Chiều 30-3, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM chủ trì buổi họp báo trao đổi thông tin về dịch bệnh Covid-19 cũng như chia sẻ với người dân TPHCM về những việc cần làm trong 2 tháng để ứng phó với dịch Covid-19.
Cùng tham dự buổi họp báo có các đồng chí: Dương Anh Đức, Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông (TT-TT); Từ Lương, Phó Giám đốc Sở TT-TT.
Chia sẻ tại buổi họp báo, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ, cách đây 3 tháng, kể từ khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra, không ai có thể hình dung được mức độ lây lan của dịch bệnh.
Cụ thể, vào tháng 1-2020, dịch bệnh bắt đầu xảy ra tại Trung Quốc. Đến cuối tháng 1-2020 có 27 nước có người mắc Covid-19. Đến cuối tháng 3-2020, thế giới có 199 nước và vùng lãnh thổ (trong tổng số 204 nước và vùng lãnh thổ toàn thế giới) có người mắc Covid-19.
Dân số của 199 nước đã bị lây nhiễm này chiếm 99% dân số toàn thế giới.
Về mặt kinh tế, 27 nước có số người mắc trong tháng 1-2020 chiếm 77% quy mô dân số thế giới (trong đó có các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, Việt Nam, Ấn Độ, Nga, Pháp, Đức, Phần Lan, Ý, Anh, Mỹ, Australia…). Điều này cho thấy, dịch bệnh có ảnh hưởng, gây hậu quả về kinh tế rất lớn.
Mặc khác, dịch bệnh cũng gây ra lo lắng đối với người dân. Số người bị mắc gia tăng mạnh khi tháng 1-2020 có 9.500 ca mắc, tháng 2-2020 có 76.000 ca mắc. Dự báo, trong tháng 3-2020 có 840.000 ca.
“Như vậy, trong tháng 3-2020, số ca mắc mới tăng thêm là 750.000 người, gấp 9,9 lần tháng 2-2020”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân so sánh.
Dự báo, đến ngày 3-4, trên thế giới có 1 triệu người mắc.
Nghiêm trọng hơn, trong 2 tháng đầu năm, trên thế giới có 3.000 người chết nhưng trong tháng 3-2020 tăng lên 20.000 người chết. Như vậy, số người chết trong tháng 2-2020 gấp 12 lần tháng 1-2020. Số người chết trong tháng 3-2020 gấp 15 lần tháng 2-2020.
Mức độ rất lớn và chiều hướng gia tăng về số người mắc, số người chết vẫn tiếp tục. Trong đó, số ca mắc mới tăng nhanh đã gây ra quá tải đối với bệnh viện ở các nước châu Âu, nước Mỹ. Với tốc độ tăng như vậy, không ngành y tế ở đất nước nào có thể đáp ứng nổi cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị lẫn con người. Vì vậy, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc kéo giảm tốc độ lây lan, không để vượt quá khả năng của ngành y tế.
“Vì sao Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, đến thời điểm hiện nay được đánh giá phòng chống dịch thành công hơn so với các nước?”, trả lời câu hỏi này từ PV Báo SGGP, theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, trong những nước có dịch bệnh, Hàn Quốc và Nhật Bản đã thành công trong việc kiềm giảm tốc độ lây lan nên không gây ra “vỡ trận” cho y tế.
Tương tự, Việt Nam cũng kéo giảm tốc độ lây lan thành công, đặc biệt tại Việt Nam chưa để ca mắc Covid-19 nào tử vong. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp đều phải cảnh giác, không được chủ quan và tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống Covid-19.
Phân tích nguyên nhân, đồng chí nhấn mạnh đến ý nghĩa của việc ngăn chặn dịch bệnh lây lan bằng cách đeo khẩu trang, không tụ tập đông người, giữa khoảng cách 2m với người khác và thường xuyên rửa tay. Trong đó, Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam cùng nhận thức rõ tầm quan trọng của việc đeo khẩu trang. Ngoài ra là việc chặn nguồn lây nhiễm từ nước ngoài; cách ly những người thuộc diện có nguy cơ mắc Covid-19…
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đánh giá, chúng ta thực hiện nhiều biện pháp kỹ thuật giản đơn nhưng bằng sự quyết liệt và sớm nhận thức rõ về sự lây lan của dịch bệnh Covid-19. Điều này cũng cho ra bức tranh khác nhau với nước khác.
Cụ thể, nước Việt Nam và Mỹ đều có ca mắc Covid-19 đầu tiên vào 23-1.
Ngày 1-3, ở Mỹ có ca tử vong đầu tiên và ngày 27-3, toàn nước Mỹ có 85.400 ca mắc. Cùng ngày 27-3, Việt Nam có 163 ca mắc, không có trường hợp tử vong.
Dự kiến đến hết ngày 31-3, ở Mỹ có khoảng 180.000 người mắc. Ở Việt Nam dự báo khoảng 220 người mắc.
“Hai con số hoàn toàn khác nhau”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhận xét và cho rằng, Việt Nam đã bước đầu thành công giữ được quy mô số người mắc, không để xảy ra rối loạn do dịch bệnh và không để xảy ra người tử vong.
Bài học ở đây là Việt Nam đã áp dụng các biện pháp không quá phức tạp nhưng phù hợp với quy luật sinh học của virus và thực hiện một cách quyết liệt, đồng bộ thì có thể ngăn chặn được.
Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, nước nào không coi đeo khẩu trang là quan trọng, không coi hạn chế tiếp xúc là quan trọng thì số ca mắc sẽ tăng trưởng với nhịp độ: Khoảng 30 ngày thì từ ca đầu tiên sẽ có 100 ca mắc. Kế đến, 10 ngày từ 100 ca sẽ lên 1.000 người mắc; 10 ngày nữa từ 1.000 người lên 8.000 người mắc và 10 ngày kế tiếp từ 8.000 người lên 32.000 người mắc…
Thời gian qua, người dân TPHCM có ý thức cao trong việc đeo khẩu trang, nên dù dịch bệnh phức tạp, khó dự báo chính xác nhưng khả năng đến ngày 2-4, toàn TPHCM sẽ không có 150 ca mắc Covid-19.
Tuy nhiên, hiện nay có yếu tố mới là có ổ dịch mới xuất hiện, đặc biệt là ở Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Tại đây có hàng ngàn người ra vào và các ngành, các cấp đang nỗ lực truy tìm 30.000 người (ở nhiều tỉnh - thành) từng ra vào bệnh viện để thực hiện cách ly.
Đây là bài học, đòi hỏi các bệnh viện phải rà soát quy trình trong việc chăm sóc, điều trị; quy trình phục vụ cũng như việc thăm nom, chăm sóc từ người nhà bệnh nhân. Cụ thể, các bệnh viện tại TPHCM phải rà soát lại quy trình chăm sóc, đảm bảo không để bệnh viện thành nơi lây nhiễm.
Ngoài ra, Sở Y tế chỉ đạo các bệnh viện có phương án đảm bảo thời gian nghỉ của các bác sĩ theo đúng thời gian quy định, để đảm bảo sức khỏe.
Về nguồn lây nhiễm từ quán bar Buddha (phường Thảo Điền, quận 2), đồng chí khẳng định, TPHCM đã truy tìm những trường hợp có nguy cơ lây nhiễm và xét nghiệm. 154 trường hợp xét nghiệm đã cho kết quả âm tính. TPHCM đang tiếp tục nỗ lực và sẽ kiểm soát được tình hình.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân hoan nghênh người dân TPHCM hưởng ứng lời kêu gọi của thành phố đã ít ra đường hơn, đi lại hạn chế, thậm chí công việc cũng tạm nghỉ. Cùng với đó, nhiều cửa hàng, cơ sở đóng cửa. Điều này sẽ làm ảnh hưởng thu nhập của người dân, của doanh nghiệp. Song, những thiệt hại đó nhỏ hơn rất nhiều so với việc để dịch bệnh lan rộng. Như ở nhiều nước có dịch bùng phát đã phải là cưỡng chế đi lại, chứ không chỉ khuyến cáo như TPHCM. |
Đồng chí cũng cám ơn sự chia sẻ của đồng bào TPHCM trong cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19, trong đó có các em học sinh không được đến trường.
Đánh giá cao sự phối hợp rất tốt giữa các lực lượng, trong đó có lực lượng quân đội, công an, thanh niên xung phong…, Bí thư Thành ủy TPHCM cũng đặc biệt ghi nhận và cảm ơn chân thành đối với đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế, nhất là những người ở tuyến đầu chống dịch.
Trước diễn biến khó lường của dịch bệnh, yêu cầu giảm các hoạt động tập thể, giảm sự đi lại có thể sẽ phải duy trì nhiều tuần, thậm chí cả tháng để cả nước thoát khỏi nguy cơ bùng phát dịch. Vì vậy, đồng chí mong muốn mỗi người dân TPHCM cùng chịu thiệt một chút, cùng bị mất thu nhập một chút nhưng sẽ góp phần rất quan trọng đảm bảo TPHCM bình yên và đất nước bình yên trước dịch bệnh Covid-19. Đến khi đó, mọi người sẽ trở lại cuộc sống, sinh hoạt, kinh doanh bình thường.
Bí thư Thành ủy TPHCM cũng tính toán, toàn TPHCM có khoảng 600.000 người bị mất việc bởi dịch bệnh Covid-19. Trong thời gian chờ chính sách của Trung ương, TPHCM đã vận động cán bộ, công chức giảm thu nhập hơn 25% tổng thu nhập hàng tháng để chia sẻ với những người mất việc.
Cùng với đó, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, suốt thời gian qua, TPHCM luôn đảm bảo thực phẩm dự trữ trong 6 tháng. TPHCM đang có kế hoạch đảm bảo cung cấp các mặt hàng thiết yếu cho người dân trong suốt 1 năm.