Bảo vệ người tiêu dùng trong xu thế số hóa

Trên thực tế, nhiều người tiêu dùng đã chịu mất tiền “oan” do tin lời quảng cáo từ các shop bán hàng online. Do đó sắp tới đây, Quốc hội sẽ thảo luận, xem xét thông qua dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

Trong một báo cáo về các vi phạm trong giao dịch thương mại điện tử do Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) công bố gần đây đã chỉ ra rủi ro đầu tiên mà người tiêu dùng gặp phải là hàng hóa nhận được không giống với quảng cáo.

Thực tế mua sắm của nhiều người tiêu dùng cũng cho thấy, họ đã không ít lần mua phải hàng khác xa so với quảng cáo trên mạng. Chị Hà Thị Duyên, một tín đồ “săn hàng online” tại TPHCM, cho hay, khi mua, shop nói chị được kiểm hàng nhưng khi nhận hàng, nhân viên giao hàng lại bảo không có chính sách đồng kiểm như vậy. Theo chị Duyên, do không được kiểm tra nên chị đã gặp không ít trường hợp nhận hàng không đúng như quảng cáo của bên bán.

Từ thực tế này, nhiều khách hàng cho rằng nên có cơ chế đồng kiểm khi giao nhận hàng giữa bên bán, bên mua và người giao hàng để kiểm soát chất lượng hàng hóa.

Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV trong tháng 5, Quốc hội sẽ thảo luận, xem xét thông qua dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Điểm đáng lưu ý là dự thảo đã bổ sung các quy định cụ thể về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng; trong đó, đưa ra các hành vi bị cấm như lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua việc cung cấp thông tin sai lệch, không đầy đủ, chính xác về sản phẩm, hàng hóa.

Tin cùng chuyên mục