
Viêm nhiễm đường hô hấp là bệnh thường xảy ra trong mùa lạnh, trẻ em và người lớn tuổi hay bị nhất. Nhiều người chỉ thấy có vài biểu hiện như ho, nhức đầu, hắt hơi, sổ mũi, nghĩ là cảm thông thường, uống thuốc cảm vài ba ngày không bớt mới đi khám bệnh, được xác định là viêm mũi, viêm họng, viêm xoang...
Thời tiết, môi trường thay đổi là tác nhân gây bệnh
Những thay đổi từ nắng sang mưa, tiết trời từ nóng sang lạnh hoặc ngược lại là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của vi trùng gây bệnh. Những người suy giảm miễn dịch, có sức đề kháng kém như trẻ suy dinh dưỡng, người già dễ cảm ứng với thời tiết, dễ bị bệnh khi thời tiết thay đổi.

Điều trị viêm đường hô hấp cho trẻ em tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: C.Th.
Bên cạnh đó, môi trường sống như: nhà ở chật hẹp, ẩm thấp, thiếu không khí; nơi tập trung đông dân cư, làm cho môi trường không khí kém trong lành… là những yếu tố dễ làm lây truyền bệnh. Đặc biệt ở các nhà trẻ là môi trường mà các trẻ dễ bị lây cho nhau qua tiếp xúc.
Ở những người hay có biểu hiện dị ứng với thời tiết, viêm mạn tính đường hô hấp trên, đôi khi chỉ cần dùng nước đá nhiều hay ở trong môi trường máy lạnh thường xuyên cũng dễ bị bệnh, do một số vi trùng trong cổ họng thích ứng và phát triển khi gặp hoàn cảnh thuận lợi.
Các triệu chứng thường thấy ở trường hợp viêm nhiễm hô hấp trên và dưới là ho. Nhiều trường hợp ho kéo dài, dùng thuốc giảm ho đơn thuần kéo dài vẫn không bớt, và chỉ hết ho sau khi được thầy thuốc điều trị một số căn bệnh của viêm nhiễm đường hô hấp.
Chảy mũi nước, có thể nước mũi trong lỏng thường do nhiễm siêu vi, nhưng cũng có thể thấy nước mũi vàng đặc do nhiễm vi khuẩn. Sốt có thể gặp, thường sốt nhẹ. Sốt cao xảy ra trong viêm hô hấp cấp, biểu hiện đau, ngứa, rát, vướng, khó chịu trong họng.
Có thể theo dõi và điều trị tại nhà
Viêm nhiễm đường hô hấp là biểu hiện bệnh viêm ở trên đường thở, có sự hiện diện của vi trùng gây bệnh. Khi bị bệnh trên đường hô hấp từ cổ họng trở lên như viêm họng viêm Amydales, viêm mũi… được gọi chung là viêm đường hô hấp trên. Với các bệnh viêm phế quản, viêm phổi… gọi chung là viêm đường hô hấp dưới. |
Viêm nhiễm hô hấp thường do siêu vi, trong các trường hợp nhẹ chỉ cần theo dõi và săn sóc tại nhà. Bằng cách, theo dõi triệu chứng ho. Ho là một phản xạ tốt giúp tống một phần đàm nhớt chứa vi trùng ra ngoài cơ thể. Vì vậy nhiều trường hợp không nên dùng thuốc giảm ho, ngoại trừ ho gây kích thích quá mức và ảnh hưởng đến giấc ngủ. Nhưng dùng thuốc ho cũng cần phải có ý kiến của thầy thuốc.
Lưu ý: Ho cũng là triệu chứng do nhiều loại bệnh gây ra (viêm xoang, viêm họng, viêm phế quản, phổi…), trường hợp dùng thuốc giảm ho kéo dài mà không hết, cần phải đến bác sĩ khám để được định bệnh.
Theo dõi nhiệt độ: nếu nhiệt độ dưới 38,5 độ C thì dùng khăn tẩm nước đá đắp trán (không đắp trực tiếp nước đá), lau toàn thân mình bằng nước ấm để bốc hơi nhanh làm giảm thân nhiệt. Khi nhiệt độ lên cao quá 38,5 độ C cần phải uống thuốc hạ nhiệt cho người bệnh. Theo dõi tình trạng chảy nước mũi: chảy nước mũi là tình trạng tăng tiết chất nhầy nhớt trên đường hô hấp do đường hô hấp bị viêm nhiễm.
Có hai khả năng, chảy nước mũi kèm ho đàm trong và lỏng thì việc trợ giúp ho và hỉ mũi sẽ làm thông thoáng đường hô hấp là cần thiết; trường hợp ho đàm và nước mũi đặc rất dễ gây nghẹt và cản trở hô hấp, nên đôi khi cần phải hút mũi và dùng thuốc làm tiêu giảm chất nhầy nhớt (phải có sự chỉ dẫn của thầy thuốc).
Có thể ngăn ngừa bệnh bằng những biện pháp thông thường bằng cách, tránh nhiễm mưa lạnh, đặc biệt là trẻ em cần được giữ ấm. Khi bị viêm nhiễm đường hô hấp cần theo dõi chặt chẽ, nếu có dấu hiệu chuyển bệnh nặng phải kịp thời đi khám ngay để tránh biến chứng trầm trọng. Ăn uống, vệ sinh răng miệng tốt sẽ hạïn chế được sự lây truyền bệnh. Tập thể dục, nâng cao thể trạng cũng góp phần phòng ngừa bệnh trong mùa mưa.
BS LÊ THIỆN ANH TUẤN
Thông thường người bị cảm lạnh, bị viêm đường hô hấp đơn thuần chỉ sốt nhẹ, ho, sổ mũi trong lỏng, dùng thuốc vài ba ngày là đỡ. Khi có các biểu hiện sau đây cần đi khám bác sĩ ngay: Ho dữ dội, gây kích thích đau tức ngực. Ở trẻ em có biểu hiện khò khè khó thở. Sốt cao trên 38,5 độ C kèm nhức đầu. Sốt cao có thể gây co giật ở một số trẻ em. Chảy nước mũi trong chuyển sang chảy mũi đặc có màu đục, xanh; nghẹt mũi nhiều; đau, ngứa, rát trong cổ họng... |