Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm: Sẽ tiếp tục phát triển lực lượng kỵ binh ​

Xung quanh dư luận về việc nghi lễ duyệt binh của Trung đoàn kỵ binh Cảnh sát cơ động tại quảng trường Ba Đình sáng 8-6 để lại một số hình ảnh gây lo ngại ngựa kỵ binh làm mất vệ sinh trên đường phố, chiều 8-6, bên hành lang phiên họp Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã trao đổi với phóng viên.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trao đổi với phóng viên
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trao đổi với phóng viên

Theo Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết, nhiều nước trên thế giới đã sử dụng lực lượng kỵ binh trong việc bảo đảm an ninh, giữ gìn trật tự. Trước đây, Việt Nam cũng đã có lực lượng kỵ binh nằm trong lực lượng công an vũ trang. Khi đó, kỵ binh được sử dụng cho việc tuần tra biên giới. Điều kiện khi đó, đường sá chưa có, các lực lượng phải dùng ngựa đi tuần. Ngựa có lợi thế là có thể đi bất kể địa hình nào, bất kể rừng núi, nơi có đường hay không.

Đại tướng Tô Lâm phân tích, thực tế, các nước hiện đại vẫn đang dùng ngựa vào nhiều hoạt động của lực lượng công an, thậm chí sử dụng trong thành phố, đô thị vì ngựa di chuyển ở các ngõ phố nhỏ rất tốt. “Sau nghiên cứu, được phép của Chính phủ, Bộ Công an đầu tư xây dựng Trung đoàn kỵ binh Cảnh sát cơ động từ việc giúp đỡ, hợp tác với nhiều nước đã phát triển kỵ binh. Số lượng ngựa đang được phát triển dần. Bộ sẽ tiếp tục nội địa hoá, sử dụng thêm các giống ngựa trong nước, ví dụ như ngựa Bắc Hà. Ngựa của đồng bào vùng núi, quen thuộc với địa bàn sẽ tiếp tục được phát triển, khai thác”.

Về định hướng hoạt động, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, kỵ binh sẽ được dùng trong bất kể công việc gì cần thiết, từ lễ tân nhà nước, các hoạt động nghi thức quốc gia, tới việc phòng chống tội phạm, tuần tra kiểm soát… Về việc nghi lễ duyệt binh của Trung đoàn kỵ binh Cảnh sát cơ động tại quảng trường Ba Đình sáng 8-6 để lại một số hình ảnh gây nghi ngại ngựa kỵ binh làm mất vệ sinh trên đường phố, Bộ trưởng Công an nhận định, đây không phải sự cố chưa lường trước.

Người đứng đầu ngành Công an cho biết, do đặc tính loài ngựa có ruột thẳng, ăn và tiêu hoá liên tục nên vấn đề đảm bảo vệ sinh khi khai thác, sử dụng ngựa sẽ được tính toán kỹ lưỡng. Ông dẫn chứng, kỵ binh của Hoàng gia Anh có thiết bị giữ vệ sinh cho ngựa, hứng chất thải ở dưới đuôi ngựa. Các đô thị hiện tại cũng không thiếu thiết bị để vệ sinh, hút, rửa chất thải vương vãi trên đường phố. Theo đó, Bộ trưởng khẳng định, việc này không ảnh hưởng nhiều vấn đề phát triển, sử dụng kỵ binh tại Việt Nam.

Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết, số lượng ngựa của đội kỵ binh Cảnh sát cơ động đang được phát triển dần. Tới đây, Bộ Công an dự kiến tiếp tục nội địa hóa, sử dụng thêm các giống ngựa trong nước…

Tin cùng chuyên mục