Bắt nạt trực tuyến: Nỗi lo cho giới trẻ

Khi tham gia vào môi trường internet, trẻ có thể đối diện với hàng loạt nguy cơ đến từ các thông tin xấu độc, xâm phạm đời tư. Thậm chí, các em còn là nạn nhân của bắt nạt trực tuyến và ngày càng mất phương hướng, trầm cảm khi bị cư dân mạng chế giễu, miệt thị hay bình luận ác ý…
Bắt nạt trực tuyến: Nỗi lo cho giới trẻ

Nhiều kiểu bắt nạt

Bắt nạt trực tuyến (BNTT) là hiện tượng bắt nạt qua việc sử dụng các thiết bị công nghệ kỹ thuật số, diễn ra trên mạng xã hội, qua nhắn tin, khi chơi điện tử. Anh Huỳnh Khánh (ngụ quận 3, TPHCM) kể: “Hôm trước tôi đăng hình con gái học lớp 8 lên Facebook nhân dịp sinh nhật con, vậy mà hôm sau, khi đi học về, con tôi khóc lóc và yêu cầu từ nay không được đăng hình nó nữa… Tìm hiểu mới biết, tấm hình đó đã bị bạn bè trong lớp của con tôi tải về rồi sửa ảnh và chia sẻ trong nhóm của lớp với những lời bình luận kém vui, thậm chí quá đáng. Tôi hiểu ra đó là một hình thức bị BNTT, nên về sau không bao giờ đăng hình con trên mạng xã hội”.

Thư viện Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (quận 1, TPHCM) với hệ thống nối mạng, giúp học sinh tra thông tin nội bộ và internet. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Thư viện Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (quận 1, TPHCM) với hệ thống nối mạng, giúp học sinh tra thông tin nội bộ và internet. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Không thể cấm trẻ con tiếp xúc với internet, thậm chí là chơi điện tử nhưng ở môi trường mạng, BNTT hiện diện khá rõ. “Mỗi tối, sau khi làm hết các bài tập, con trai tôi (học lớp 6) có vài chục phút chơi điện tử. Bình thường, nhóm bốn đứa trẻ chơi cùng và mở loa ngoài, nói chuyện vui vẻ với nhau; nhưng hôm đó, ba đứa chơi cùng lại quay sang “tấn công” con tôi khi không hoàn thành một nhiệm vụ của nhóm chơi. Bọn trẻ dùng những lời nói “kiểu người lớn”, thậm chí hăm dọa sẽ “xử lý” này kia vào ngày mai khi gặp nhau ở trường. Con trai tôi khóc và tỏ ra rất lo lắng, thậm chí khó ngủ…”, chị Thanh Phương (ngụ quận 6, TPHCM) tâm sự.

Theo báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) vừa công bố, 83% trẻ em từ 12-13 tuổi sử dụng internet, con số này tăng lên 93% ở độ tuổi 14-15 và trẻ rất dễ rơi vào bẫy của người lạ trên mạng, tiếp cận với những nội dung độc hại. Các chuyên gia UNICEF cho rằng, với tỷ lệ trẻ em sử dụng internet ngày càng tăng và mạng xã hội ngày càng phát triển, những bình luận, video hoặc hình ảnh ác ý có thể được lan truyền rộng rãi chỉ trong vài giây, chia sẻ liên tục. Trẻ em chơi điện tử - với tính tương tác cao qua hình ảnh và âm thanh - cũng là nơi BNTT “bộc phát”, để lại những hậu quả nghiêm trọng.

Nhận diện rõ nguy cơ

Nghiên cứu của PGS-TS Thái Thanh Trúc, Đại học Y Dược TPHCM, cho thấy: Tỷ lệ học sinh bị BNTT là 35,4%; BNTT là 7,4%; vừa BNTT vừa bị BNTT là 6,5%. Học sinh thường bị bắt nạt qua trang mạng xã hội chiếm tỷ lệ cao nhất, với 23,3%; hình thức học sinh thường dùng nhất để BNTT người khác là nhóm trò chuyện (chat), với tỷ lệ 3,8%. Hành vi học sinh thường bị BNTT nhất là nói những điều không tốt (ví dụ như đặt biệt danh hoặc đem ra làm trò đùa) bằng tin nhắn điện thoại, qua mạng, chiếm tỷ lệ 22,1%. Nghiên cứu còn cho thấy mối liên hệ giữa BNTT và bệnh trầm cảm. Theo đó, tỷ lệ học sinh có dấu hiệu trầm cảm là 45,1% khi bị BNTT; học sinh bị BNTT có biểu hiện trầm cảm cao gấp 1,97 lần so với những học sinh không bị BNTT.

Từ kết quả nghiên cứu, PGS-TS Thái Thanh Trúc, đại diện nhóm nghiên cứu, đã kiến nghị một số biện pháp nhằm giúp ngăn ngừa nguy cơ học sinh bị BNTT và trầm cảm. Đặc biệt với gia đình, cha mẹ cần quan tâm đến con cái nhiều hơn, quản lý tốt quỹ thời gian truy cập internet của con và chú ý đến những hoạt động của con khi lên mạng. Còn nhà trường có thể tổ chức các buổi tầm soát và tư vấn tâm lý cho học sinh, cũng như có thể xây dựng các tiết học ngoại khóa về BNTT hay trầm cảm để giúp các em biết cách nhận biết BNTT và tự bảo vệ bản thân…

Hiện nay ở Việt Nam, các nền tảng số mà trẻ em tiếp xúc đã được Hãng Kaspersky phân loại, bao gồm: loại phần mềm, âm thanh, video chiếm 44,7%; phương tiện truyền thông mạng xã hội là 32,53%; điện tử là 8,62%... Trong đó, YouTube đứng đầu trong các ứng dụng phổ biến nhất, vượt xa các ứng dụng khác, chiếm 28,82%, và dự báo dịch vụ này tiếp tục là dịch vụ phát video trực tuyến phổ biến nhất đối với trẻ em trên toàn thế giới. Đứng ở vị trí thứ hai là ứng dụng nhắn tin Zalo, với 15,67%; và thứ ba là Facebook, với 15,01%. Đáng chú ý, trong 10 ứng dụng phổ biến nhất còn có 2 trò chơi là Liên quân Mobile (3,69%) và Free Fire MAX (3,44%)… Bà Anna Larkina, chuyên gia phân tích nội dung web tại Kaspersky, nhận định: “Tìm hiểu và phân tích sở thích của trẻ em trên internet giúp chúng ta hiểu thêm về vấn đề an toàn. Khi biết một đứa trẻ thích nghe thể loại nhạc nào, người viết blog yêu thích của trẻ là ai hoặc trẻ chơi trò chơi gì, cha mẹ có thể củng cố mối quan hệ tin cậy giữa họ với con cái, và từ đó cũng biết môi trường cụ thể của BNTT”.

Trẻ em với internet nói chung và BNTT nói riêng là vấn đề toàn cầu chứ không chỉ ở Việt Nam. Hàng năm, UNICEF đều đưa ra những báo cáo cũng như lời khuyên dành cho cha mẹ để tăng cường nhận thức và hành động bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, đặc biệt về nguy cơ lộ thông tin, BNTT. Theo Giám đốc Văn phòng Nghiên cứu của UNICEF Gordon Alexander, internet mang lại nhiều cơ hội và lợi ích cho trẻ em về học tập và hòa nhập xã hội, tuy nhiên nó cũng khiến trẻ em tiếp xúc với những nguy hiểm. Vì vậy, trách nhiệm của người lớn là đặt ra khuôn khổ trẻ em bình đẳng và công bằng truy cập internet nhưng phải đảm bảo sự an toàn.

Theo Bộ TT-TT, thị trường an toàn thông tin của Việt Nam có quy mô khoảng 500 triệu USD. Việt Nam hiện có 1 triệu doanh nghiệp, 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, 27 triệu hộ gia đình, 44.000 trường học và 14.000 cơ sở y tế. Trong đó, phần lớn các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các trường học hay hàng triệu hộ gia đình chưa được trang bị bất kỳ một giải pháp nào để bảo vệ khi hoạt động trên không gian mạng.

Tin cùng chuyên mục