Bộ Tài chính trình Chính phủ chi thêm 12.280 tỷ đồng để mua vaccine ngừa Covid-19 ​

Kết thúc phiên thảo luận kinh tế - xã hội tại diễn đàn Quốc hội ngày 25-7, đã có 39 đại biểu Quốc hội (ĐBQH) phát biểu, có 4 đại biểu tham gia tranh luận. Bộ trưởng các bộ đã tham gia phát biểu giải trình thêm một số vấn đề có liên quan.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, các ĐBQH đều cho rằng, kinh tế gặp khó khăn, GDP 6 tháng đầu năm thấp hơn mục tiêu nhưng đạt 5,64% là mức tăng trưởng tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát. Nhiều đại biểu đề nghị những tháng còn lại của năm 2021, việc phòng chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên hàng đầu. Chính phủ cần thực hiện tốt các giải pháp đề ra, khẩn trương, quyết liệt thực hiện hiệu quả chiến lược vaccine để kiểm soát dịch bệnh, cũng như tăng cường đàm phán để nhập khẩu chuyển giao công nghệ vaccine, đẩy mạnh nghiên cứu để sản xuất trong nước. Quyết liệt và có giải pháp phù hợp với tình hình ở từng địa phương, từng địa bàn để ngăn chặn đẩy lùi dịch bệnh, thực hiện kịp thời hiệu quả các gói hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp.

Về đề xuất một số biện pháp phòng chống dịch Covid-19, các ĐBQH đều thể hiện, Quốc hội và cá nhân mỗi ĐBQH luôn sẵn sàng đồng hành cùng với cả hệ thống chính trị từ Trung ương tới địa phương, với Chính phủ trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19. Các đại biểu cơ bản tán thành với nội dung và đề xuất một số biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 để đưa vào nghị quyết kỳ họp của Quốc hội, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho công tác phòng, chống dịch bệnh trong thời gian tới…

Đáng chú ý, giải trình thêm trong phiên thảo luận chiều 25-7, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, gói hỗ trợ mới về thuế, phí cho DN khó khăn vì Covid-19 ước tính khoảng 24.000 tỷ đồng đang được Bộ Tài chính nghiên cứu và sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ quyết định. Bộ Tài chính cũng đang trình với Chính phủ hoãn thực hiện Thông tư 40 về thuế cho đến ngày 1-1-2022 sẽ thực hiện.

Bộ Tài chính trình Chính phủ chi thêm 12.280 tỷ đồng để mua vaccine ngừa Covid-19 ​ ảnh 1 Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên. Ảnh: QUANG PHÚC

Về kinh phí mua vaccine ngừa Covid-19, hiện đã chi gần 8.200 tỷ đồng cho Bộ Y tế mua 2 loại vaccine, khoảng 91 triệu liều. Bộ Tài chính đang trình Chính phủ chi 12.280 tỷ đồng nữa để mua vaccine. Ngoài ra, bộ cũng chủ động xuất cấp nhiều loại hàng hoá từ Tổng cục Dự trữ quốc gia, dành cho công tác phòng, chống Covid-19.

Trong thời gian tới, để thực hiện về việc chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ thực hiện chủ trương là giảm 10% chi thường xuyên và giảm 50% các chi về hội họp, công tác phí, đi công tác nước ngoài.... Đồng thời nâng cao hiệu quả về đầu tư công, kể cả các dự án ODA. Cắt giảm những dự án không hiệu quả và các dự án vay ưu đãi. Quản lý tốt thị trường bảo hiểm, thị trường tiền tệ. Kết hợp rất tốt trong quá trình điều hành chính sách, tài khóa và chính sách tiền tệ một cách hợp lý. “Rất mong các bộ ngành và địa phương ủng hộ chủ trương này, chúng ta dồn kinh phí để chống dịch, còn nữa thì tập trung cho đầu tư phát triển”, Bộ trưởng Bộ Tài chính nói.

Còn theo Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, việc cung ứng hàng hóa thiết yếu cho nhân dân các tỉnh phía Nam, nhất là ở TPHCM trong vài ngày đầu giãn cách gặp khó khăn, thiếu hàng hoá cục bộ, đứt gãy chuỗi cung ứng, hệ thống phân phối bất cập, các chợ truyền thống, chợ đầu mối đều bị đóng cửa…. Đến nay, sau chỉ đạo thống nhất của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia và rút kinh nghiệm trong sự phối hợp giữa các bộ, ngành, tình hình cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa thiết yếu được cải thiện, cơ bản không còn hiện tượng thiếu hàng, người dân không còn đi mua hàng tích trữ, giá cả giữ ổn định, tuy vẫn còn hiện tượng tăng giá ở một số mặt hàng như rau quả.

Dự báo dịch có thể còn tiếp tục bùng phát kéo dài, gây khó khăn cho chuỗi sản xuất, cung ứng và phân phối, lưu thông hàng hóa thiết yếu và đứt gãy cả nguồn cung cấp lao động, Bộ Công thương đề nghị ngành nông nghiệp đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng lương thực, thực phẩm, nhất là tươi sống, rau củ, quả. Đề nghị các ngành, địa phương không đặt ra những điều kiện khác và áp dụng máy móc các quy định mà Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia cũng như Bộ Y tế đưa ra.

Mặc khác, các địa phương trong vùng dịch cần tiếp tục rà soát và khẩn trương hỗ trợ các doanh nghiệp phân phối hàng thiết yếu để có thể dự trữ ít nhất từ 10-15 ngày tương ứng với thời gian giãn cách, đồng thời chấn chỉnh khâu phân phối thông qua siêu thị, chợ truyền thống, chợ dân sinh và các chợ đầu mối.

Tin cùng chuyên mục