Bệnh than tái bùng phát ở nhiều tỉnh miền núi phía Bắc

  • Đồng Nai: 16 ca tử vong do bệnh tay-chân-miệng

(SGGP).- Theo TS Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, trong lúc dịch bệnh tay - chân - miệng và sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp, hiện nay một số tỉnh miền núi phía Bắc lại phải đối mặt với bệnh than, với gần 80 người mắc tại các tỉnh Lai Châu, Điện Biên và Hà Giang, trong đó có 1 trường hợp tử vong ở Lai Châu. So với năm 2010, số người mắc bệnh than năm nay đã tăng tới 1,5 lần và tăng gấp 5 lần so với năm 2009.

Đại diện Cục Y tế dự phòng cũng cho biết, bệnh than là căn bệnh lây lan từ gia súc, trâu bò sang người, qua việc giết mổ và tiếp xúc với gia súc bị bệnh. Trực khuẩn than khá nguy hiểm, do tồn tại lâu trong môi trường. Người bệnh khi bị nhiễm trực khuẩn than có thời gian ủ bệnh từ 3-5 ngày và có triệu chứng loét da, sốt cao, sau đó các vết loét, sưng trên da chuyển màu đen như than. Nếu không được điều trị kịp thời sẽ bị biến chứng nhiễm trùng máu, thậm chí còn bị viêm phổi nặng gây tử vong cao.

Chiều 14-8, TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế, đã có buổi làm việc với Tỉnh ủy, UBND và các sở, ngành tỉnh Đồng Nai về tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.

Theo Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, trong 6 tháng đầu năm 2011, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, 7/10 loại bệnh truyền nhiễm đã xuất hiện trên địa bàn tỉnh  gồm: tay - chân - miệng, sốt xuất huyết, sốt rét, cúm, viêm gan siêu vi, thủy đậu và quai bị. Trong đó, số ca nhiễm bệnh tay - chân - miệng, sốt xuất huyết tăng cao và đang trong giai đoạn bùng phát, lan rộng. Dịch sốt xuất huyết đã xuất hiện ở 171/171 xã (phường, thị trấn), bệnh tay - chân - miệng xuất hiện ở 170/171 xã (phường, thị trấn) tại Đồng Nai.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ đạo tỉnh Đồng Nai cần tập trung công tác truyền thông phòng chống dịch bệnh để phổ biến rộng rãi cho người dân biết. Hiện bệnh tay - chân - miệng chưa có vaccine phòng bệnh, bệnh lại diễn biến nhanh, chỉ trong 3 ngày phát bệnh là có thể gây tử vong. Do đó, các cơ sở y tế phải thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn người dân giữ vệ sinh sạch sẽ để phòng bệnh tay - chân - miệng là chính, khi phát hiện có các dấu hiệu của bệnh tay - chân - miệng (sốt, co giật, nổi ban…) cần đưa tới cơ sở y tế để điều trị, chứ không nên tự ý ở nhà điều trị vì đang thời điểm vào mùa dịch.

* Trước tình hình dịch sốt rét ở các ấp của xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TPHCM đang lây lan khiến hơn 40 người mắc, ngày 14-8, Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM cho biết đang tích cực truyền thông đến từng hộ gia đình trên toàn địa bàn xã Hiệp Phước và toàn huyện Nhà Bè. Đồng thời đã chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng huyện Nhà Bè tiến hành phun hóa chất diệt muỗi, tẩm mùng bằng hóa chất cho toàn bộ hộ dân ở xã Hiệp Phước, phát hiện và xử lý kịp thời những ổ dịch mới.

Trong khi đó, do có địa bàn giáp ranh với huyện Nhà Bè và có nguy cơ dịch sốt rét sẽ “tràn” sang, quận 7 cũng đã tiến hành họp giao ban toàn thể các trạm y tế phường nhằm rà soát lại cơ số thuốc dự phòng điều trị sốt rét, cán bộ chuyên trách.

Theo bác sĩ Nguyễn Lê Đăng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng quận 7, hiện các phường có nguy cơ mắc sốt rét cao là Tân Phong, Phú Mỹ. Do đó, Trung tâm Y tế dự phòng đã tăng cường truyền thông đến cộng đồng, kết hợp với bệnh viện quận tiến hành lấy máu xét nghiệm ở tất cả các bệnh nhân sốt cao để kiểm tra sốt rét, kết hợp phun thuốc chống dịch sốt xuất huyết với sốt rét.

Nhóm PV

Tin cùng chuyên mục