Bệnh viện Việt Đức sẽ chỉ mổ cấp cứu từ 1-3

Ngày 28-2, trao đổi với báo chí về tình trạng cạn kiệt thuốc, vật tư y tế, GS-TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, cho biết, từ ngày 1-3, bệnh viện sẽ hạn chế mổ phiên mà chỉ dành cho mổ cấp cứu.

Bởi hiện một số hóa chất phục vụ xét nghiệm cấp cứu sắp hết và công tác đấu thầu mua sắm gặp vướng mắc chưa thể thực hiện được.

“Chúng tôi sẽ ưu tiên cho mổ cấp cứu. Bác sĩ lâm sàng sẽ đánh giá đúng tình trạng cấp cứu của người bệnh, để hồi sức, mổ cấp cứu theo quy định. Đồng thời cân nhắc ra chỉ định xét nghiệm khi thật sự cần thiết hoặc trao đổi trực tiếp với lãnh đạo các khoa xét nghiệm trước khi ra chỉ định. Với trường hợp cấp cứu, yêu cầu hồ sơ bệnh án phải ghi đầy đủ tình trạng cấp cứu của người bệnh để ra chỉ định mổ cấp cứu”, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức chia sẻ. GS-TS Trần Bình Giang cũng cho biết, theo quy định, trong trường hợp khẩn cấp có thể mua hóa chất, vật tư y tế để cứu người thì mua theo hình thức chỉ định thầu, còn mổ phiên thì không thể áp dụng hình thức này. Bệnh viện cũng không chấp nhận để người nhà bệnh nhân mua vật tư y tế, hóa chất từ ngoài vào mổ vì liên quan đến sự an toàn, tính mạng con người. Nếu thuận lợi trong việc mua sắm thiết bị, vật tư, hóa chất trong thời gian tới thì sớm nhất khoảng 1 tháng nữa, việc mổ phiên có thể trở lại bình thường.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, dẫn đến tình trạng này là do các quy định mua sắm, đấu thầu có vướng mắc, không thể sửa đổi được ngay. Để tháo gỡ, Bộ Y tế và các bộ, ngành chức năng đã nỗ lực giải quyết nhưng hiện còn 2 nội dung “nóng” đang vướng. Trước tiên là máy móc để phục vụ người dân khám, chữa bệnh. Bộ Y tế sẽ tham mưu Chính phủ quy định đối với những máy sau thời điểm ngày 5-11-2022 mới triển khai ký hợp đồng thì sẽ tiếp tục được sử dụng. Nội dung này cũng sẽ đưa vào Nghị quyết của Chính phủ để sớm ban hành và có hiệu lực ngay. Vấn đề thứ 2 liên quan đến những vướng mắc trong quá trình thực hiện giá của các gói thầu, các quy định liên quan đến 3 báo giá, quá trình triển khai Luật Đấu thầu và một số nghị định, thông tư của Bộ Tài chính, quan điểm của Chính phủ là sẽ cho phép Bộ Y tế phối hợp cùng các bộ, ngành tổng hợp các vướng mắc để đưa vào Nghị quyết của Chính phủ nhằm giải quyết vấn đề cấp bách.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ Y tế và các bộ, ngành đang tiếp tục làm việc để trình Chính phủ dự thảo sửa đổi Nghị quyết 144 của Chính phủ về việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT. Hiện dự thảo nghị quyết này đã được xin ý kiến Chính phủ và các bộ, ngành liên quan 2 lần, cơ bản đáp ứng được những vấn đề cần giải quyết và có thể ban hành ngay trong đầu tháng 3-2023 để các vấn đề nóng, bức xúc dần được giải quyết.

Tin cùng chuyên mục