Bộ đội tất bật chuẩn bị chu đáo những suất ăn cho người dân đi cách ly
SGGPO
Để có những suất ăn không chỉ đầy đủ dinh dưỡng mà còn đáp ứng các yêu cầu phòng dịch Covid-19, lực lượng bộ đội công tác tại Trung đoàn 812 (tỉnh Bình Thuận) phải thức dậy chuẩn bị từ lúc 4 giờ sáng.
Sau hơn 450 ngày không ghi nhận trường hợp nào mắc Covid-19 mới ngoài cộng đồng, ngày 24-6, đợt dịch tiếp theo bất ngờ bùng phát trở lại khiến toàn tỉnh Bình Thuận lại tiếp tục phải căng mình để chống dịch.
Ngay lập tức, hàng trăm trường hợp F1 ở địa phương được truy vết và phải đi cách ly tập trung. Lúc này, không chỉ lực lượng ngành y tế, chính quyền địa phương ngày đêm "mất ăn, mất ngủ" mà lực lượng phục vụ tại các cơ sở cách ly cũng không có thời gian nghỉ ngơi.
Người dân tham gia cách ly tập trung tại Trung đoàn 812
Ngoài việc phải đảm bảo công tác phòng dịch được hiệu quả thì một trong những nhiệm vụ quan trọng của đội ngũ phục vụ trong các khu cách ly là việc chuẩn bị những suất ăn đảm bảo đủ chất dinh dưỡng để người tham gia cách ly có đủ sức khỏe, an tâm phòng dịch.
Để hiểu rõ hơn công việc của lực lượng phục vụ nhân dân đi cách ly, chúng tôi đã liên hệ với một trong những khu cách ly tập trung tại tỉnh Bình Thuận là Trung đoàn 812 (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Thuận) để tìm hiểu, sẻ chia.
Các chiến sĩ phải thức dậy từ sáng sớm để chuẩn bị các suất ăn cho người dân đi cách ly
Thượng tá Đậu Trọng Bơn, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Trung đoàn 812 (đóng quân trên địa bàn xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận), cho biết hiện đơn vị đã tiếp nhận trên 50 người tham gia cách ly tập trung. So với những đợt dịch trước, người tham gia cách ly không phải trả phí, nhưng đợt dịch này mỗi người phải đóng tiền ăn 80 ngàn đồng/ngày.
Để có thể chuẩn bị chu đáo, phục vụ người tham gia cách ly, Trung đoàn phải huy động rất đông lực lượng chiến sĩ tham gia. Đại diện Trung đoàn 812 cũng cho biết, để chuẩn bị 3 suất ăn cho mỗi người một ngày, đơn vị phải tổ chức cử lực lượng đi chợ từ lúc 4 giờ sáng.
Sau bữa sáng, 8 giờ sáng, các chiến sĩ lại tiếp tục công việc nấu nướng để phục vụ bữa trưa cho người dân đi cách ly
"Buổi sáng, những người đi cách ly sẽ được Trung đoàn phục vụ nhiều món, thay đổi từng ngày. Hôm thì bánh mì, hôm thì mì quảng giò heo, hôm khác lại bánh canh chả cá... để người dân không cảm thấy ngán", Thượng tá Đậu Trọng Bơn chia sẻ.
Đến 8 giờ sáng, lực lượng phục vụ của Trung đoàn bắt đầu công việc nấu nướng phục vụ bữa trưa cho người đi cách ly. Một tiểu đội gồm 9 chiến sĩ và nhiều sĩ quan khác được giao nhiệm vụ quản việc nấu nướng.
Trung đoàn 812 phục vụ nhiều món, thay đổi từng ngày
Sau khi nấu xong là đến công đoạn chia nhỏ từng suất ăn cho từng người
Về 2 suất ăn chính, Trung đoàn 812 sẽ lên thực đơn từ 4-5 món, gồm: cơm, món mặn (cá kho, thịt kho...), canh, món xào, luộc và tráng miệng.
Đến khoảng 10 giờ sáng, tiểu đội bắt đầu chia suất ăn theo từng phần. Đến 10 giờ 45, xe chuyên dụng của Trung đoàn sẽ đưa suất ăn đến trước khu cách ly.
Khu cách ly cách nhà ăn của Trung đoàn khoảng 400m. Đặc biệt, người đi cách ly không ngồi ăn tập trung nên đến giờ ăn, Trung đoàn đưa đồ ăn tới trước khu cách ly, người đi cách ly ra lấy để đảm bảo công tác phòng dịch.
Trung đoàn đưa đồ ăn tới trước khu cách ly, người đi cách ly ra nhận suất cơm của mình
Khi phục vụ người dân xong, bộ đội mới ăn cơm. Sau đó, các chiến sĩ bắt đầu dọn rửa rồi đi nghỉ trưa. Đến khoảng 14 giờ, tiểu đội này sẽ tiếp tục công việc theo quy trình như buổi sáng để nấu bữa tối cho người dân đi cách ly.
Ngoài 3 bữa ăn hàng ngày, thời điểm 9 giờ sáng và 15 giờ chiều, Trung đoàn 812 còn bố trí bình nước nóng, mì tôm, miến gói... được vận động từ các mạnh thường quân, người đi cách ly ai đói sẽ tự chế biến ăn.
Suất ăn của bữa chính gồm 5 món, đầy đủ dưỡng chất
"Theo quy định, ca trực mỗi ngày chỉ có khoảng 15 chiến sĩ, nhưng thường thì cả hàng trăm người trong Trung đoàn tham gia phục vụ bà con. Chúng tôi hiểu được những khó khăn, vất vả và cả tâm trạng lo lắng của những người phải đi cách ly nên anh em trong Trung đoàn luôn quyết tâm cao. Người dân cũng như cha mẹ, anh em mình nên làm sao phải tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất kể cả về mặt tình cảm để người dân an tâm cách ly trong 21 ngày", Thượng tá Đậu Trọng Bơn bày tỏ.
Theo Sở Y tế tỉnh Bình Thuận, đến chiều 28-6, trong đợt dịch mới, địa phương đã ghi nhận 7 ca mắc Covid-19 và 6 trường hợp nghi mắc. Hiện 3 huyện thị của tỉnh Bình Thuận đã phải thực hiện giãn cách xã hội gồm: TP Phan Thiết, huyện Tuy Phong và huyện Hàm Thuận Bắc.