Bình yên làng cá Tân Mai

Chúng tôi đến làng cá bè Tân Mai (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) vào một ngày giữa tháng 11- 2021 khi cơn mưa chiều vừa ngớt và cảm nhận được cuộc sống yên bình của người dân nơi đây. Xen lẫn niềm vui về một cuộc sống ngày càng đủ đầy, ngư dân đang thấp thỏm âu lo vì chính quyền địa phương có chủ trương di dời, sắp xếp lại làng cá bè truyền thống. 

Nửa muốn dưới sông, nửa muốn lên bờ

Trái với suy nghĩ của chúng tôi, làng cá Tân Mai không nằm trên phạm vi một phường mà nằm ngay khu vực ngã ba sông Cái (nhánh chính của sông Đồng Nai), trải rộng trên 3 phường Tân Mai, Thống Nhất, Tam Hiệp. Làng cá bè có 370 hộ dân, khoảng 1.000 nhân khẩu, hơn 800 bè cá và trung bình mỗi nhà có 5-7 lồng nuôi cá, mỗi năm cho thu nhập ít nhất vài trăm triệu đồng (sau khi trừ chi phí), có người thu cả tỷ đồng. 

Theo các vị cao niên trong vùng, làng cá bè Tân Mai có từ năm 1954, chủ yếu người Nam Định di cư vào, ban đầu chỉ vài chục bè nhỏ cùng thuyền chèo, ngư dân sống chủ yếu trên bờ. Dần dà theo thời gian, nhất là từ đầu thập niên 1990, có thêm nhiều người bà con của ngư dân làng cá rời quê Nam định vào quần cư trên một góc sông đã hình thành nên làng cá bè đông đúc như hôm nay. Mỗi ngày, làng cá bán ra thị trường khoảng 3 tấn cá tươi, chủ yếu là cá trắm, cá chép, cá diêu hồng, nhờ đó các ngư dân có của ăn, của để và trẻ con được đi học đàng hoàng. 

Bình yên làng cá Tân Mai ảnh 1 Cuộc sống bình yên ở làng cá Tân Mai

Anh Bình, một người dân làng cá lái thuyền chở chúng tôi dạo một vòng quanh làng cá khi khi màn đêm dần buông xuống. Hơi nước bốc lên mát rượi, hoa lục bình hiền hòa kết thành từng mảng lững lờ trôi, dòng sông trở nên thơ mộng. Trong nhà bè, các gia đình quây quần bên bữa cơm tối, đèn điện bật sáng, hắt qua khe cửa sổ, bừng sáng cả một góc sông; nhà nào cũng có ti vi, tủ lạnh, nhiều hộ khá giả còn sắm dàn karaoke phục vụ những buổi tiệc sinh nhật, liên hoan. 

Chúng tôi ghé thăm gia đình anh Nguyễn Văn Ngữ (phường Tân Mai) có 12 năm sinh sống ở làng cá với 3 bè cá nuôi khoảng 30 tấn cá trắm, tai tượng, cá Koi, cho thu nhập 300 triệu đồng/năm. Cá nuôi bè thường chết vì thiếu oxy, nước thải công nghiệp gây ngộp thở, có đợt 5-7 tấn cá chết phải vớt lên bờ để tránh ô nhiễm nguồn nước, lây lan sang bè khác. Do không có nhà cửa, đất sản xuất, bè cá không được coi là tài sản thế chấp nên các hộ dân không thể vay vốn ngân hàng, mỗi lần cá chết muốn tái đầu tư gầy dựng lại, các chủ lồng cá phải vay bên ngoài với lãi suất cao.

Anh Ngữ chia sẻ: “Mấy hôm trước có người đến hỏi mua lại nhà bè để xây dựng nhà hàng nổi trên sông, thoạt nghe thì hấp dẫn nhưng nếu lên bờ không có đất sản xuất và phải chuyển đổi nghề, kinh tế gia đình sẽ gặp khó khăn nên tôi đang phân vân. Không chỉ gia đình tôi, các hộ nuôi cá cũng nửa muốn ở, nửa muốn lên bờ”. 

Phát triển du lịch sinh thái 

Làng cá bè Tân Mai là nét đặc thù của TP Biên Hòa về mặt kinh tế xã hội vừa liên quan đến mỹ quan đô thị, môi trường, tiềm năng du lịch nên việc quy hoạch, định hướng phát triển nghề nuôi cá lồng bè cho ngư dân là cần thiết. Từ năm 2002, UBND TP Biên Hòa đã lập dự án quy hoạch nhằm giải tỏa, di dời, sắp xếp lại làng cá Tân Mai, chỉnh trang cảnh quan, giảm bớt ô nhiễm nguồn nước trên sông Đồng Nai. Nhưng chủ trương này chỉ nằm trên giấy và đến tháng 6-2013, TP Biên Hòa điều chỉnh lại quy hoạch với 247 hộ được nuôi 271 bè cá trên đoạn sông gần 4km (khu vực xã Hiệp Hòa, TP Biên Hòa), mỗi hộ chỉ được nuôi tối đa 2 bè và được hỗ trợ di dời 900.000 đồng/hộ. Hiện nay, đa số các hộ dân không đồng ý, né tránh nên việc di dời vẫn chưa xong.

Gia đình chị Phạm Thị Phương (phường Tân Mai) đang nuôi 3 bè với 10 lồng cá, mỗi năm cung cấp ra thị trường khoảng 7 tấn cá tươi, cho thu nhập từ 350-400 triệu đồng/năm. Chị Phương cho hay: “Chi phí đầu tư làm nhà bè và lồng cá hơn 1 tỷ đồng nhưng chính quyền chỉ cho nuôi 1 bè cá, mất đi 2/3 thu nhập, nếu không làm nghề cá, gia đình tôi không biết làm gì để sống, tiền hỗ trợ di dời thấp, không đủ chi phí”. Do di dời chậm nên ngư dân tiếp tục đầu tư vào các bè cá và gần đây xuất hiện thêm hàng chục bè mới. 

Những ngày trên sông, chúng tôi có dịp trò chuyện với anh Giáp Văn Ba (SN 1989, ngụ TP Biên Hòa) đang tìm mua nhà bè ở làng cá khi thành phố đã có chủ trương phát triển làng cá gắn với du lịch. Anh đang tìm cách thuyết phục các ngư dân bán lại nhà bè để mở nhà hàng nổi trên sông, tận dụng nguồn cá tự nhiên chế biến món ăn đặc trưng của vùng sông nước và kết nối với các tour du lịch để thu hút khách. Anh kỳ vọng sẽ có nhiều doanh nghiệp tìm đến đầu tư khai thác tiềm năng, phát triển du lịch làng nghề sinh thái trên sông, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho ngư dân làng cá Tân Mai.

Trao đổi với PV báo SGGP, ông Nguyễn Hữu Nguyên, Chủ tịch UBND TP Biên Hòa cho biết, làng cá bè Tân Mai có cảnh quan đẹp, hấp dẫn phù hợp cho việc phát triển du lịch sinh thái, kết nối các tour du lịch dọc sông Đồng Nai. Hiện, TP Biên Hòa đã có quy hoạch, bố trí, sắp xếp lại làng cá bè để không làm ảnh hưởng quy hoạch tổng thể, mỹ quan tuyến sông đồng thời triển khai hỗ trợ di dời, ổn định khu vực nuôi cá lồng bè ở vị trí mới giúp ngư dân yên tâm nuôi cá lồng bè, hướng tới phát triển bền vững làng cá Tân Mai.

Tin cùng chuyên mục