Ngày 16-3, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC 36) Bình Dương phát hiện gần 40 tấn sữa Ancomilk đã hết hạn sử dụng nằm trong khu chứa phế liệu của Công ty TNHH một thành viên Thế Giới Xanh (thuộc khu phố Bình Hòa 2, thị trấn Tân Phước Khánh, huyện Tân Uyên). Trước sự việc này dư luận cho rằng số sữa này nằm trong lô hàng 105 tấn sữa của Công ty Anco từng bị yêu cầu tiêu hủy trước đây và không hiểu sao đến giờ này vẫn còn?
Sữa trong bãi phế liệu
Từ ngã 3 Bình Chuẩn (huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương) chạy thêm 3km thì tới khúc cua cùi chỏ thuộc khu phố Hòa Bình 2, thị trấn Tân Phước Khánh rồi rẽ phải chừng 100m là thấy Công ty NHHH một thành viên Thế Giới Xanh (gọi tắt là Công ty Thế Giới Xanh).
Trong quá trình kiểm tra, PC 36 Bình Dương còn phát hiện tại đây có 30 phuy dầu nhớt cặn, 38 phuy dung môi, 1,5 tấn ắc quy chì (tất cả đều thuộc chất thải nguy hại)... |
Vừa bước chân vào bãi chứa phế liệu của Công ty Thế Giới Xanh, trước mắt tôi là hàng ngàn thùng sữa mang nhãn hiệu Ancomilk đã hết đát đang phơi nắng phơi sương ngoài trời, nhiều thùng sữa bị rách bươm. Quanh đó còn nhiều blốc, hộp sữa nằm lăn lóc, lẫn cả vào cỏ rác, bị xì ra bốc mùi hôi và chua, ruồi nhặng bay khắp nơi.
Kiểm tra ngẫu nhiên một thùng sữa thì thấy bên trong có 12 blốc sữa, mỗi blốc 4 hộp (tổng cộng 48 hộp sữa/thùng), gồm sữa tiệt trùng hương dâu và tiệt trùng có đường hương chocolate. Ngoài thùng có in logo Tập đoàn Anco và ghi rõ Ancomilk là nhãn hiệu của tập đoàn Anco.
Trên một blốc sữa ghi ngày sản xuất 17-04-2008A và hạn sử dụng đến 17-10-2008, sản xuất tại nhà máy Nutifood và Elovi. Mặt chính của sản phẩm ngoài việc in các thông tin còn có hình 3 nhân vật hoạt hình (2 nữ một nam). Trước núi hàng này, đoàn công tác đã phải huy động 3 xe tải và hàng chục công nhân tới để đưa về nơi lưu giữ và lập hồ sơ xử lý.
Liên quan đến vụ 105 tấn sữa nhiễm melamine?
Theo khai báo ban đầu của ông Nguyễn Trí Bình, Giám đốc Công ty Thế Giới Xanh với cơ quan điều tra, đây là số hàng do Công ty Phương Nam (địa chỉ C12/21 khu dân cư Thuận Giao, Thuận An) hợp đồng vận chuyển trong thời gian từ 26-10-2009 đến 15-12-2009, từ một kho hàng ở Khu công nghiệp Sóng Thần (Dĩ An, Bình Dương) về Nhà máy xử lý nước thải - Công ty cổ phần Nam Tân Uyên - để tiêu hủy.
Theo nội dung hợp đồng, việc xử lý số sữa và vỏ sữa này là dùng kéo cắt vỏ hộp, đổ sữa vào hồ xử lý tập trung, sau đó gom chôn lấp vỏ hộp sữa. Thế nhưng đến nay nó vẫn nằm ở khu chứa phế liệu của Công ty Thế Giới Xanh.
Điều đáng nói là trên Báo Sức Khỏe Đời Sống vào tháng 12-2009, dẫn lời bà Võ Thị Ngọc Hạnh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Bình Dương cho biết, 105 tấn sữa nước (đóng trong hộp giấy loại 110ml, hết hạn sử dụng từ tháng 10-2008) của Công ty Anco nghi nhiễm melamine bị phát hiện vào ngày 8-12-2008 đã được tiêu hủy. Vậy thì số sữa này ở đâu ra, phải chăng đây là số sữa nằm trong 105 tấn sữa Anco nghi nhiễm melamine nhưng giờ vẫn chưa tiêu hủy?
Dư luận đặt câu hỏi trên vì “gốc gác” gần 40 tấn sữa quá hạn sử dụng này được xuất phát từ kho hàng ở Khu Sóng Thần và những ghi chú trên bao bì của hộp sữa cùng với điều kiện trong hợp đồng tiêu hủy có nhiều sự trùng hợp. Hiện Cơ quan chức năng đang điều tra làm rõ vụ việc này.
Tiến Đạt