Bình Dương: Công nhân khó tìm việc làm phù hợp

Thời gian gần đây, ở “thủ phủ” KCN Bình Dương, nhiều lao động nộp hồ sơ cho các doanh nghiệp nhưng không tìm được công việc phù hợp, không ít người đã khó khăn càng thêm túng thiếu khi nhiều tháng không có việc làm.

Theo ghi nhận, hiện ở hầu hết các KCN trên địa bàn tỉnh Bình Dương, không còn cảnh bộ phận nhân sự các doanh nghiệp (DN) bố trí bàn tuyển dụng, tiếp nhận lao động đi làm ngay như thời gian trước đây. Các bảng thông báo tuyển dụng vẫn treo khắp nơi, nhưng là thông tin từ đầu năm 2022. Anh Y Điêu Niê (19 tuổi, quê Đắk Lắk), chia sẻ: “Tôi cùng bạn vào Bình Dương tìm việc gần 3 tháng qua và đã gửi hồ sơ đến hàng chục DN nhưng chưa tìm được việc, nơi nhận thì thu nhập chỉ 5,5 triệu đồng/tháng, không đủ chi phí trang trải cuộc sống. Giờ tôi chỉ cần công việc thu nhập khoảng 8 triệu đồng/tháng, đủ tiền trọ, ăn uống, đi lại và tiết kiệm một ít để tết có tiền về quê, nhưng khó quá”. 

Còn chị Hoàng Thị Quyết (37 tuổi, quê Đồng Tháp), cho hay, đã nộp hồ sơ ở nhiều DN trong KCN Sóng Thần (TP Dĩ An), Việt Hương (TP Thuận An) 2 tháng qua, nhưng không tìm được việc làm phù hợp, chủ yếu do lương thấp và không có phụ cấp, không đủ chi trả tiền nhà trọ, tiền học cho 2 con và sinh hoạt hàng ngày. Hiện mỗi tối chị Quyết đi bán hàng rong trong các khu trọ công nhân, ban ngày thì trông giữ con cho chủ nhà trọ trong thời gian chờ có việc làm mới. 

Đầu tháng 8-2022, ngành chức năng tỉnh Bình Dương đã tiến hành khảo sát sơ bộ, kết quả nhiều DN gặp khó khi đàm phán ký kết đơn hàng mới. Trong đó, tại TP Thủ Dầu Một có 15/215 DN đang gặp khó khăn, phải họp với công nhân thông báo sắp hết đơn hàng, tạm ngừng tăng ca; tại TP Thuận An có 145/469 DN trong tình trạng cạn đơn hàng, có không ít công ty sản xuất hàng ra không xuất được, phải cắt giảm lương và các chế độ phụ cấp khác để giảm chi phí. 

Đáng chú ý, một số DN ngành dệt may, gỗ phải cho công nhân nghỉ phép năm hoặc trả lương ngừng việc. Khảo sát của ngành chức năng tại công đoàn các KCN trên địa bàn thị xã Bến Cát cho thấy, người lao động đối mặt nhiều khó khăn do tạm hoãn hợp đồng lao động kéo dài, mất việc làm do cắt giảm lao động đột ngột từ quý 2-2022.

Theo khảo sát mới đây của Hiệp hội Gỗ Việt Nam cho thấy, ảnh hưởng của tình hình thế giới, nhất là xung đột Nga - Ukraine, dịch Covid-19 và tình trạng lạm phát cao ở nhiều nước đã làm giảm nhu cầu tiêu dùng đồ gỗ ở các thị trường Mỹ, EU và Anh, dẫn đến các DN xuất khẩu gỗ Việt Nam bị giảm đơn hàng nên phải áp dụng các biện pháp tình thế để cân đối thu chi, duy trì hoạt động. Có 33/45 DN được khảo sát giảm doanh thu từ thị trường Mỹ (giảm trung bình 39,6%), riêng thị trường EU có 24 DN sụt giảm doanh thu trong những tháng đầu năm 2022. 

Ông Điền Quang Hiệp, Giám đốc Công ty gỗ Minh Phát 2 (TP Thuận An), cho biết, từ tháng 6-2022 đến nay, số lượng đơn hàng đã giảm trung bình 35%, thậm chí có DN gặp tình trạng đối tác hủy ngang hợp đồng. Hiện nhiều DN trong ngành cần giải phóng hàng tồn, thêm đơn hàng để duy trì chuỗi cung ứng, giữ chân người lao động hoặc chuyển hướng sản xuất cung cấp cho thị trường nội địa.

Tin cùng chuyên mục