Bệnh viện Nhân Dân 115 đón nhận 3 kỷ lục châu Á

Tiến sĩ, Bác sĩ Phan Văn Báu - Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Bệnh viện Nhân Dân 115 (TPHCM) nhấn mạnh.“Thành công và sự ghi nhận này hết sức vinh dự, nhưng điều vui hơn cả là chúng tôi đã thực hiện được mục tiêu tối thượng là cứu sống bệnh nhân”.

Ngày 28-5, Bệnh viện Nhân Dân 115 (TPHCM) tổ chức lễ đón nhận 3 kỷ lục châu Á, gồm 2 kỷ lục tập thể và 1 kỷ lục cá nhân. Đây là các thành tựu đạt được trong phát triển chuyên môn, kỹ thuật y tế của bệnh viện.

Tới dự và trao bằng chứng nhận kỷ lục châu Á có Giáo sư, Viện sĩ Hoàng Quang Thuận - Chủ tịch Hội đồng sáng lập Tổ chức kỷ lục Việt Nam.

Bệnh viện Nhân Dân 115 đón nhận 3 kỷ lục châu Á ảnh 1 Giáo sư, Viện sĩ Hoàng Quang Thuận (thứ 3 từ phải qua) trao giấy chứng nhận kỷ lục châu Á cho Ban Giám đốc Bệnh viện Nhân Dân 115 và cá nhân

3 kỷ lục châu Á được xác lập gồm: Bệnh viện đầu tiên của Việt Nam phẫu thuật u não cho bệnh nhân 67 tuổi bằng hệ thống công nghệ trí tuệ nhân tạo robot Modus V Synaptive; Bệnh viện đầu tiên đạt chuẩn chất lượng điều trị vàng của hội đột quỵ châu Âu về điều trị đột quỵ.

Kỷ lục cá nhân được trao cho Th.S, Bác sĩ CKII Chu Tấn Sĩ - Trưởng khoa Ngoại thần kinh. Bác sĩ Chu Tấn Sĩ là chuyên gia được mệnh danh là “bàn tay vàng phẫu thuật thần kinh”, người đầu tiên phẫu thuật u não bằng hệ thống công nghệ trí tuệ nhân tạo robot Modus V Synaptive, dưới sự hỗ trợ của Giáo sư Amin Kassam - Phó chủ tịch Viện Phát triển thần kinh Aurora (Mỹ). Kỷ lục này được đánh giá là đã mở ra một bước tiến mới trong việc sử dụng trí tuệ nhân tạo trong phẫu thuật thần kinh.

Bệnh viện Nhân Dân 115 đón nhận 3 kỷ lục châu Á ảnh 2 Th.S, Bác sĩ CK II Chu Tấn Sĩ - Trưởng khoa ngoại thần kinh, nhận chứng nhận kỷ lục châu Á từ Giáo sư, Viện sĩ Hoàng Quang Thuận - Chủ tịch Hội đồng sáng lập Tổ chức kỷ lục Việt Nam

Xúc động chia sẻ tại buổi lễ Thầy thuốc ưu tú, Th.S, Bác sĩ CKII Chu Tấn Sĩ bày tỏ, kỷ lục này được xác lập bắt nguồn từ ca phẫu thuật u não cho nữ bệnh nhân 67 tuổi (quê Tây Ninh) bằng hệ thống Robot Modus VSynaptive lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam.

Bác sĩ Chu Tấn Sĩ cho rằng: “Kỷ lục tất nhiên theo thời gian sẽ bị xô đổ. Tôi mong rằng phẫu thuật u não bằng hệ thống công nghệ trí tuệ nhân tạo robot Modus V Synaptive sẽ trở thành phẫu thuật thường quy trong ngành y tế Việt Nam trong thời gian tới”.

Bệnh viện Nhân dân 115 tiền thân là một bệnh xá của đoàn hậu cần 50 (Bệnh viện K52) được thành lập cách đây 50 năm với chỉ 130 cán bộ chiến sĩ. Thời điểm này bệnh xá có nhiệm vụ chăm sóc, điều trị cho các chiến sĩ thuộc các đơn vị từ miền Bắc vào chi viện cho miền Nam trong giai đoạn chiến tranh ác liệt. Năm 1975, đơn vị được đổi phiên hiệu là Quân y viện 115. Năm 1989 Quân y viện 115 được Bộ Quốc phòng bàn giao cho UBND TPHCM và sau đó được đổi tên thành Bệnh viện Nhân dân 115 đến bây giờ.

Ghi nhận sự nỗ lực của đội ngũ y bác sĩ không ngừng nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, luôn tìm tòi, sáng tạo trong y khoa để góp phần cứu sống hàng chục nghìn bệnh nhân nặng, đưa “thương hiệu” bệnh viện vươn tầm thế giới, Tiến sĩ, Bác sĩ Phan Văn Báu - Bí thư đảng ủy, Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115, chia sẻ: Để đạt được sự ghi nhận mang tính lịch sử này, bệnh viện đã ấp ủ nhiều năm, ứng dụng công nghệ, thường xuyên cử chuyên gia hàng đầu trong phẫu thuật thần kinh đến các trung tâm thần kinh lớn của thế giới tập huấn, học hỏi kinh nghiệm. 
“Thành công và sự ghi nhận này hết sức vinh dự, nhưng điều vui hơn cả là chúng tôi đã thực hiện được mục tiêu tối thượng là cứu sống bệnh nhân” - Tiến sĩ, Bác sĩ Phan Văn Báu nhấn mạnh.
Bệnh viện Nhân Dân 115 đón nhận 3 kỷ lục châu Á ảnh 3 Tiến sĩ, Bác sĩ Phan Văn Báu - Bí thư đảng ủy, Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 (ngoài cùng bên phải) tặng hoa cám ơn  Viện sĩ Hoàng Quang Thuận 

Được biết, trước đó năm 2019, Bệnh viện Nhân Dân 115 (TPHCM) có 4 tập thể và 3 cá nhân lập kỷ lục Việt Nam về phát triển chuyên môn, kỹ thuật y tế.

Ngoài kỷ lục bệnh viện đầu tiên tại Việt Nam và châu Á triển khai thành công phẫu thuật u não bằng hệ thống Robot Modus VSynaptive, theo Bệnh viện Nhân dân 115 (TPHCM), từ tháng 2 - 2019 đến nay bệnh viện đã phẫu thuật thành công 20 ca bằng hệ thống robot này, trong đó đặc biệt có tới 4 ca được mổ hoàn toàn trong trạng thái tỉnh táo.

Theo chia sẻ của Thầy thuốc ưu tú, Th.S, Bác sĩ CKII Chu Tấn Sĩ, Xuất huyết não là một trong các trăn trở bởi biến chứng nhiều, nằm viện lâu. Tuy nhiên với phương án phẫu thuật được lập trình điều hành bằng trí tuệ nhân tạo; ngoài ra, trong suốt quá trình mổ tỉnh, người bệnh hoàn toàn tỉnh táo và trả lời tất cả các câu hỏi trắc nghiệm giúp các thao tác của bác sĩ rất chính xác, hạn chế tối đa biến chứng, bảo tồn chức năng của người bệnh sau mổ và rút ngắn thời gian nằm viện sau phẫu thuật.

Tin cùng chuyên mục