Như tin đã đưa, thông tin Bộ GD-ĐT đề xuất tăng học phí tất cả các bậc học từ năm học tới đã gây phản ứng trong dư luận.
Ngày 13-11, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết bộ đã có văn bản báo cáo Chính phủ đề xuất cho gia hạn thời gian áp dụng Nghị định số 86, giữ nguyên mức học phí hiện hành ở tất cả các cấp học đối với năm học 2021 - 2022.
Bộ GD-ĐT cho rằng, chính sách học phí và hỗ trợ chi phí học tập đang được thực hiện theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ học phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021. Do Nghị định số 86 chỉ có thời hạn hiệu lực đến hết năm học 2020 - 2021, nên để có căn cứ pháp lý cho các cơ sở GD-ĐT thực hiện từ năm học 2021 - 2022 và các năm tiếp theo, cần phải xây dựng nghị định thay thế.
Bên cạnh đó, quy định về học phí hiện nay đã thay đổi. Từ thời điểm 31-12-2016 trở về trước, học phí thuộc danh mục “phí” nên mức học phí còn thấp, ngân sách nhà nước vẫn hỗ trợ để bù đắp chi phí đào tạo đối với các cơ sở giáo dục công lập. Tuy nhiên, Luật Phí và lệ phí năm 2015 (có hiệu lực từ 1-1-2017) đã đưa học phí ra khỏi danh mục “phí” để chuyển sang thực hiện theo cơ chế “giá”. Căn cứ quy định tại luật Giá năm 2012, dịch vụ giáo dục, đào tạo thuộc danh mục nhà nước định giá, Chính phủ quy định giá dịch vụ giáo dục, đào tạo theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Luật Giáo dục 2019 cũng quy định học phí là khoản tiền người học phải nộp để chi trả một phần hoặc toàn bộ chi phí của dịch vụ giáo dục, đào tạo; Chính phủ quy định cơ chế thu và quản lý học phí. Do đó, bản chất học phí hiện nay là giá dịch vụ giáo dục và thực hiện theo cơ chế giá do Chính phủ hướng dẫn.
Thời hạn trình Chính phủ hồ sơ dự thảo nghị định thay thế Nghị định số 86 theo kế hoạch là tháng 12-2020. Bộ GD-ĐT đã dự thảo và đang lấy ý kiến góp ý từ các bộ, ngành, các địa phương, các cơ sở GD-ĐT và toàn xã hội để hoàn thiện dự thảo nghị định. Hiện dự thảo nghị định đã được đăng lên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ để xin ý kiến nhân dân. Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, việc xây dựng dự thảo nghị định thay thế Nghị định 86 là việc phải thực hiện để đảm bảo tính liên tục của quy định pháp luật. Quá trình xây dựng và đề xuất mức tăng học phí đã được tính toán dựa trên kế hoạch và các căn cứ hợp lý.
Tuy nhiên, hiện tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, đồng thời nước ta vừa trải qua nhiều đợt bão, lũ nghiêm trọng, để lại hậu quả nặng nề, ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của người dân. Trước phản ánh của dư luận khi Bộ GD-ĐT xin ý kiến về dự thảo nghị định, để chia sẻ và giảm gánh nặng về tài chính cho phụ huynh và học sinh, Bộ GD-ĐT đã có văn bản báo cáo Chính phủ và đề xuất xem xét, cho phép được gia hạn thời gian áp dụng Nghị định số 86 đối với năm học 2021 - 2022. Theo đó, mức học phí giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp áp dụng theo mức học phí của năm học 2020 - 2021 đã được quy định tại Nghị định số 86. Còn mức học phí mầm non, phổ thông áp dụng theo khung của năm học 2020 - 2021 và tiếp tục giao Hội đồng nhân dân cấp tỉnh căn cứ tình hình thực tế của địa phương để xem xét phê duyệt. Các chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và các quy định khác vẫn thực hiện theo quy định tại Nghị định số 86 và các văn bản liên quan đã ban hành.
Bộ GD-ĐT cũng xin lùi thời gian trình ban hành Nghị định sang năm 2021 để có điều kiện tiếp thu ý kiến rộng rãi của toàn xã hội và tiếp tục hoàn thiện dự thảo nghị định.
Năm học 2020 - 2021 hiện đang áp dụng mức học phí đã được quy định tại Nghị định số 86. Nếu đề xuất của Bộ GD-ĐT về việc lùi thời gian trình ban hành Nghị định thay thế được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thì 2 năm nữa mới áp dụng nghị định mới (từ năm học 2022 - 2023) và lộ trình tăng thêm hàng năm chỉ khoảng 2,5%/năm so với mức tăng hàng năm của Nghị định số 86 đã ban hành.