Bệnh nhân vô sinh - Giảm độ tuổi, tăng số lượng

Theo BS Hồ Mạnh Tường, Tổng Thư ký Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TPHCM, tỷ lệ vô sinh của các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ (15 - 49) vừa được Bộ Y tế công bố là 7,7%.
Bệnh nhân vô sinh - Giảm độ tuổi, tăng số lượng

Theo BS Hồ Mạnh Tường, Tổng Thư ký Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TPHCM, tỷ lệ vô sinh của các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ (15 - 49) vừa được Bộ Y tế công bố là 7,7%.

 Điều này khá phù hợp với kết quả nghiên cứu dịch tễ toàn quốc với 14.300 cặp vợ chồng do BV Phụ sản Trung ương và Đại học Y Hà Nội tiến hành, ước tính có trên 1 triệu cặp vợ chồng bị hiếm muộn cần khám và điều trị. Khoảng 50% cặp vợ chồng vô sinh có độ tuổi dưới 30.

“Kế hoạch” thành… hiếm muộn

Cưới nhau đã 6 năm nhưng vợ chồng anh H. (ngụ quận Tân Bình, TPHCM) vẫn chưa may mắn được lên “chức” làm cha làm mẹ. Mặc dù người vợ đã hai lần mang thai nhưng đều bị thai ngoài tử cung, không có kết quả. Ngồi chờ ở phòng khám hiếm muộn Bệnh viện (BV) Phụ sản Từ Dũ TPHCM, anh H. nghẹn ngào: “Chắc kỳ này vợ chồng mình xin làm thủ tục mang thai hộ chứ bác sĩ nói có đậu thai nữa thì cũng nhiều khả năng như cũ”. Cưới nhau khi vừa 31 tuổi, nay đã 37 tuổi, anh H. cho biết lúc đầu kinh tế còn khó khăn, vợ chồng thống nhất “kế hoạch” trong 2 năm để ổn định cuộc sống nên đã sử dụng các biện pháp tránh thai, trong đó có cả dùng thuốc. Đến khi muốn có con thì chờ đợi suốt 4 năm vẫn chưa có…

Khám thai tại BV Phụ sản Từ Dũ.

Ghi nhận tại nhiều cơ sở y tế và trung tâm hỗ trợ sinh sản cho thấy, tình trạng vô sinh, hiếm muộn tương tự vợ chồng anh H. khá phổ biến và gia tăng trong thời gian gần đây. Theo BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Phó Giám đốc BV Từ Dũ TPHCM, số lượng cặp vợ chồng hiếm muộn đến khám tại Khoa Hiếm muộn của bệnh viện ngày càng tăng. Bình quân mỗi ngày, BV Từ Dũ tiếp nhận trung bình 300 - 400 lượt bệnh nhân đến khám và tư vấn về hiếm muộn. “Số lượng cặp vợ chồng hiếm muộn, vô sinh đến khám tăng lên mỗi năm và nếu như cách đây 10 năm, con số trên chưa tới hàng chục cặp thì nay đã có hàng ngàn cặp đến khám mỗi năm”, BS Tuyết nói. Tại Khoa Thụ tinh trong ống nghiệm của BV Vạn Hạnh TPHCM (IVF), đơn vị hỗ trợ sinh sản BV An Sinh (IVFAS) cũng tiếp nhận hàng trăm trường hợp tư vấn, điều trị vô sinh, hiếm muộn mỗi tháng.

Càng im lặng, càng trầm trọng

Theo y khoa, các cặp vợ chồng đã sinh hoạt bình thường nhưng trên một năm mà không đậu thai được xem là hiếm muộn. Tuy nhiên, do tâm lý e ngại, “xấu hổ”, thậm chí tự ái với bạn bè, người thân nên nhiều cặp vợ chồng cứ im lặng mà không thăm khám, điều trị kịp thời, dẫn đến vô sinh. Theo BS Hồ Mạnh Tường, nguyên nhân dẫn đến vô sinh, hiếm muộn thì đa dạng, trong đó có tâm lý và xuất phát có thể từ vợ hoặc chồng, hoặc cả vợ lẫn chồng. Điều đáng nói, một tỷ lệ không nhỏ hiếm muộn xuất phát từ nam giới. Bác sĩ Mai Bá Tiến Dũng, Trưởng khoa Nam học BV Bình Dân, cho biết có tới 40% - 50% bệnh nhân đến khám nam khoa đều liên quan đến hiếm muộn như viêm nhiễm cơ quan sinh dục, rối loạn cương dương, xuất tinh sớm, khó xuất tinh, suy sinh dục… Theo BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, trong số hơn 1 triệu cặp vợ chồng hiếm muộn, vô sinh thì khoảng 50% nguyên nhân thuộc về nữ giới. Như vậy, tỷ lệ vô sinh, hiếm muộn giữa nam và nữ là tương đồng.

Nghiên cứu trên toàn quốc do BV Phụ sản Trung ương và Đại học Y Hà Nội tiến hành trên 14.300 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ (15-49) ở 8 tỉnh đại diện cho 8 vùng sinh thái ở nước ta cũng xác định vô sinh nguyên phát là 3,9%, vô sinh thứ phát là 3,8%. Các nghiên cứu gần đây cho thấy, tỷ lệ vô sinh do yếu tố thứ phát, liên quan đến các bệnh viêm nhiễm qua đường sinh sản, các bệnh do phá thai ở vị thành niên và thanh niên gia tăng. Trong khi nhiều nước khác trên thế giới, các trường hợp vô sinh của họ chủ yếu do béo phì, buồng trứng “lớn tuổi”. Bên cạnh đó, cuộc sống hiện đại khiến phụ nữ lập gia đình muộn, việc trì hoãn có con làm gia tăng tỷ lệ hiếm muộn. Ngoài ra, việc dung nạp thực phẩm nhiễm hóa chất, hút thuốc, uống rượu bia nhiều, ít vận động cũng ảnh hưởng đến chất lượng tinh dịch của nam giới, từ đó dẫn đến vô sinh…

Nói về các yếu tố nguy cơ của vô sinh, hiếm muộn, BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Chủ tịch Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TPHCM, cho rằng đời sống sinh hoạt, công việc và môi trường đang ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe sinh sản. Bên cạnh các nguyên nhân vô sinh do bệnh lý (u xơ tử cung, dị dạng tử cung - âm đạo, buồng trứng đa nang…), vấn đề nạo phá thai không an toàn, viêm nhiễm sinh dục, viêm vùng chậu cũng góp phần tăng tỷ lệ hiếm muộn ở nữ giới. Đối với nam giới, tình trạng vô sinh có thể do bất thường về số lượng và chất lượng tinh trùng, rối loạn quá trình sinh trưởng của tinh trùng.

Hạn chế kiến thức sinh sản

Một khảo sát mới đây về nhận thức sinh sản trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương do Tổ chức sinh phẩm và dược học MerckSorono thực hiện (trong đó có Việt Nam) cho thấy đến 70% cặp vợ chồng sau 6 tháng cố gắng không thụ thai được nhưng vẫn không nghi ngờ về khả năng làm mẹ; 83% phụ nữ không nghĩ đến trường hợp chồng có thể bị vô sinh; 85% phụ nữ khao khát làm mẹ nhưng thiếu kiến thức; 56% không biết đàn ông có thể vô sinh dù vẫn sản xuất tinh trùng; 60% không biết phụ nữ không có kinh nguyệt không còn khả năng sinh con. Trong đó, khoảng 50% cặp vợ chồng vô sinh dưới 30 tuổi…

TƯỜNG LÂM

Tin cùng chuyên mục