Bắt tay “hạ nhiệt” giá hàng hoá

Việc tăng giá xăng thời gian qua đã khiến nhiều nhóm hàng hoá trên thị trường thiết lập mặt bằng giá mới. Thế nhưng, khi giá xăng giảm mạnh thì “nhiệt” giá hàng hoá vẫn chưa giảm. Liên quan đến vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op).

Phóng viên: Giá xăng đã có những đợt điều chỉnh giảm giá mạnh trong thời gian gần đây. Vậy về phía Saigon Co.op đã có đợt điều chỉnh giảm giá hàng hoá thiết yếu theo đà giảm của giá xăng chưa?

* Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op: Sau khi giá xăng dầu đã có 12 lần điều chỉnh tăng và 4 lần điều chỉnh giảm thì hiện giá xăng đã trở lại giá bằng với mức giá tháng 2/2022. Trên cơ sở đó, giá hàng hoá tại hệ thống Saigon Co.op đã có sự điều chỉnh nhằm bình ổn thị trường và chia sẻ khó khăn với người dân.

Bắt tay “hạ nhiệt” giá hàng hoá ảnh 1 Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op)
Cụ thể, trong thời gian giá xăng tăng, Saigon Co.op đã chủ động làm việc với nhà cung cấp để giảm tối đa khả năng phải tăng giá hàng hoá. Riêng nhóm hàng bắt buộc phải tăng giá thì Saigon Co.op cũng làm việc với đối tác để làm chậm quá trình tăng giá hàng hoá. Nói như vậy để thấy rằng, dù giá xăng đã giảm nhưng giá hàng hoá tại hệ thống Saigon Co.op chưa giảm là vì chúng tôi đang duy trì mặt bằng giá của đầu năm. Ngoại trừ số ít mặt hàng mà giữa Saigon Co.op và đối tác không có tỷ lệ dự trữ hàng đủ nhiều cũng như cam kết giữa Saigon Co.op và đối tác chưa có sự tính yếu tố tăng giá xăng thì mới phải điều chỉnh giá theo giá xăng tăng. Tuy nhiên, nhóm hàng này không phải hàng hoá thiết yếu và không ảnh hưởng nhiều đến chi tiêu của người dân. Và hiện Saigon Co.op đang làm việc với các doanh nghiệp này để điều chỉnh lại mức giá cho phù hợp.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng làm việc với các nhà cung cấp vốn chưa có điều kiện tăng giá trong đợt giá xăng tăng. Từ đó hỗ trợ cho phép doanh nghiệp có thể điều chỉnh giá bán phù hợp với chi phí sản xuất thực tế của doanh nghiệp, tránh tình trạng doanh nghiệp đang phải “gồng” với chi phí đầu vào tăng nhưng phải giữ nguyên chi phí đầu ra hoặc giảm theo giá xăng, gây ảnh hưởng đến lợi nhuận cũng như hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.

Như ông chia sẻ, trong bối cảnh giá xăng tăng nhưng Saigon Co.op và các nhà cung ứng vẫn duy trì bình ổn giá cho thị trường. Vậy đâu là giải pháp để thực hiện được điều này?

Ngay từ đầu năm, trước hết về phía Saigon Co.op phải có sự cam kết chặt chẽ về hỗ trợ vị trí, quầy kệ với các nhà sản xuất, cung cấp, nhà cung ứng trực tiếp. Song song đó, các bên ký kết hợp đồng cam kết giữ giá, hỗ trợ chia sẻ giá khi có biến động chung tác động đến giá thành hàng hoá trên thị trường.

Có thể kể đến như trong bối cảnh giá xăng liên tiếp tăng, ngành hàng hóa mỹ phẩm, chất tẩy rửa vẫn giữ ổn định giá từ 2-3 tháng. Còn ngành hàng tươi sống, hệ thống Co.opmart và Co.opXtra thực hiện các chương trình khuyến mãi, trong đó phần lớn là các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu nhằm chia sẻ áp lực chi tiêu cùng người tiêu dùng. Trong thời gian này, Co.opmart, Co.opXtra thực hiện giảm giá từ 10% đến 50% cho hàng ngàn sản phẩm nhu yếu gồm thịt heo, thủy hải sản, rau củ quả, trái cây, một số loại sữa, dầu ăn, mì ăn liền, gạo, đường, nước mắm, đồ dùng gia đình...

Còn trong thời điểm giá xăng hạ, siêu thị đã kịp thời phối hợp với các nhà cung cấp để có kế hoạch giảm giá liên tục trong ít nhất 3 tháng tới cho các nhóm hàng thiết yếu, hàng bình ổn giá như các loại gạo, thịt gia súc, thịt gia cầm, một số mặt hàng sữa, các loại gia vị, cũng như các loại thực phẩm khô. Bên cạnh đó, Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food cũng thường xuyên tổ chức các chương trình khuyến mãi với nhiều mặt hàng thiết yếu có giá tốt. Ví dụ như các mặt hàng rau củ quả, trái cây luôn được giảm giá từ 15 – 20%; các mặt hàng hóa mỹ phẩm như nước giặt, nước rửa chén, nước xả … được giảm từ 20 – 51%; các mặt hàng phục vụ năm học mới cũng được giảm từ 15 – 50%.

Có thể nói, những giải pháp này về cơ bản sẽ được Saigon Co.op và các nhà cung cấp duy trì trong thời gian tới. Tuy nhiên, các bên sẽ rút kinh nghiệm để thực hiện ký kết hợp đồng dài hơi hơn, đưa vào những điều khoản nhằm đảm bảo lợi ích của các bên, đảm bảo giữ giá, đảm bảo chất lượng nhằm ứng phó tốt hơn với những diễn biến bất thường xảy ra trên thị trường. Đặc biệt, cùng với việc thắt chặt cam kết với nhà cung ứng, Saigon Co.op tăng thêm nguồn cung ứng riêng nhằm tăng thêm phúc lợi cho người tiêu dùng thông qua hoạt động khuyến mãi, giảm giá. Đây cũng là giải pháp vừa bình ổn giá thị trường vừa chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng.

Bắt tay “hạ nhiệt” giá hàng hoá ảnh 2 Bất chấp giá xăng tăng, nhiều nhóm hàng hoá thiết yếu được bày bán tại hệ thống Co.opmart vẫn duy trì giá ổn định, không tăng theo giá xăng

Trong mùa tựu trường sắp đến, Saigon Co.op có những chính sách giá nào dành cho nhóm hàng hoá này?

Theo nhận định của Saigon Co.op, mùa tựu trường năm nay là tựu trường thực tế. Nghĩa là học sinh được đến trường thay vì phải học online như 2 năm trước. Do vậy, khâu chuẩn bị nguồn cung cho nhóm hàng hoá này đã được lên kế hoạch từ rất sớm, do đó về giá cả khá ổn định.

Cùng với đó, Saigon Co.op phối hợp với đơn vị khuyến học để trao học bổng, phần quà cho những học sinh có hoàn cảnh khó khan, tạo điều kiện tối thiểu để các em có thể tham gia tựu trường. Không dừng lại đó, Saign Co.op còn chú trọng đầu tư những sản phẩm phục vụ đời sống học đường kết hợp với những chính sách khuyến mãi nhằm hỗ trợ phụ huynh chăm sóc tốt hơn sức khoẻ học sinh. Trong đó, tập trung vào nhóm thực phẩm chế biến, đồ uống dinh dưỡng…

Ở góc độ khác, mùa tựu trường năm nay rất gần với mùa trung thu. Vì thế cùng với nhóm hàng hoá phục vụ mùa tựu trường thì nhóm hàng dành cho mùa trung thu cũng sẽ có những chính sách tri ân lớn nhằm tưởng niệm những nạn nhân đã mất trong dịch bệnh Covid-19 vừa qua.

Tin cùng chuyên mục