Bệnh “khó nói” ở người lớn tuổi

Tiểu gấp, tiểu đêm, tiểu nhiều lần và không kiểm soát được là những biểu hiện thường thấy của triệu chứng đường tiểu dưới, xuất hiện phổ biến ở nam, nữ tuổi trung niên. Bác sĩ khuyến cáo, người dân khi có các dấu hiệu nêu trên cần đi khám, điều trị kịp thời, tránh bệnh chuyển nặng ảnh hưởng tới tinh thần và tiền bạc do phải điều trị lâu dài.
PGS-TS-BS Nguyễn Văn Ân khám, tư vấn cho người mắc triệu chứng đường tiểu dưới
PGS-TS-BS Nguyễn Văn Ân khám, tư vấn cho người mắc triệu chứng đường tiểu dưới

Hội chứng đường tiểu dưới

Trong cơn mưa tầm tã, bệnh nhân Phùng H. (ngụ quận 11, TPHCM) ngồi trên xe lăn được con trai đưa đến tầng trệt khu B, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM vào khoa Niệu học chức năng thăm khám sau phẫu thuật. Ông bị u phì đại lành tính tuyến tiền liệt đã 2 năm được điều trị bằng nội khoa, nhưng tình trạng bệnh không cải thiện mà ngày càng nặng lên. Bệnh nhân thường xuyên bị bí tiểu, mỗi lần đi tiểu người bệnh phải đứng rất lâu mới đi được nhưng không đi hết, một đêm đi tiểu nhiều lần gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và sinh hoạt thường ngày.

Qua hình ảnh siêu âm cho thấy ông H. có u phì đại tuyến tiền liệt kích thước 70ml, các xét nghiệm PSA (chất chỉ điểm ung thư tuyến tiền liệt) tự do và toàn phần trong giới hạn bình thường. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ đã quyết định tiến hành phẫu thuật theo phương pháp nội soi cắt đốt tuyến tiền liệt. Đây là giải pháp can thiệp tối ưu để giải quyết sự chèn ép của u phì đại vào niệu đạo, giúp bệnh nhân sau mổ cải thiện các triệu chứng rối loạn đi tiểu.

Ca mổ đã được thực hiện bởi PGS-TS-BS Nguyễn Văn Ân, Trưởng khoa Niệu học chức năng, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM. Ca mổ kéo dài khoảng 1 giờ, bệnh nhân nằm viện 2 ngày. Sau 1 tháng, bệnh nhân tái khám và cho biết các triệu chứng bệnh rối loạn tiểu đã được cải thiện rõ rệt.

Một trường hợp khác là ông Nguyễn Văn T., 67 tuổi (ngụ thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương), diễn tiến không được thuận lợi. Ông T. bị rối loạn đi tiểu đã lâu, đã từng đi khám tại Bệnh viện Đa khoa Bình Dương và được phát hiện bị u phì đại tuyến tiền liệt từ 3 năm trước. Do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, giữa chừng ông bỏ khám và điều trị. Khi đến Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM thăm khám lại thì bệnh trở nặng, đã chuyển sang ung thư tuyến tiền liệt di căn xương, gây ảnh hưởng đến chức năng vận động của người bệnh.

Không riêng gì nam giới tuổi trung niên, thống kê gần đây của khoa Niệu học chức năng cho thấy có trên 12% phụ nữ cũng gặp các triệu chứng tiểu gấp, tiểu đêm, tiểu nhiều lần và tiểu không kiểm soát được. Căn bệnh “khó nói” này cũng khiến nhiều cô, nhiều chị khốn khổ. Ngồi đợi đến lượt vào tái khám, chị Tô Thúy Ng., 42 tuổi (ngụ quận Tân Phú, TPHCM) kể, cách đây 3 tháng chị có triệu chứng bị tiểu gấp, tiểu đêm nhiều lần, có nhiều lúc bị són tiểu gấp, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày. Việc không kiểm soát được cảm giác tiểu gấp khiến chị luôn trong tình trạng căng thẳng. Sau khi khám lâm sàng và thực hiện các kiểm tra cần thiết, bác sĩ chẩn đoán chị Ng. bị bàng quang tăng hoạt dẫn đến rối loạn đi tiểu.

Cần được điều trị sớm

Chuyên gia y tế Niệu học nhận định, u phì đại lành tính tuyến tiền liệt còn gọi là tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt xuất hiện do tuyến tiền liệt ở nam giới gia tăng kích thước theo sự gia tăng tuổi tác. Nhiều bệnh nhân nam tuy không phì đại tuyến tiền liệt nhưng cũng bị các triệu chứng rối loạn đi tiểu. Bệnh gây tiểu khó, tiểu đêm nhiều lần, mất ngủ, giảm sức khỏe và chất lượng cuộc sống.

Theo PGS-TS-BS Nguyễn Văn Ân, tuyến tiền liệt là cơ quan sinh dục của đàn ông, nằm ở vị trí cổ bàng quang và đoạn đầu niệu đạo có nhiệm vụ tiết ra tinh dịch. Nam giới trên 40 tuổi thường bắt đầu phì đại tuyến tiền liệt. Tuy nhiên đây chỉ là một trong các nguyên nhân sinh ra đường tiểu dưới. Các thống kê cho thấy, 25% nam giới lứa tuổi 50-60 bị phì đại tuyến tiền liệt nhưng chỉ 4% xuất hiện triệu chứng rối loạn tiểu; 65% nam giới lứa tuổi 70-80 bị phì đại tuyến tiền liệt nhưng chỉ khoảng 50% có triệu chứng rối loạn tiểu. Càng lớn tuổi, tỷ lệ phì đại tuyến tiền liệt càng cao, có triệu chứng càng nhiều.

Nam giới từ 50 tuổi nếu có triệu chứng rối loạn tiểu nên đi khám và thực hiện siêu âm bụng, đồng thời lưu ý khảo sát hệ tiết niệu và tuyến tiền liệt nhằm phát hiện kịp thời nguyên nhân gây ra triệu chứng trên. Việc chẩn đoán sớm sẽ giúp xác định nguyên nhân chính xác gây ra những triệu chứng này. Để chẩn đoán triệu chứng đường tiểu dưới do phì đại tuyến tiền liệt hay bàng quang tăng hoạt, bác sĩ cần khám lâm sàng bằng cách thăm khám hậu môn trực tràng để cảm nhận mặt sau của tiền liệt tuyến hoặc khám bụng để đánh giá kích thước của bàng quang. Bên cạnh đó, người bệnh có thể thực hiện một số xét nghiệm máu và nước tiểu theo yêu cầu của bác sĩ như: xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu, đường huyết, PSA máu, kiểm tra chức năng thận…

Ở góc độ trị liệu, PGS-TS-BS Nguyễn Văn Ân chia sẻ, điều trị u phì đại lành tính tuyến tiền liệt có nhiều phương pháp khác nhau. Nếu phì đại tuyến tiền liệt mà không có hoặc có triệu chứng nhẹ thì không cần điều trị, chỉ nên theo dõi cẩn thận và thay đổi cách sinh hoạt ăn uống. Nếu có nhiều triệu chứng mới cần uống thuốc, nên được kê toa từ những bác sĩ có kinh nghiệm và được đào tạo về điều trị rối loạn chức năng đi tiểu. Phẫu thuật chỉ được chỉ định khi điều trị nội khoa đúng mức mà triệu chứng không cải thiện, làm ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng sống của bệnh nhân. Trước đây, chủ yếu là phẫu thuật mở, nhưng hiện nay các bác sĩ chuyên khoa tiết niệu chủ yếu áp dụng biện pháp ít xâm lấn là cắt đốt nội soi.

"Tỷ lệ mắc bàng quang tăng hoạt ở nữ giới không phải bệnh lý gây tử vong nhưng đa số chị em thường tự chịu đựng các triệu chứng một thời gian dài rồi mới tìm đến bác sĩ. Điều này làm ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống, dễ dẫn đến nhiều hệ lụy khác như trầm cảm, tự kỷ, giảm khả năng tình dục… Đối với trường hợp bệnh nặng, khi điều trị bằng thuốc đúng liều và đủ thời gian mà vẫn không hiệu quả, có thể áp dụng thêm phương pháp bổ trợ khác: nội soi tiêm botulinum toxin vào bàng quang, sử dụng thiết bị kích thích thần kinh chày hoặc cấy ghép thiết bị điều biến thần kinh cùng. Những trường hợp này cần có chỉ định và tư vấn từ bác sĩ điều trị" - PGS-TS-BS NGUYỄN VĂN ÂN

Tin cùng chuyên mục