
Ai đã từng đặt chân đến Phú Quý, hẳn mãi không quên được mảnh đất và con người nơi đây. Phú Quý dù xa và biệt lập với đất liền, nhưng rất gần trong tim mỗi người.
Cách TP Phan Thiết khoảng 120km, cư dân huyện đảo Phú Quý (diện tích khoảng 18km², thuộc tỉnh Bình Thuận) bấy lâu nay thường xuyên đối mặt với sóng to gió lớn. Để đến Phú Quý, du khách có nhiều sự lựa chọn, đi tàu cao tốc hoặc tàu hàng. Nếu đi cao tốc mất hơn 2 giờ là đến đảo. Những năm gần đây, cái tên Phú Quý được nhiều người biết đến hơn khi phương tiện ra đảo dễ dàng và nhanh hơn.

Một góc vịnh Triều Dương, Phú Quý. Ảnh: T.L
Có một điều mà bất cứ du khách nào ghé thăm Phú Quý cũng đều ấn tượng, đó chính là cảnh sắc hoàng hôn nơi đây. Biển, trời và cả sự bình yên của cuộc sống nơi đây làm nên khung cảnh hoàng hôn có một không hai. Có rất nhiều điểm ngắm hoàng hôn đẹp trên đảo như: bờ kè Ngũ Phụng, dinh Thầy Nại, vịnh Triều Dương, đặc biệt là núi Linh Sơn. Với diện tích gần 16,4km² nên không có cách nào tuyệt hơn để khám phá đảo là vi vu trên xe máy. Phú Quý có hệ thống đường mòn chạy quanh đảo nên rất dễ dàng tiếp cận các bãi tắm, bãi rạn đẹp như tranh vẽ. Do đảo Phú Quý vẫn hoang sơ và ít người biết đến nên các bãi tắm nơi đây vắng vẻ, nước trong nhìn thấy đá.
Một điểm nhấn khác tại Phú Quý, dù là đảo nằm biệt lập, nhưng Phú Quý có đến gần 30 di tích văn hóa với nhiều loại hình tín ngưỡng khác nhau. Tuy nhiên, nổi bật nhất là di tích Vạn An Thạnh (thuộc thôn Triều Dương, xã Tam Thanh) xây dựng từ năm 1781 và là “bảo tàng” cá voi trên đảo. Ghé thăm nhà trưng bày cốt Ông Hải Nam tại Vạn An Thạnh, mọi người sẽ được nhìn thấy bộ xương cá voi dài gần 20m, đây cũng là một trong những bộ xương cá voi lớn nhất ở Việt Nam được lưu giữ đến hôm nay. Ngoài ra, trên đảo còn có những chiếc quạt gió to kỷ lục, rất được du khách tò mò và không thể thiếu trong điểm dừng chân. Du khách đến Phú Quý không thể bỏ qua ngọn hải đăng trên đảo. Muốn chinh phục ngọn hải đăng, du khách phải đi bộ, leo núi với hơn 120 bậc đá men theo sườn núi, dài khoảng 200m.
Thắng cảnh đẹp, hoang sơ và có hàng chục điểm tham quan khác đã khiến nhiều người đến Phú Quý nhớ mãi. Nhưng điều khiến mọi người nhớ nhất ở Phú Quý chính là các món hải sản ở đây. Nhiều người ví von, Phú Quý là một “đại dương thu nhỏ” khi hải sản nơi đây phong phú như đại dương. Ở Phú Quý, hải sản nổi tiếng không chỉ tươi sống mà có những món tưởng chừng như không thể tận hưởng được mỗi khi vào nhà hàng, đó là cua huỳnh đế. Cua huỳnh đế được cho là món ăn xa xỉ trong các nhà hàng, nhưng ở đây, giá cua dưới nửa triệu đồng một ký. Vậy nên, ai cũng có thể thưởng thức được loại hải sản vốn chỉ dành cho vua ăn này. Nói về hải sản Phú Quý, không thể không kể đến các loại mực, đặc biệt là loại mực cơm. Mực cơm Phú Quý tươi, săn chắc và rất nhiều cơm trong mỗi con mực. Ngư dân Phú Quý tự hào khi mực cơm trên đảo chiếm khoảng 30% mực của cả nước, được ví như là “đảo mực” của cả nước. Điều này cũng dễ hiểu khi một đảo nhỏ như Phú Quý lại có đội tàu thu mua hải sản trên 130 chiếc, trong đó có hơn một nửa chuyên thu mua mực cơm cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước.
Hiện Phú Quý đã có tên trên bản đồ thế giới về hệ thống cảng biển, có thể đón tàu hàng ngàn tấn, một thuận lợi lớn cho việc chế biến và xuất khẩu hải sản đi các nước trên thế giới. Là điểm gần với huyện đảo Trường Sa nhất, nên thời gian qua, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm đến Phú Quý. Việc xây dựng một số kho xăng dầu trung chuyển trên đảo không chỉ giúp Phú Quý phát triển mà còn rất thuận tiện để cung ứng nguyên liệu cho Trường Sa, cho đội tàu thu mua hải sản. Phú Quý đang từng ngày tăng tốc, xứng đáng là đảo tiền tiêu về mọi mặt.
VĂN NGỌC