Ngày 29-3, sau khi báo cáo trước Quốc hội việc thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng, bên hành lang kỳ họp, Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền đã dành thời gian trao đổi thêm với báo chí về một số vấn đề trong công tác phòng chống tham nhũng (PCTN).
- Phóng viên: Tại sao đến thời điểm này vẫn có nhiều địa phương chưa có báo cáo về PCTN?
Tổng Thanh tra TRẦN VĂN TRUYỀN: Trong khi chúng ta đánh giá tham nhũng đang diễn biến phức tạp, nghiêm trọng trên nhiều lĩnh vực, thì ở địa phương, bộ, ngành lại có không ít nơi báo cáo không phát hiện tham nhũng. Rõ ràng tính tự giác, tự làm trong thực hiện Luật PCTN còn yếu. Tới đây, đơn vị nào báo cáo không có tham nhũng, mà cấp trên hoặc nhân dân phát hiện được thì phải xử lý trách nhiệm của người đứng đầu.
- Năm 2006 phát hiện sai phạm gần 5.000 tỷ đồng, nhưng đến nay chỉ thu hồi được trên 283 tỷ đồng?
Những sai phạm phát hiện được qua thanh tra thường từ hơn chục nguồn, có nguồn do thiếu trách nhiệm, có nguồn do cố ý làm trái, do tiêu cực, tư lợi, vụ lợi, thậm chí tham ô... Cơ quan thanh tra chỉ kiến nghị những vụ việc có khả năng thu hồi, còn những việc không có khả năng thu hồi thì dĩ nhiên không thể kiến nghị. Việc thực hiện thu hồi như thế nào còn là trách nhiệm của các đơn vị phải chấp hành thu hồi. Chúng tôi đã kiến nghị sửa Luật Thanh tra để có chế tài mạnh mẽ hơn.
- Qua báo cáo của Chính phủ, có thể thấy việc phát hiện tham nhũng rất nhiều nhưng xử lý trách nhiệm còn rất ít?
Trước hết, tôi nghĩ chúng ta cần xác định lại cơ chế trách nhiệm: đã có kiến nghị thì phải có người thực hiện kiến nghị đó, nếu không thực hiện thì phải có biện pháp xử lý. Thứ hai, ngay trước mắt, chúng tôi kiến nghị những trường hợp cụ thể, làm rõ trách nhiệm người đứng đầu, trên cơ sở đó làm rõ trách nhiệm thu hồi. Thứ ba, trên thực tế, thời gian qua có ít kiến nghị mà cũng không có khả năng thu hồi tài chính. Do đó, phải quy trách nhiệm xử lý.
- Một số vụ án nghiêm trọng mà Thủ tướng yêu cầu phải đưa ra xét xử trong năm 2006 nhưng đến nay vẫn chưa kết thúc?
Để xảy ra tình trạng này là do sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng chưa thật sự đồng bộ. Tuy nhiên, về việc này Thủ tướng đã liên tục chỉ đạo, yêu cầu công khai tiến độ điều tra, công khai tiến độ xét xử, tinh thần chung là xử lý khẩn trương theo đúng pháp luật. Hiện nay, hầu hết vụ án nghiêm trọng đều đã quá hạn theo pháp luật. Vì vậy, Thủ tướng có giao trách nhiệm cho các bộ trưởng có liên quan phải kiểm điểm trách nhiệm của các đơn vị thuộc quyền để xem xét tiến độ thực hiện.
- Đã làm Tổng Thanh tra Chính phủ được một thời gian không ngắn, ông đánh giá thế nào về vấn đề chạy án?
Bất cứ cuộc thanh tra nào, bất cứ vụ án nào cũng có chạy án cả. Chạy trực tiếp, chạy gián tiếp, chạy nhiều, chạy ít. Quan trọng là quy ước đạo đức nghề nghiệp đã cấm, luật pháp cũng cấm thì bản thân cán bộ như tụi tôi phải nêu gương. Với anh em cấp dưới, tôi có cơ chế giám sát. Tôi giao trách nhiệm cho trưởng đoàn thanh tra, vụ trưởng, và họ chịu trách nhiệm trước chúng tôi. Quan điểm của tôi là phải làm cho anh em ý thức được đã chấp nhận làm thanh tra thì phải tự giữ mình.
- Nếu họ chạy án thông qua vợ con thanh tra thì sao?
Đúng là có chuyện như vậy. Người ta chạy bằng nhiều con đường. Do đó bây giờ ngoài giữ cho bản thân mình, còn phải có trách nhiệm hướng dẫn vợ con cảnh giác, cẩn thận trong quan hệ. Bản thân mình cũng phải để tâm tới vợ con.
- Xin cảm ơn ông!
HÀM YÊN ghi