Bộ đàn đá nhiều thanh nhất Việt Nam

Bộ đàn đá nhiều thanh nhất Việt Nam

Hai anh em ruột nghệ sĩ Nguyễn Chí Trung (55 tuổi) và Nguyễn Đức Lộc (50 tuổi), hiện sống ở quận 1, TPHCM đang sở hữu bộ đàn đá (Lithophone) có tới…100 thanh. Đây là tác phẩm nghệ thuật độc đáo và đang giữ kỷ lục là bộ đàn đá nhiều thanh nhất ở Việt Nam.

Từ phiến đá “định mệnh”

Bộ đàn đá nhiều thanh nhất Việt Nam ảnh 1

Giàn đàn đá 100 thanh

Theo nghệ sĩ Chí Trung thì việc hai anh em ông có bộ đàn đá này hoàn toàn rất tình cờ. Năm 1981, hai anh em ông cùng làm chung các đề tài âm nhạc dân tộc là nghiên cứu sáng chế cây sáo 18 lỗ bấm (Gamme Pentatonique) Âm giai ngũ cung, chuyển hò thang âm (Métabole) hệ thống nhạc Tài tử Nam bộ (Bắc, Nam, Xuân, Ai); nghiên cứu sáng chế cây sáo 12 lỗ và 16 lỗ bấm (Gamme Chromatique) theo Âm giai đồng chuyển.

Ngày 21-12-1981, hai nghệ nhân đã báo cáo công trình nghiên cứu - sáng tạo tất cả những loại sáo trên tại Viện Nghiên cứu âm nhạc, thuộc Trường Nghệ thuật sân khấu TPHCM.

Sau khi báo cáo thành công, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước (lúc đó là Viện trưởng Viện Nghiên cứu âm nhạc Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Khoa học về đàn đá, đồng thời là thành viên Hội đồng Quốc tế âm nhạc UNESSCO), đã nhờ nhạc sĩ Phan Chí Thanh (Tổ trưởng Tổ cải tiến nhạc cụ dân tộc thuộc Viện Nghiên cứu âm nhạc Việt Nam) gửi đến hai nghệ sĩ một phiến đá nặng chừng 6kg với lời nhắn nhủ chân tình: “Hai anh đã cải tiến sáo trúc rất thành công, nay hai anh hãy tìm cách cải tiến đàn đá sao cho gọn nhẹ hơn và có thể hòa âm được cả nhạc dân tộc và nhạc phương Tây cho thế giới cùng biết”.

Khi nhận phiến đá, hai nghệ sĩ tình cờ gõ lên nó bằng một thanh tre thì phát hiện ra phiến đá phát ra âm thanh đúng chính xác với nốt RE trong thang âm thất cung của âm nhạc đương đại. Nghệ nhân Nguyễn Chí Trung tâm sự: “Có lẽ đây là một lời khai thị của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước dành cho chúng tôi nên sau khi nhận phiến đá “định mệnh” đó, chúng tôi quyết tâm lao vào công việc tìm kiếm, thiết kế những thanh đá phát ra những âm thanh có thể ký âm được khóa SOL, thuộc thang âm thất cung để hòa nhịp cùng hơi thở của nền âm nhạc đương đại”.

Bộ đàn đá độc nhất vô nhị

Bộ đàn đá 100 thanh hiện có là tác phẩm nghệ thuật kiên trì của hai anh em nghệ sĩ Nguyễn Chí Trung và Nguyễn Đức Lộc. Sản phẩm được thiết kế gồm 2 giàn đàn mỗi giàn 50 thanh (1 giàn tạo dáng chim Bằng, 1 giàn tạo hình tượng con thuyền để liên tưởng về truyền thuyết “Lạc Long Quân và Âu Cơ” khi chia 50 người theo mẹ lên non và 50 người con theo cha xuống biển, nhưng đều cùng chung một nguồn cội .Đó chính là hình ảnh công cuộc “khai sơn phá thạch”, mở mang bờ cõi của giống nòi Rồng Tiên. Đàn đá 100 thanh này là sản phẩm được kết hợp xen kẽ giữa hệ thống 5 cung (Gamme Pentatonique) thể hiện được tiếng Á (Glissando) trong phong cách đàn nhạc truyền thống Việt Nam và hệ thống 7 cung (Gamme Tempérée) Âm giai điều hòa của phương Tây.

Hai nghệ sĩ phải mất 25 năm trời cho công việc nghiên cứu, tìm kiếm các thanh đàn đá. Kết quả là hai ông đã có được 100 phiến đá (gồm hai bộ 50 phiến) ra đời với khoảng chạy 4 quãng 8, có thể vừa chơi nhạc dân tộc, vừa chơi nhạc Tây phương. Điểm đặc biệt là bộ đàn đá chỉ nặng 50kg nên có thể vận chuyển dễ dàng.

Đặc biệt, trong chế tác, hai ông không chọn các loại đá hiếm có, dùng riêng cho đàn đá xưa nay mà dùng các loại đá như hoa cương, cẩm thạch hoặc lặn lội khắp các mỏ đá, công trình xây dựng để tìm các loại đá thông dụng làm đàn.

“Tuy nhiên, để làm cho các phiến đá biết tấu nên âm thanh là cả vấn đề”, nghệ sĩ Đức Lộc cho biết: “Bởi chúng không âm vang như các loại đá chuyên dụng, nên chúng tôi phải mất nhiều thời gian tìm tòi vật liệu kết hợp với đá để tạo âm thanh. Từ cách làm của người xưa là đào hố và lót rơm để kê những thanh đá lên trên, tạo sự cộng hưởng cho đàn đá, chúng tôi đã thử nghiệm bằng cách dùng ống nhựa khoét lỗ tròn rộng đặt bên dưới và thật bất ngờ, âm thanh phát ra từ các phiến đá và hơi cộng hưởng từ ống nhựa này dẫn đến sự thay đổi cao độ, trường độ khi gõ vào mặt phiến đá”.

Hai nghệ sĩ đã hoàn thành bộ đàn đá vào năm 2004, đã thử nghiệm trình diễn đàn đá 100 phiến ở một số điểm ca nhạc dân tộc tại TPHCM.

Đàn đá là nhạc khí tự thân vang, thuộc loại xylophone, metallophone. Mỗi nhạc cụ là một bộ gồm nhiều thanh đá hợp thành. Mỗi thanh đá có kích thước và hình dáng khác nhau, được chế tác bằng phương pháp ghè đẽo thô sơ. Vật liệu để làm đàn là những loại đá sẵn có ở vùng núi Nam Trung bộ và Đông Nam bộ.

Căn cứ vào bộ đàn tìm được ở di chỉ khảo cổ học Bình Đa (Đồng Nai) thì việc chế tác những thanh đá này đã xuất hiện từ khoảng 3.000 năm trước. Cho tới những năm đầu thập kỷ 90 (thế kỷ 20) đã tìm được gần 200 thanh đàn đá rải rác ở các tỉnh Đắc Lắc, Khánh Hòa, Đồng Nai, Ninh Thuận, Bình Phước, Lâm Đồng, Phú Yên. Số lượng thanh ở mỗi tập hợp được phát hiện là 3-15.

Bộ đầu tiên tìm được tại Đắc Lắc vào năm 1949 hiện được bảo quản tại viện bảo tàng “Con người” ở Paris. Nhiều bộ khác đang được bảo quản tại Việt Nam.

Lê Việt Nhân (SGGP-12G)

Tin cùng chuyên mục