Bến Tre: Cuộc sống người dân đảo lộn vì mùi hôi rác thải

Dù UBND tỉnh Bến Tre đã có nhiều giải pháp, song tình trạng ô nhiễm môi trường (mùi hôi phát tán, nước thải chảy ra xung quanh) tại bãi rác An Hiệp (huyện Ba Tri) vẫn không cải thiện mà ngày càng nghiêm trọng.

Sức khỏe bị ảnh hưởng, cuộc sống bị đảo lộn, những ngày qua, hàng trăm người dân ở huyện Ba Tri đã lập chốt, treo băng rôn phản đối, bố trí người canh giữ, chặn không cho xe chở rác vào bãi.

Người dân lập chốt không cho xe vào bãi rác An Hiệp (huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre)

Người dân lập chốt không cho xe vào bãi rác An Hiệp (huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre)

Rác thải quá tải, mùi hôi rộng khắp

Bãi rác An Hiệp rộng khoảng 5ha, được xây dựng gần chục năm trước, mỗi ngày tiếp nhận khoảng 40 tấn rác. Từ giữa năm 2022 đến nay, do Nhà máy xử lý rác thải Bến Tre (xã Hữu Định, huyện Châu Thành) tạm đóng cửa (chưa đầu tư một số hạng mục và vi phạm quy định về môi trường trong quá trình hoạt động), bãi rác An Hiệp phải “gánh” thêm 150 tấn rác/ngày từ TP Bến Tre và huyện Châu Thành chuyển về. Lượng rác quá tải, cộng với hệ thống tường rào, gia cố chống thấm nước, nước rỉ tại bãi rác An Hiệp chưa hoàn thiện khiến nước thải liên tục chảy ra xung quanh, mùi hôi phát tán trên phạm vi rộng. Thực tế trên đã khiến đời sống sinh hoạt của hàng trăm hộ dân sống gần khu vực này bị đảo lộn; sức khỏe của người già, trẻ con bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Ông Trần Văn Phú (41 tuổi, ngụ xã An Đức, huyện Ba Tri) phàn nàn, mùi hôi từ bãi rác An Hiệp bắt đầu nặng hơn từ suốt 1 năm qua. “Dù đóng kín cửa, nhưng mùi rác vẫn thối nồng nặng chịu không nổi, trẻ con liên tục bị nôn ói, đau bệnh. Bà con đã “kêu cứu” khắp các nơi, từ xã đến tỉnh nhưng vẫn chưa có kết quả, không biết phải sống chung với không khí ô nhiễm đến bao giờ nữa”, ông Phú ngán ngẩm. Không chỉ bị hít thở không khí độc hại, người dân sống gần khu vực bãi rác An Hiệp còn phải chịu cảnh “ăn cơm trong mùng”, vì ruồi nhặng từ bãi rác phát sinh rất nhiều. Ông Phú kể, tuần trước, nhà chị của ông (cách bãi rác hơn 100m) có đám giỗ. Khách mời mua bánh, trái cây đến cúng tổ tiên nhưng không ai ngồi lại dùng bữa, vì gia đình vừa đặt thức ăn lên bàn, ruồi đã bu đen trên chén, dĩa, đũa.

Không chịu nổi mùi hôi thối từ bãi rác, nhiều hộ dân đã bỏ nhà, đi nơi khác thuê nhà ở. Có gia đình rao bán nhà với giá rẻ nhưng chẳng có khách ngó ngàng đến. Ông Nguyễn Thế Cảnh (xã An Đức, huyện Ba Tri) than thở, nhiều tháng qua, cuộc sống của gia đình ông và những hộ dân khác trong xã gần như bị đảo lộn. “Những ngày không đi làm, gia đình phải đến nhà người thân ở xa khu vực bãi rác để lánh nạn, né mùi hôi, đến tối mới về. Nhưng đêm đến cũng ngủ không được, vì mùi rác nồng nặc cứ xộc vào mũi, ám ảnh khôn nguôi”, ông Cảnh bức xúc. Một số hộ dân ở xã An Hiệp cho biết, không chỉ phát tán mùi hôi, sinh ruồi nhặng, nước từ rác thải trong bãi rác An Hiệp còn chảy ra xung quanh, rất nhếch nhác.

Nhiều lần phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường do bãi rác An Hiệp gây ra nhưng không có kết quả, những ngày qua, hơn 100 hộ dân trên địa bàn huyện Ba Tri đã lập chốt, treo băng rôn phản đối hoạt động của bãi rác, bố trí người canh giữ, chặn không cho xe chở rác vào bãi. “Sở dĩ bà con làm vậy vì bãi rác An Hiệp đang tồn đọng rất nhiều rác. Giờ càng chở rác vào đổ trong bãi, môi trường xung quanh càng ô nhiễm hơn, hậu quả không ai khác là chính người dân lãnh đủ”, ông Hùng, nhà gần bãi rác An Hiệp, giải thích.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Minh Cảnh vừa ký công văn về việc công bố tình huống khẩn cấp sự cố môi trường tại bãi rác An Hiệp (huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre). Việc công bố tình huống khẩn cấp vì bãi rác An Hiệp tiếp nhận khối lượng rác khá lớn từ TP Bến Tre, huyện Châu Thành và huyện Ba Tri. Thời gian gần đây, mưa lớn kéo dài liên tục dẫn đến tình trạng nước rỉ rác lẫn với nước mưa chảy tràn xung quanh, mùi hôi phát tán ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng 132 hộ dân nằm trong phạm vi bán kính 1km thuộc địa phận 2 xã An Hiệp và An Đức (huyện Ba Tri).

Khẩn trương cải tạo, nâng công suất bãi rác và nhà máy xử lý

Mang bức xúc của người dân, PV Báo SGGP đến gặp lãnh đạo tỉnh Bến Tre và được ông Nguyễn Minh Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết, các phản ánh của người dân như trên, lãnh đạo tỉnh đã ghi nhận. Để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do bãi rác An Hiệp gây ra, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở TN-MT tỉnh Bến Tre phối hợp với UBND huyện Ba Tri và các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện dự án nâng cấp, cải tạo bãi rác. Trong kế hoạch, dự án này có tổng kinh phí thực hiện 11 tỷ đồng, phải hoàn thành trong năm 2023. Xong dự án này, UBND tỉnh Bến Tre tiếp tục thực hiện dự án mở rộng bãi rác An Hiệp thêm 3ha, dự kiến hoàn thành trong quý 1-2024, với nguồn kinh phí khoảng 15 tỷ đồng, nhằm tăng khả năng tiếp nhận, xử lý rác thải của tỉnh cho đến khi Nhà máy xử lý rác thải Bến Tre hoạt động trở lại (dự kiến đến đầu năm 2025).

Đối với Nhà máy xử lý rác thải Bến Tre, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyên Minh Cảnh cho biết, tỉnh đã có phương án tái cơ cấu đầu tư nhà máy này. Tập đoàn AMACCAO là đơn vị đầu tư xây dựng. Dự kiến sẽ mở rộng thêm 2ha trên nền nhà máy xử lý rác cũ, nâng công suất xử lý từ 320 tấn lên 350 tấn/ngày với công nghệ hiện đại của châu Âu. Khi Nhà máy xử lý rác thải Bến Tre (mới) đi vào hoạt động, sẽ đảm bảo xử lý triệt để lượng rác thải thu gom trong ngày của TP Bến Tre và các huyện Châu Thành, Giồng Trôm, Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam, Chợ Lách.

Trong lúc chờ các dự án trên phát huy tác dụng, người dân rất mong mỏi UBND tỉnh Bến Tre thực hiện gấp các giải pháp cấp bách, để người dân quanh khu vực bãi rác An Hiệp không phải sống trong môi trường ô nhiễm.

Tin cùng chuyên mục