
Xuất phát từ Nghĩa trang liệt sĩ Biên Hòa vào ngày 3-2, sau 29 ngày, Nguyễn Tuấn Linh (29 tuổi) cán bộ Thành đoàn Biên Hòa đã bộ hành “Xuyên Việt ký tên ủng hộ nạn nhân chất độc da cam/dioxin” đến với người dân Huế vào sáng 3-3. Điểm cuối cùng, Linh đặt chân đến là đền Hùng (Phú Thọ) vào đúng ngày giỗ Tổ Hùng Vương, mùng 10-3 Âm lịch. Dự kiến hành trình kéo dài 61 ngày với quãng đường 1.900km.

Nguyễn Tuấn Linh quyết định đi bộ xuyên Việt để ủng hộ nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.
Với hành lý gồm lá cờ Tổ quốc, tập giấy tiếp nhận chữ ký của người dân ủng hộ nạn nhân chất độc da cam/dioxin để gửi Tòa án công lý quốc tế kiện 37 công ty hóa chất Mỹ sản xuất chất da cam mà quân đội Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh Việt Nam và 12 triệu đồng (Linh và bạn gái đã hoãn đám cưới đến năm 2010 để có kinh phí trang trải cho hành trình), Linh quyết định khởi hành. 29 ngày đi bộ một mình với quãng đường ngót nghét 1.000km, Linh đã phải ngủ võng ngoài rừng 4 đêm.
Đôi giày ba ta đã nhiều lần phải thay vì mòn đế, hai bàn chân từ chỗ cọ xát ứa máu sang chai sạm rồi sừng hóa. Vậy mà, khi nói chuyện với thầy và trò Trường THCS Nguyễn Chí Diểu (TP Huế), Linh vẫn thật thà: “Gian nan mà các bạn nhìn thấy từ thân thể tôi qua một nửa cuộc hành trình xuyên Việt không thể so sánh với những nỗi đau về thể xác và tinh thần mà hàng ngày, những đứa trẻ- nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đang quằn quại gánh chịu”.
Hơn 10 năm trước, tại quê hương của Linh, xã Thụy Dân, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình cũng như bao làng quê khác có “những đứa trẻ sinh ra tròn và đỏ như miếng thịt bò hay mắt lồi như con ếch, chân tay có màng như con vịt…”. Sau mỗi lần tiếp xúc, Linh luôn thấy xót xa. Linh tâm sự: “…Kết quả nghiên cứu khoa học về những đứa trẻ bất hạnh quê em và nỗi đau về thể xác, tinh thần của hàng ngàn đứa trẻ khác trên khắp quê hương Việt Nam là do bị nhiễm chất độc da cam/dioxin mà quân đội Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Bây giờ, thay vì xót thương, mình cần làm một việc gì đó thiết thực hơn để những người đại diện công lý quốc tế phán xử theo đúng lương tri, trả lại sự công bằng cho hơn 4 triệu nạn nhân Việt Nam bị nhiễm chất độc da cam/dioxin…”.
Buổi gặp gỡ và giao lưu giữa Linh và Hội Nạn nhân chất độc dacam/dioxin Thừa Thiên- Huế và thầy trò trường Nguyễn Chí Diểu tuy ngắn ngủi nhưng đầy cảm động. Thống kê cho thấy, qua 9 tỉnh và thành phố đã đi qua, Linh đã nhận được hơn 12.000 chữ ký ủng hộ nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.
Tin rằng việc làm của Linh sẽ đánh thức lương tri của những người đang cố tình lẩn tránh công lý, để mang lại sự công bằng cho những nạn nhân trên quê hương Việt Nam.
VŨ VĂN THẮNG