Bến Nhà Rồng - Cảng Sài Gòn hôm nay

Bến Nhà Rồng - Cảng Sài Gòn hôm nay

97 năm trước, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành rời Bến Nhà Rồng đặt chân lên chiếc tàu buôn Amiral La Touche Tréville của Pháp để tìm con đường cứu nước. Những ngày tháng 6 này, chúng tôi đến Bến Nhà Rồng - Cảng Sài Gòn giữa lúc Đảng bộ Cảng Sài Gòn triển khai “điểm” hội thi kể chuyện về Bác.

Bến Nhà Rồng - Cảng Sài Gòn hôm nay ảnh 1

Đoàn viên thanh niên Cảng Sài Gòn trong chuyến về nguồn tại Bệnh xá Đặng Thùy Trâm (Quảng Ngãi).

Trước và trong cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Đảng bộ Cảng Sài Gòn đã tổ chức cho cán bộ đảng viên đi tham quan ATK, Chiến khu Việt Bắc và thăm Lăng Bác Hồ. Mỗi cán bộ, đảng viên trong đơn vị đều được phát tài liệu về Bác và những câu chuyện kể về tấm gương đạo đức của Người.

Theo Văn phòng Đảng bộ Cảng Sài Gòn, ngoài phần thi kể chuyện và vấn đáp, các đội còn phải thể hiện cả tiểu phẩm, trích đoạn kịch hay ca múa minh họa về Người. Gắn với cuộc vận động lớn, Đảng bộ Cảng Sài Gòn còn tổ chức cho quần chúng góp ý cho cán bộ - đảng viên theo mẫu in sẵn. Trên tinh thần học tập cách phê bình của Bác, mỗi cuộc họp có hơn 30% quần chúng góp ý xây dựng tinh thần lề lối làm việc, chỉ ra các sai sót của đảng viên để họ khắc phục, từ đó năng suất làm việc tăng rất cao.

Nhà Rồng được xây từ đá và vôi ở Vũng Tàu. Các vật liệu khác như ngói, gạch men được chuyển từ Pháp sang bằng đường biển và công trình được chính thức khởi công năm 1863 và hoàn thành vào năm 1876 với tất cả 12 hạng mục. Nhà cao 3 tầng, có hình chữ nhật, dài 35m, rộng 27m, mỗi tầng có hành lang rộng 4m chạy bao bọc chung quanh. Mái nhà lợp bằng ngói, tường sơn màu gạch đỏ được thiết kế theo kiểu Pháp. Riêng phần trên của nóc nhà thì thiết kế theo phong cách Việt Nam: chính giữa có biểu tượng mặt trăng, hai bên có hai con rồng quay mặt vào (sau này hai con rồng đã được chuyển vị trí quay mặt ra), gọi là “lưỡng long chầu nguyệt”, 4 góc mái nhà có 4 con cá hóa rồng…

Ban giám đốc Cảng Sài Gòn cho biết, trong thời gian 2008-2009, sẽ tiến hành cổ phần hóa mỗi năm 3 đơn vị trực thuộc, đồng thời trình Bộ GTVT chuyển đổi Công ty TNHH một thành viên Cảng Sài Gòn thành tổng công ty hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con. Xem qua những đề án phát triển, từ hôm nay, chúng ta có thể hình dung khuôn mặt mới của Cảng Sài Gòn vào năm 2015: sau khi hoàn tất xây dựng hệ thống cảng biển nước sâu, tổng năng lực thông quan của Cảng Sài Gòn sẽ đạt 55 triệu tấn/năm, trong đó có hơn 4 triệu container, tăng gấp 4 lần hiện nay, xứng đáng với truyền thống bến cảng lịch sử anh hùng

Theo Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phan Xuân Biên: “Chính nơi đây, Bến Nhà Rồng-Cảng Sài Gòn, Chi bộ Đảng Cộng sản được ra đời và hoạt động vào loại sớm nhất của Đảng bộ Sài Gòn và Nam Kỳ... Trải qua bao thăng trầm của lịch sử dân tộc và thời kỳ chiến tranh, bao cấp… Cảng Sài Gòn vẫn luôn là thương cảng lớn nhất của cả nước, đóng góp quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố. TPHCM và cả nước tự hào về một “thương hiệu” nổi tiếng Cảng Sài Gòn còn vì một lẽ rằng nơi đây, 97 năm trước, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã ra đi tìm đường cứu nước và sau này trở thành vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam”. 

MINH ANH

Trưng bày tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Kỷ niệm 97 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước và 60 năm ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua yêu nước, Trung tâm Thông tin triển lãm TPHCM đã sáng tác 10 mẫu tranh cổ động và in ra hàng trăm bộ chuyển về các quận, huyện phục vụ công tác tuyên truyền. Trung tâm đã thực hiện 100 panô và khẩu hiệu cổ động tại các khu vực công cộng. Từ ngày 5-6, Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TPHCM, mở phòng trưng bày chuyên đề “Chủ tịch Hồ Chí Minh với phong trào thi đua yêu nước”, gồm trên 100 hình ảnh, tư liệu. Cũng trong ngày 5-6, Bảo tàng phối hợp với các Nhà Thiếu nhi quận, huyện tổ chức ngày hội “Bác Hồ với tuổi thơ” tại Nhà Rồng.

N.C.

Tin cùng chuyên mục