Tại cuộc họp bàn về những giải pháp cấp bách kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông (UTGT) có sự tham dự của Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải và Chủ tịch UBNDTP Lê Hoàng Quân mới đây, giải pháp làm việc lệch giờ, lệch ca được xem là giải pháp hy vọng được thực hiện đầu tiên trong các giải pháp.
Đại diện Sở LĐTB-XH TP cho biết, đề án đã có, nếu được các sở, ngành liên quan bổ sung, chỉnh lý cho phù hợp thì có thể triển khai được ngay. Nghe xong, Chủ tịch UBNDTP Lê Hoàng Quân chỉ đạo, nếu đã có thì hoàn chỉnh để triển khai ngay vào đầu tháng 10-2007. Đại diện HĐNDTP và lãnh đạo các sở - ngành, quận – huyện cũng bày tỏ mong muốn triển khai ngay giải pháp này.
Điều bất ngờ là sau cuộc họp, khi PV Báo SGGP đến Sở LĐTB-XH TP liên hệ để tìm hiểu về đề án này thì lãnh đạo sở phải yêu cầu nhân viên lục tìm lại trong hồ sơ lưu trữ bởi đề án đã được xây dựng cách đây… 5 năm. Lãnh đạo Sở LĐTB-XH cho biết rất bất ngờ khi Ban An toàn giao thông (ATGT) TP đưa ra giải pháp này tại cuộc họp trên vì trước đó không hề có trao đổi gì với sở. Thậm chí, Giám đốc Sở LĐTB-XH cũng chưa biết nội dung đề án vì nó có trước khi ông về tiếp nhận công việc ở đây.
Còn phía Ban ATGT TP, đến chiều 25-9, khi được hỏi về đề án thì ông Nguyễn Vũ Khuê, Ủy viên thường trực Ban này trả lời là ông… chưa biết mặt mũi đề án như thế nào và cũng bất ngờ khi Sở LĐTB-XH cho biết đã có đề án và nếu chỉnh sửa thì có thể thực hiện ngay. Biết ông đang liên hệ với Sở LĐTB-XH... để xin đề án, PV SGGP đã đưa cho ông đề án mà Sở LĐTB-XH cung cấp. Cầm đề án trong tay, ông Khuê lắc đầu cho rằng “không khả thi” vì đề án dựa trên những số liệu, kết quả điều tra 5 năm trước, không còn phù hợp.
Chúng tôi cũng quá bất ngờ trước những phát biểu của đại diện các sở - ngành có liên quan đến giải pháp cấp bách nhất trong những giải pháp cấp bách nhằm hạn chế UTGT (?!). Tuy nhiên, trước các thông tin trên, chắc sẽ không có gì bất ngờ nếu như đề án này không được triển khai vào tháng 10-2007 như chỉ đạo của Chủ tịch UBNDTP.
Hồ Thu