Bổ sung quy định về bị tước danh hiệu vinh dự nhà nước

Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đề nghị chỉnh lý điều 91 của dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) theo hướng bổ sung quy định trường hợp tổ chức, cá nhân bị hủy bỏ quyết định khen thưởng; quy định cụ thể hơn về các trường hợp cá nhân được tặng thưởng danh hiệu vinh dự nhà nước mà có hành vi vi phạm pháp luật bị tòa án tuyên có tội và bản án đã có hiệu lực pháp luật từ hình phạt tù có thời hạn trở lên thì bị tước danh hiệu vinh dự nhà nước. 
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày về dự án Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) tại một phiên họp của UBTVQH
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày về dự án Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) tại một phiên họp của UBTVQH

Theo báo cáo tại hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách về việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), UBTVQH cho biết, một số ý kiến ĐBQH đề nghị tiếp tục thực hiện khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến và khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích tham gia chiến tranh biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc.

Về vấn đề này, tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến như thể hiện tại khoản 1, điều 95 dự thảo Luật. Cũng tại điều 95, dự thảo Luật đã bổ sung hình thức khen thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” (xem box).

Đáng lưu ý, về một số ý kiến ĐBQH đề nghị bổ sung trường hợp đã được khen thưởng nhưng sau đó bị phát hiện vi phạm quy định của Nhà nước và bị xử lý kỷ luật từ hình thức khiển trách trở lên trong kỳ được xét khen thưởng thì phải bị hủy bỏ quyết định khen thưởng và bị thu hồi hiện vật và tiền thưởng.

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, để bảo đảm phù hợp với các quy định của pháp luật có liên quan, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tập thể được khen thưởng, UBTVQH đề nghị chỉnh lý điều 91 của dự thảo Luật theo hướng bổ sung quy định trường hợp tổ chức, cá nhân bị hủy bỏ quyết định khen thưởng; quy định cụ thể hơn về các trường hợp cá nhân được tặng thưởng danh hiệu vinh dự nhà nước mà có hành vi vi phạm pháp luật bị tòa án tuyên có tội và bản án đã có hiệu lực pháp luật từ hình phạt tù có thời hạn trở lên thì bị tước danh hiệu vinh dự nhà nước. Đồng thời, chỉnh lý quy định cụ thể về nội dung để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật về vấn đề xử lý vi phạm.

Điều 91Xử lý vi phạm về thi đua, khen thưởng

(...)

5. Cá nhân được tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước quy định tại các điều 58, 59 và 60 của Luật này mà phạm tội thuộc một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc phạm tội khác bị hình phạt tù chung thân, tử hình thì bị tước danh hiệu vinh dự nhà nước.

6. Cá nhân bị tước danh hiệu vinh dự nhà nước mà được Tòa án xét xử lại không thuộc quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều này thì được phục hồi và trao lại danh hiệu vinh dự nhà nước.

7. Pháp nhân thương mại được tặng thưởng danh hiệu vinh dự nhà nước mà phạm tội bị áp dụng hình phạt đình chỉ hoạt động vĩnh viễn thì bị tước danh hiệu vinh dự nhà nước. Pháp nhân thương mại bị tước danh hiệu vinh dự nhà nước mà được Tòa án xét xử lại không thuộc trường hợp quy định tước danh hiệu vinh dự nhà nước thì được phục hồi và trao lại danh hiệu vinh dự nhà nước.

8. Chủ tịch nước có thẩm quyền quyết định  tước, phục hồi và trao lại danh hiệu vinh dự nhà nước.

9. Chính phủ quy định chi tiết điểm d khoản 2 Điều này; thủ tục hủy bỏ quyết định tặng danh hiệu thi đua hoặc hình thức khen thưởng, thu hồi hiện vật và tiền thưởng; tước, phục hồi và trao lại danh hiệu vinh dự nhà nước.

Điều 95. Khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến

Kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, việc khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến được thực hiện như sau:

1. Nhà nước tiếp tục xem xét và thực hiện cho những cá nhân, tập thể, hộ gia đình, địa phương và cơ sở có công lao, thành tích trong các cuộc kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc theo quy định tại Nghị quyết số 06-NQ/TVQH ngày 29/8/1960 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về Điều lệ khen thưởng thành tích kháng chiến, Nghị quyết số 13/NQ-HĐNN7 ngày 28/8/1981 của Hội đồng Nhà nước quy định chế độ làm việc của Hội đồng Nhà nước trong việc xét duyệt và quyết định tặng thưởng huân chương, huy chương và danh hiệu vinh dự Nhà nước và Nghị quyết số 47-NQ/HĐNN ngày 29/9/1981 của Hội đồng Nhà nước ban hành Điều lệ khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

2. Thực hiện tặng và truy tặng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” đối với Thanh niên xung phong tham gia thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, có thời gian tại ngũ liên tục từ 02 năm trở lên, hoàn thành nhiệm vụ, trung thành với cách mạng.

Thanh niên xung phong hy sinh trong khi làm nhiệm vụ đã được công nhận liệt sĩ có thời gian tại ngũ 01 năm trở lên thì được truy tặng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”.

3. Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục quy định tại khoản 2 Điều này.

Trích dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi)

 

Tin cùng chuyên mục