Bệnh án điện tử cho bệnh nhân u gan

Không phải mất thời gian tìm hồ sơ bệnh án, không cần buộc bệnh nhân phải trình bày lại diễn tiến bệnh mà chỉ cần vài lần nhấp chuột các bác sĩ Khoa U gan Bệnh viện Chợ Rẫy đã có thể nắm được số lượng, thông tin về người bệnh như: tình trạng sức khỏe, các chỉ số sinh học, tái khám hay mới nhập viện lần đầu, đã điều trị như thế nào, diễn tiến bệnh tật ra sao…
Bệnh án điện tử cho bệnh nhân u gan

Không phải mất thời gian tìm hồ sơ bệnh án, không cần buộc bệnh nhân phải trình bày lại diễn tiến bệnh mà chỉ cần vài lần nhấp chuột các bác sĩ Khoa U gan Bệnh viện Chợ Rẫy đã có thể nắm được số lượng, thông tin về người bệnh như: tình trạng sức khỏe, các chỉ số sinh học, tái khám hay mới nhập viện lần đầu, đã điều trị như thế nào, diễn tiến bệnh tật ra sao…


Tiện cho bác sĩ, lợi cho bệnh nhân

Khác với những bệnh nhân bị mắc các bệnh lý thông thường khác, khi khám và xét nghiệm xong thường đưa kết quả để bác sĩ tại khoa khám bệnh chẩn đoán và cho chỉ định để điều trị, bệnh nhân bị u gan tới Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ được mời tới hội chẩn tại khoa U gan. Tại đây, dựa trên kết quả hình ảnh (X-quang, CT) và kết quả xét nghiệm, bệnh nhân sẽ được nhóm bác sĩ cho chỉ định và tư vấn cặn kẽ về hướng điều trị, thời gian và cả chi phí….

Một ca ghép gan ở Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM (ảnh chụp qua màn hình)

Một ca ghép gan ở Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM (ảnh chụp qua màn hình)

Đáng chú ý hơn cả là thay vì hồ sơ bệnh nhân sẽ được viết trên giấy như những khoa phòng khác, bệnh viện khác thì tại khoa U gan Bệnh viện Chợ Rẫy, các bác sĩ ngoài việc điền thông tin, kết quả hội chẩn trên giấy còn nhập dữ liệu của bệnh nhân vào máy vi tính để lưu trữ. Với cách làm này, khi cần tìm kiếm thông tin của người bệnh, các bác sĩ chỉ cần vài lần nhấp chuột là biết ngay tình trạng sức khỏe, các chỉ số sinh học, tái khám hay mới nhập viện lần đầu, đã điều trị như thế nào, diễn tiến bệnh tật ra sao…. Để từ đó, có những chỉ định phù hợp cho người bệnh.

Bệnh nhân Võ Văn T., sinh năm 1961, ngụ tại Đắk Lắk là một trong số hàng ngàn bệnh nhân được cứu sống và hồi phục sức khỏe nhờ quy trình quản lý, theo dõi người bệnh của Khoa U gan Bệnh viện Chợ Rẫy. Trước đó, bệnh nhân T. có triệu chứng sốt, sụt ký, ăn uống kém, khi đi siêu âm thì phát hiện u gan. Tháng 10-2010 bệnh nhân được chẩn đoán u gan và được chỉ định phẫu thuật cắt u T thùy gan và lấy hạch số 8. Sau khi phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhân tuy ổn định, không đau bụng nhưng chỉ số AFP (Alpha FetoProtein) trong máu của bệnh nhân T vẫn còn cao, lên tới 1613. Khi bệnh nhân tái khám, dù bác sĩ bệnh viện đã chụp X-quang phổi và CT ổ bụng nhưng vẫn không tìm thấy dấu hiệu bất thường. Thế nhưng đến khi siêu âm ổ bụng đã phát hiện có một khối u mới bên gan phải, kích thước 2cm.

Nhờ nắm vững thông tin của người bệnh, biết bệnh nhân vừa trải qua một đợt phẫu thuật nên các bác sĩ đã chọn phương pháp đốt u gan HPT VI bằng sóng cao tần (đốt 2 nhát). Tưởng chừng qua 2 lần điều trị bệnh nhân đã ổn thì khi tái khám lần tiếp theo bệnh nhân có chỉ số AFP vẫn cao bất thường, tới 4613.4. Bệnh nhân T. được đưa đi X-quang phổi, siêu âm ổ bụng nhưng không phát hiện bất thường.

Tiếp tục CT scan bụng cản quang thì có dấu hiệu tổn thương gan đa ổ HTP VI, VIII có bắt cản từ. Ông T. nhân được chỉ định điều trị đợt 3 bằng phương pháp TACE. Sau khi làm thủ thuật TACE bệnh nhân ổn định, xuất viện, không đau bụng không u gan, hình ảnh K gan đã RFA không bắt thuốc cản từ. Sau 3 lần điều trị, tưởng chừng như mọi chuyện đã ổn thì đợt tái khám ngày 3-10-2012 chỉ số AFP của ông T. lại vọt lên mức kỷ lục: 9511.6, kiểm tra họng không có dấu hiệu bất thường. X-quang phổi bệnh nhân bị tràn dịch màng phổi trái. Qua chẩn đoán bệnh nhân bị di căn, bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy lại một lần nữa tiến hành phẫu thuật để tách một khối u 2cm ở gan trái, 1 khối u 3cm ở gan phải cho ông T.

Bác sĩ Nguyễn Đình Song Huy, trưởng khoa U gan Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, đây là một trường hợp điển hình cho hiệu quả của quy trình quản lý, theo dõi bệnh nhân ở khoa U gan. Từ quy trình đó, giúp cho bác sĩ điều trị nắm vững được diễn tiến bệnh lý của bệnh nhân, vận dụng uyển chuyển kết hợp nhiều kỹ thuật vào từng tình huống cụ thể để đưa ra những chỉ định phù hợp, mới có thể chẩn đoán và điều trị đúng.

Bộ Y tế xem xét làm quy trình chuẩn

Mới đây, đề tài xây dựng quy trình theo dõi bệnh nhân của khoa U gan Bệnh viện Chợ Rẫy đã được trình lên Bộ Y tế để xem xét làm mô hình quy chuẩn cho việc quản lý theo dõi bệnh nhân tại các bệnh viện. Được biết, trước năm 2005 bệnh nhân u gan khi đến khám bệnh tại Bệnh viện Chợ Rẫy thường khám chung ở các khoa Ngoại, Nội, Tiêu hóa. Bác sĩ làm việc thay đổi theo ca, theo kíp nên nhiều lúc bệnh nhân đi tái khám gặp phải bác sĩ mới, hoặc bị thất lạc, mất giấy hội chẩn lại phải trình bày lại từ đầu.

Bên cạnh đó, do không nắm rõ được số lượng bệnh nhân mới, cũ là bao nhiêu nên bác sĩ mạnh ai nấy hẹn, chỉ định khiến cho việc phân bổ người bệnh cho phù hợp với quy trình điều trị và bố trí nhân sự của khoa trở nên khó kiểm soát. Thậm chí có nhiều bệnh nhân bị thất lạc giấy tờ hay do hoàn cảnh khó khăn nên họ đã phải bỏ ngang điều trị, mãi tới một, hai năm trời mới quay trở lại bệnh viện khiến bác sĩ không biết đâu mà lần. Trước tình hình đó, được sự đồng ý của ban giám đốc bệnh viện, được sự tư vấn hỗ trợ của một số người bạn và cả những bệnh nhân hiểu biết về công nghệ thông tin, bác sĩ Nguyễn Đình Song Huy cùng cộng sự của mình đã thiết lập một quy trình quản lý, theo dõi người bệnh bằng vi tính bằng chương trình Excel.

Bệnh nhân ca ghép gan đầu tiên ở bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM.

Bệnh nhân ca ghép gan đầu tiên ở bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM.

Bác sĩ Nguyễn Đình Song Huy cho biết, giải pháp này không chỉ giúp cho khoa, bệnh viện nắm được thông tin của người bệnh, giúp cho công tác quản lý bệnh nhân chặt chẽ. Các bác sĩ nhanh chóng dễ dàng, tiện lợi khi muốn nắm bắt thông tin về người bệnh như lớn hay nhỏ, lành tính hay ác tính, di căn hay chưa… từ đó có chỉ định phù hợp. Quy trình này còn giúp cho các y bác sĩ có sự bố trí bệnh nhân tái khám, điều trị phù hợp với thời gian, góp phần giảm tải cho khoa. Bệnh nhân được lựa chọn hướng điều trị phù hợp. Bệnh nhân giảm được thời gian chờ đợi, giảm phiền hà, tiêu cực. Ngoài ra, quy trình này cũng góp phần theo dõi và đánh giá được số lượng và tình hình bệnh nhân bị u gan ở TPHCM cũng như nhiều địa phương khác tới Bệnh viện Chợ Rẫy.

Tiến Đạt

Tin cùng chuyên mục