Sổ tay

Bất công ở bệnh viện công

Bấy lâu, người dân vẫn ta thán về các loại… phiền phức trong việc khám chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế (BHYT). Thời gian gần đây, nhiều người khám BHYT đã thở phào nhẹ nhõm khi một số bệnh viện “đẻ” ra loại hình “dịch vụ khám BHYT”.

Tại BV Nhân Dân Gia Định, bệnh nhân BHYT nếu có nhu cầu khám dịch vụ, chỉ cần đóng 80.000 đồng chênh lệch phí sẽ được khám bệnh ở khu dịch vụ thông thoáng hơn, ít phải chờ đợi và được nhân viên hướng dẫn tận tình, có phòng lưu bệnh…

Đặc biệt, người bệnh còn được nhân viên bệnh viện đem toa thuốc xuống khu cấp thuốc BHYT để nộp giùm và được sắp xếp lãnh thuốc như đối tượng ưu tiên.

Cách ưu ái trên mức cho phép ở BV Nhân Dân Gia Định với những bệnh nhân diện BHYT khám dịch vụ làm ảnh hưởng đến thời gian, công sức, sức khỏe của người khám BHYT khác, khi mỗi ngày có hàng trăm bệnh nhân khám bệnh diện BHYT thông thường phải nhường việc lãnh thuốc BHYT trước cho không ít “thượng đế” khám dịch vụ.

BV Nguyễn Trãi (quận 5, TPHCM) lại quy định bệnh nhân BHYT khi muốn khám, chữa bệnh (diện ngoại trú) theo dịch vụ phải thanh toán chi phí khám dịch vụ từ 30.000 đồng nhưng sau đó tự cầm đơn đi mua thuốc. Nếu bệnh nhân muốn được thanh toán chi phí khám và điều trị, phải đem hóa đơn, chứng từ đến Bảo hiểm xã hội giải quyết.

Trong khi đó, theo Bảo hiểm xã hội TPHCM, BV Nguyễn Trãi có thể linh động cho bệnh nhân BHYT khám dịch vụ được lãnh thuốc theo chính sách BHYT, sau đó, BV có thể thanh toán với Bảo hiểm xã hội. 

Khi hai bệnh viện trên chọn cách phân hóa đối tượng diện BHYT để “bắt cá hai tay”, một số BV khác ở TPHCM lại áp dụng chiêu thức cạnh tranh không lành mạnh giữa việc khám chữa bệnh dịch vụ và BHYT như dành những vị trí đắc địa, cơ sở vật chất mới để phục vụ cho bệnh nhân dịch vụ; nơi xập xệ để khám chữa bệnh cho đối tượng BHYT.

Nơi khám dịch vụ được bố trí ghế ngồi, phòng lưu bệnh có nhân viên tiếp đón, hướng dẫn niềm nở. Các “thượng đế” có thể lựa chọn, yêu cầu bác sĩ khám, điều trị theo ý muốn của mình miễn là đóng tiền chênh lệch 70.000 - 200.000 đồng (tùy theo bác sĩ là Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa sâu…). Trong khi đó, nơi khám chữa bệnh theo BHYT thường chật chội, đông đúc, thiếu ghế ngồi, không có phòng lưu bệnh, nhân viên y tế cau có, quát tháo bệnh nhân…

Rõ ràng, việc các bệnh viện đưa ra những “lệ làng” không chỉ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia BHYT mà còn gây tâm lý e ngại, lo lắng không đáng có cho bệnh nhân khi sử dụng BHYT để khám chữa bệnh.

Thiết nghĩ, để thiết lập công bằng và bình đẳng cho người bệnh và tiến tới việc toàn dân tham gia BHYT, các bệnh viện công phải nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và cơ sở vật chất, tuân thủ cơ chế cạnh tranh lành mạnh, không phân biệt đối xử giữa đối tượng BHYT và dịch vụ theo kiểu có tiền là có quyền…

Bên cạnh đó, các nhà quản lý cần có những quy định, thống nhất, cụ thể và hợp lý nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho đối tượng khám chữa bệnh bằng BHYT.

Tiến Đạt

Tin cùng chuyên mục