Bệnh viện Ung bướu TPHCM: Nâng tầm khu vực và thế giới

Không thuộc diện bệnh viện (BV) có lịch sử lâu đời, nhưng với 30 năm hình thành và phát triển (15-5-1985 - 15-5-2015), BV Ung bướu TPHCM đã thực sự gánh vác một chuyên khoa rất nặng nề. Số lượng bệnh nhân không chỉ tăng lên hàng năm, mà lượng bệnh nặng cũng gia tăng, đòi hỏi BV phải luôn nghiên cứu, tiếp cận những kỹ thuật tiên tiến. Bên cạnh đó, với trách nhiệm của một chuyên khoa tuyến cuối, BV Ung bướu còn chỉ đạo tuyến, hỗ trợ các BV địa phương, xây dựng mạng lưới vệ tinh…
Bệnh viện Ung bướu TPHCM: Nâng tầm khu vực và thế giới

(SGGP).- Không thuộc diện bệnh viện (BV) có lịch sử lâu đời, nhưng với 30 năm hình thành và phát triển (15-5-1985 - 15-5-2015), BV Ung bướu TPHCM đã thực sự gánh vác một chuyên khoa rất nặng nề. Số lượng bệnh nhân không chỉ tăng lên hàng năm, mà lượng bệnh nặng cũng gia tăng, đòi hỏi BV phải luôn nghiên cứu, tiếp cận những kỹ thuật tiên tiến. Bên cạnh đó, với trách nhiệm của một chuyên khoa tuyến cuối, BV Ung bướu còn chỉ đạo tuyến, hỗ trợ các BV địa phương, xây dựng mạng lưới vệ tinh…

Xạ trị tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM

Nơi “giành giật với thần chết”

Căn phòng chật hẹp chất đầy những tài liệu, màu rêu phong cũ kỹ nhưng đã gắn bó nhiều năm với BS Lê Hoàng Minh, Giám đốc BV. “Bệnh nhân còn không có chỗ nằm thì lấy đâu ra phòng giám đốc to đẹp”, BS Minh trầm ngâm. Hết thời kỳ GS Lương Tấn Trường, rồi đến GS Nguyễn Chấn Hùng và nay đến BS Lê Hoàng Minh làm giám đốc vẫn một mực giản dị như thế: tất cả dành cho người bệnh. Đã có không biết bao người bệnh như đã được “sinh ra lần hai” sau khi được BV Ung bướu điều trị khỏi “lưỡi hái tử thần”. Theo BS Phạm Xuân Dũng, Phó Giám đốc BV, mỗi năm BV đã khám và điều trị cho trên 1 triệu lượt bệnh nhân, trong đó 50% được điều trị nội trú và khoảng 15% - 20% mắc các bệnh ung thư giai đoạn cuối.

Để “giành giật với thần chết”, BS Dũng cho biết không chỉ chuyên môn tay nghề đội ngũ y bác sĩ ngày càng được nâng lên, đào tạo bài bản hơn, mà việc đầu tư khoa học công nghệ cũng góp phần rất quan trọng. Nhằm nâng cao chất lượng điều trị, năm 2005, BV đã khánh thành khu xạ trị gia tốc, là đơn vị sử dụng phóng xạ điều trị ung thư đầu tiên gồm 2 máy gia tốc hiện đại, hội tụ những thành tựu khoa học như máy Clinac 2300 C-D. Với máy này, lĩnh vực xạ trị ung thư của BV ngang bằng với các nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan. Ngoài 3 liệu pháp chuẩn để điều trị ung thư là phẫu trị, xạ trị và hóa trị, y học đã tiến tới các liệu pháp sinh học, liệu pháp nhắm trúng đích… và BV Ung bướu TPHCM cũng liên tục tiếp cận.

Trong những năm qua, từ nhiều nguồn kinh phí (ngân sách, nguồn vốn sự nghiệp và viện phí), BV đã nỗ lực đầu tư triển khai các kỹ thuật chuyên sâu, hiện đại hóa trang thiết bị giúp việc chẩn đoán và điều trị được nhanh chóng và có hiệu quả. Đó là những tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị như: cắt lạnh (sinh thiết tức thì); kỹ thuật hóa mô miễn dịch; nhũ ảnh có định vị; thực hiện xét nghiệm Her 2 Neu trong điều trị ung thư vú theo phương pháp FISH; phát huy nguyên tắc trị liệu đa mô thức; tái tạo vú sau phẫu thuật ung thư; máy xạ trị gia tốc Clinac 2300 C-D... “Nhờ việc tiếp cận nhanh chóng các tiến bộ kỹ thuật mới mà số bệnh nhân được điều trị tận gốc, kéo dài sự sống ngày càng tăng lên. Thay vì ra nước ngoài điều trị thì nay bệnh nhân được điều trị hiệu quả trong nước. BV cũng đầu tư trang thiết bị cho đơn vị nội soi nhằm phục vụ chẩn đoán dạ dày, tai mũi họng, bàng quang, trực tràng, tiến tới tầm soát và phát hiện sớm các bệnh ung thư”, BS Lê Hoàng Minh cho biết.

Niềm tin tuyến cuối

 

* Với mong muốn phục vụ bệnh nhân một cách tốt nhất, BS Lê Hoàng Minh cho biết đã tích cực cải cách hành chính, giảm phiền hà cho người bệnh, nhất là bệnh nhân diện bảo hiểm y tế. BS Minh cũng mong muốn sớm được xây dựng Khu khám và điều trị kỹ thuật cao cũng như BV Ung bướu cơ sở 2 ngang tầm khu vực và thế giới, trở thành trung tâm đào tạo nghiên cứu và hợp tác ung thư quốc tế…

 

Tiền thân là Trung tâm Ung bướu TPHCM được thành lập vào năm 1985, trên cơ sở kết hợp ba đơn vị: BV Ung thư TPHCM, Viện Ung thư Việt Nam và Khoa Ung bướu của BV Bình Dân, BV Ung bướu TPHCM hiện đã có quy mô lớn hơn cũng như vai trò, chức năng mở rộng hơn. Từ BV hạng 2 với số giường nội trú 425, biên chế 465 người, qua 30 năm xây dựng và phát triển, BV Ung bướu đã trở thành BV hạng 1 với 1.400 giường nội trú, 4.000 giường ngoại trú và hơn 1.000 cán bộ y bác sĩ; 23 khoa lâm sàng - cận lâm sàng và 7 phòng chức năng. BV cũng đã được Bộ Y tế công nhận là trung tâm y tế chuyên sâu thuộc tuyến Trung ương về chuyên môn, kỹ thuật, giảng dạy và đào tạo.

Theo BS Lê Hoàng Minh, nhằm góp phần giảm tải và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh theo Đề án 1816 (luân phiên bác sĩ hỗ trợ tuyến dưới) cũng như Đề án vệ tinh của Bộ Y tế, BV đã chú trọng đến công tác chỉ đạo tuyến. Trong đó, đã chuyển giao các kỹ thuật ngoại khoa như phẫu thuật bướu tuyến giáp, ung thư vú, ung thư đường tiêu hóa… cho BV Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, BV Ung bướu Đà Nẵng, Khoa Ung bướu BV Đa khoa Đồng Nai, BV Ung bướu Cần Thơ và Khoa Ung bướu BV Đa khoa Kiên Giang. Đồng thời xây dựng các khoa ung bướu vệ tinh ở BV Quận 2 TPHCM, liên kết hỗ trợ Trung tâm Ung bướu BV Quân y 175… “Hiện 60% bệnh nhân là từ tuyến tỉnh chuyển lên, nên nếu BV Ung bướu hỗ trợ tốt cho các BV vệ tinh sẽ giảm tải được rất lớn”, BS Lê Hoàng Minh cho biết.

Ngoài ra, BV phối hợp với Đại học Y dược, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đào tạo tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2, BSCK1, thạc sĩ… cho cán bộ y bác sĩ chuyên khoa ung bướu của nhiều địa phương. BV đã xây dựng mạng lưới phòng chống ung thư cho các tỉnh phía Nam giúp bệnh nhân tỉnh xa được điều trị tại chỗ, tránh tốn kém chi phí. Trước đó, từ năm 1999, BV đã cử các đoàn bác sĩ về các tỉnh Khánh Hòa, Cần Thơ, Tiền Giang, Kiên Giang, Bến Tre để hỗ trợ chuyên môn, thành lập các khoa ung bướu… Ngoài ra, hiện nay BV cũng triển khai các dịch vụ tầm soát ung thư cổ tử cung, tầm soát ung thư vú, khám bệnh qua tổng đài 1080, chăm sóc giảm nhẹ tại nhà, phẫu thuật dịch vụ…

TƯỜNG LÂM

Tin cùng chuyên mục