến cơ quan chức năng có thẩm quyền, doanh nghiệp cần phối chặt chẽ với cơ quan chức năng. Bởi lẽ khi có dấu hiệu hàng hóa bị giả mạo hoặc làm nhái, hơn ai hết chính những doanh nghiệp bị hại phải lên tiếng để cộng đồng biết và cơ quan chức năng vào cuộc. 

Ngoài ra, NTD khi mua sắm cần lựa chọn những website, trang thương mại điện tử của những doanh nghiệp uy tín, có như vậy quyền lợi của NTD mới được đảm bảo.

Tin cùng chuyên mục