Bị trù dập vì không học thêm

Bị trù dập vì không học thêm

Đó là nội dung trong  đơn “cầu cứu” gửi Báo SGGP của một số phụ huynh Trường THCS Colette (quận 3) về việc con em của họ đang bị “đì”, bị đối xử thiếu công bằng do không tham gia học thêm. Nỗi niềm bức xúc chung này đang diễn ra ở không ít trường học trên địa bàn TPHCM và liệu ngành GD-ĐT TPHCM có xử lý được không?

Học dở điểm cao, học giỏi điểm thấp

Theo phản ánh của một số học sinh và phụ huynh Trường THCS Colette, cô H., giáo viên dạy Anh văn của trường “thiên vị” và luôn cho những học sinh học dở điểm cao 8 - 9 vì được ôn luyện, giải đề trước. Trong khi đó, nhiều học sinh học giỏi, có năng lực ngoại ngữ thực sự thì bị điểm thấp, thậm chí lãnh điểm 2 - 3, vì không học thêm ở nhà cô.

Chẳng những quở trách những học sinh không tham gia lớp học thêm do mình tổ chức, cô giáo còn “đì” các em khiến áp lực học hành thêm căng thẳng, đè nặng. Nhiều em cảm thấy hoang mang, chán nản, mất niềm tin vào thầy cô.

Một phụ huynh có con học lớp 8 cho biết: “Mặc dù con tôi theo học các khóa học theo chuẩn quốc tế ở các trung tâm ngoại ngữ có yếu tố nước ngoài và được đánh giá 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết tốt, khả năng giao tiếp lưu loát nhưng chỉ vì không học thêm nhà cô giáo nên bị chê, phải nhận điểm thấp (!?)". Thực tế, với nhiều phụ huynh điều kiện kinh tế khó khăn thì việc phải chi thêm số tiền cả triệu đồng/tháng để học ngoại ngữ tiếng Anh là điều không thể.

Đừng tạo áp lực học thêm cho học sinh (ảnh: học sinh Trường THCS Colette trong giờ ra chơi)

Ngoài ra, phụ huynh cũng phản ánh việc học sinh bị buộc học thêm, học kèm dưới mác “tự nguyện” với các môn như Toán, Văn, Lý, Hóa, Sinh… và học  phí không hề thấp. Điều khiến phụ huynh bức xúc hơn cả là môn Tin học cũng phải học thêm tại trường lẫn ở nhà giáo viên.

Có thể nói, câu chuyện nhiều tập liên quan đến dạy thêm - học thêm ở nhiều trường THCS, THPT trên địa bàn TPHCM đang gây bức xúc cho cả học sinh lẫn phụ huynh. Bởi lẽ, thay vì tự nguyện chọn thầy giỏi, có tâm, có thể giúp học trò củng cố kiến thức, nâng cao trình độ để thích ứng với thi cử, nhiều học sinh bị ép học thêm bằng nhiều cách.

Chị Nh., nhà ở quận 11, có con học lớp 7 ở một trường THCS có thương hiệu ở quận 5, bộc bạch: “Con tôi than thở không thích giờ học môn Toán vì thầy giáo T. tỏ ra thiên vị. Ai không học thầy thì dù giải bài nhanh, cách giải hay hơn cũng bị chê và thầy luôn tìm ra lỗi nhỏ để hạ điểm học trò. Vì biết con trai học Toán khá vững, lại thêm không có thời gian đưa đón nên tôi không cho con học thêm. Nhưng bị thầy chê nhiều quá, cộng với việc cho đề kiểm tra có độ khó cao, không theo học thầy khó đạt được điểm cao nên tôi đành nhắm mắt cho con theo học thêm ở nhà thầy”.

Nhiều phụ huynh ở các trường học khác cũng rơi vào tình cảnh tương tự và chấp nhận cho con học thêm vì… “sợ” thầy, cô gây áp lực với con mình. Một phụ huynh có con học ở Trường THCS Hoàng Văn Thụ (quận 10) cũng bực bội kể lại: “Khi học trò kêu không hiểu bài giảng, thầy dạy môn Toán của lớp con tôi gợi ý thẳng là đến nhà thầy học thêm sẽ hiểu bài kỹ hơn”…

Có quản và xử lý được không?

Thực tế cho thấy, dạy thêm, học thêm là nhu cầu của xã hội và hoạt động này đã được UBND TPHCM, Sở GD-ĐT TPHCM cho phép. Thế nhưng, bên cạnh những điểm tích cực, hoạt động này đang có dấu hiệu biến tướng, làm méo mó mục đích chính đáng của nó. Do chạy theo thu nhập và coi đây là nguồn thu khá lớn, nhiều giáo viên đã làm xấu hình ảnh nhà giáo chân chính. Mặc dù, Sở GD-ĐT TPHCM nhấn mạnh rằng hoạt động dạy thêm, học thêm phải xuất phát từ yêu cầu tự nguyện của học sinh, phụ huynh và phải được cấp phép, nhưng nhiều giáo viên bộ môn vẫn vi phạm, tìm mọi cách lôi kéo học trò đến lớp dạy thêm của mình.

Theo phản ánh của học sinh, phụ huynh, đa phần những giáo viên yếu về năng lực, thiếu kỹ năng sư phạm, dạy dở ngay ở trên lớp nên học sinh từ chối, không muốn học thêm với họ. Nếu có nhu cầu, cần học nâng cao kiến thức, các em sẽ tìm đến những giáo viên giỏi, có uy tín khác. Chính vì thế, họ phải dùng chiêu “ép buộc” học sinh học thêm và những ai không tham gia sẽ bị làm khó, thậm chí nhận điểm thấp.

Không ít phụ huynh nói rằng, tuy mang “cục tức” ở trong lòng nhưng nhiều người ngại phản ứng công khai và phải nhắm mắt đăng ký học thêm để đổi lấy sự bình yên cho con mình. Gần đây, tại hội nghị tổng kết năm học trước, đại diện Sở GD-ĐT TPHCM cũng nhắc nhở các trường học chấn chỉnh hoạt động dạy thêm, học thêm của giáo viên và nghiêm cấm việc ép buộc, lôi kéo học sinh học thêm dưới mọi hình thức. Thế nhưng, như phản ánh ở trên, hoạt động dạy thêm vẫn phát triển rầm rộ và ở nhiều nơi, học trò vẫn bị giáo viên hù dọa, ép buộc “ký đơn tự nguyện tham gia”.

Theo một số hiệu trưởng, dạy thêm, học thêm dựa trên tinh thần tự nguyện, vì thế, khi bị giáo viên “dùng chiêu” để ép buộc học thêm thì học sinh, phụ huynh phải phản ánh trực tiếp với ban giám hiệu nhà trường để có cơ sở xử lý. Nguyên tắc là thế, nhưng rất ít học sinh, phụ huynh dám công khai phản ứng với tiêu cực và thông tin kịp thời đến ban giám hiệu nhà trường. Thực trạng này cho thấy giữa phụ huynh và nhà trường thiếu sự gắn kết.

Với thực tế đáng báo động này, các trường học nói riêng và ngành GD-ĐT TPHCM nói chung sẽ chấn chỉnh, xử lý những biến tướng, tiêu cực trong dạy thêm, học thêm như thế nào?

KHÁNH BÌNH

Tin cùng chuyên mục