BOT Cai Lậy: Hơn 1 năm dừng thu phí lỗ 135 tỷ đồng

 Chiều 25-2, tại tỉnh Tiền Giang, Bộ GTVT phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, UBND tỉnh Tiền Giang họp báo về phương án tổ chức thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ tại trạm thu phí Cai Lậy.
BOT Cai Lậy: Hơn 1 năm dừng thu phí lỗ 135 tỷ đồng

Tại buổi họp báo, đại diện Bộ GTVT thông tin, dự án xây dựng công trình Quốc lộ 1 đoạn tránh thị trấn Cai Lậy và tăng cường mặt đường tỉnh Tiền Giang được đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT. Dự án bao gồm 26,5 km tăng cường nền, mặt đường; sửa chữa, gia cường công trình cầu; xây dựng bổ sung, khơi thông hệ thống thoát nước dọc trên Quốc lộ 1 hiện hữu và xây dựng mới 12km đường tránh thị xã Cai Lậy quy mô đường cấp III - đồng bằng với tổng mức đầu tư 1.398,18 tỷ đồng. Dự án được khởi công năm 2014 và hoàn thành năm 2017, nhà đầu tư tổ chức thu phí từ ngày 1-8-2017. Tuy nhiên, do có những diễn biến phức tạp, mất trật tự, an toàn giao thông tạm dừng thu phí.

Triển khai kết luận của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã làm việc với địa phương và các bộ liên quan, Bộ GTVT đưa ra 2 phương án, phương án 1 giữ nguyên vị trí trạm thu phí hiện nay, thực hiện giảm giá chung cho tất cả các phương tiện và mở rộng tối đa phạm vi giảm giá dịch vụ cho người dân khu vực lân cận trạm thu phí. Phương án 2, xây dựng thêm 1 trạm thu phí trên tuyến tránh, thu trên cả 2 trạm, phương tiện đi trên tuyến nào, doanh thu sẽ hoàn vốn cho tuyến đó; có mở rộng tối đa phạm vi giảm giá dịch vụ cho người dân khu vực lân cận trạm thu phí. Sau khi làm việc với các Bộ Công an, KH-ĐT, Tài chính, TT-TT, UBND tỉnh Tiền Giang và nhà đầu tư đều cho rằng phương án 1 là lựa chọn hợp lý, có nhiều ưu điểm hơn.

Trước đó, tại công văn số 100/TTg-CN ngày 20-12-2018 Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho triển khai phương án giữ nguyên Trạm thu phí Cai Lậy như hiện nay và thực hiện giảm giá vé. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phương án mới phải đảm bảo mục tiêu miễn, giảm giá vé cho nhân dân khu vực lân cận trạm thu phí; tổ chức phân luồng giao thông để đáp ứng yêu cầu chống ùn tắc, ô nhiễm môi trường trung tâm thị xã Cai Lậy; đảm bảo hài hoà lợi ích chung của người dân, nhà nước và nhà đầu tư. Theo đó, phương án do Bộ GTVT đưa ra với mức giá vé mới. Cụ thể, nhóm phương tiện loại một (xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn, các loại xe buýt) giảm xuống 15.000 đồng/lượt, giảm 58% so với mức trước đây là 35.000 đồng/lượt. Mức giá vé lượt, vé tháng và quý áp dụng cho các nhóm phương tiện khác cũng giảm từ 40 - 60% so với trước. Sau khi điều chỉnh phương án tài chính, thời gian thu phí của dự án là khoảng 15 năm 9 tháng, trong khi phương án thu phí trước đây chỉ hơn 6 năm.

 Tại buổi họp báo hàng loạt vấn đề bất cập liên quan đến trạm thu phí được các cơ quan báo chí chất vấn như: trạm thu phí đặt như hiện nay liệu có đúng quy định pháp luật, làm sao để kiểm soát doanh thu được công khai, minh bạch, công tác đảm bảo an ninh trật tự như thế nào khi triển khai thu phí trở lại…

Giải thích những vấn đề này, ông Phạm Văn Cường, Phó Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang cho biết, sau một năm dừng thu phí, thiệt hại khoảng 130 tỷ đồng, gồm tiền lãi vay ngân hàng, bảo dưỡng, bảo vệ... Về việc đặt trạm thu phí Cai Lậy thực hiện đúng các thủ tục pháp lý. Cụ thể, vào thời điểm tháng 10-2013, Bộ GTVT đã có các văn bản gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân và UBND tỉnh Tiền Giang xin thống nhất chủ trương vị trí đặt trạm để có cơ sở hoàn vốn cho dự án. Sau đó vào các ngày 4-11 đến 6-11-2013, Đoàn Đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân và UBND tỉnh Tiền Giang có các văn bản thống nhất ý kiến của Bộ GTVT về vị trí đặt trạm trên Quốc lộ 1 (Km1999+900 xã Phú An, thị xã Cai Lậy). Sau khi đồng thuận từ phía địa phương, ngày 11-11-2013 Thủ tướng Chính phủ ra văn bản gửi Bộ GTVT đồng ý chủ trương xây dựng tuyến trành Quốc lộ 1 qua thị xã Cai Lậy bằng hình thức BOT.
Về phương diện đầu tư, ông Cường cho biết, khu vực này là điểm đen giao thông vì luôn ùn tắc và tai nạn giao thông rất nhiều mà chưa có phương án khắc phục. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 1.200 tỷ đồng bao gồm các chi phí giải phóng mặt bằng, xây lắp, lãi vay ngân hàng và chi phí dự phòng. Trong đó, đầu tư tuyến tránh hơn 700 tỷ đồng, sửa chữa tăng cường mặt đường và tăng cường nâng cấp cầu trên Quốc lộ 1 là gần 400 tỷ đồng. Nếu đặt trạm thu phí trên tuyến tránh với cự ly 2 cung đường không chênh lệch nhiều thì sẽ không có xe nào chịu lưu thông qua tuyến tránh để đóng phí dẫn tới ý nghĩa của tuyến tránh sẽ không còn và áp lực giao thông vẫn dồn lên thị xã Cai Lậy. Hơn nữa nếu đặt trạm thu phí trên tuyến tránh thì phương án hoàn vốn trên 20 năm. Với nguồn vốn vay trung hạn của các ngân hàng là bất khả thi vì không ngân hàng nào cho vay với thời hạn dài như vậy và đồng nghĩa dự án không thực hiện được.
Vì các lý do trên, sau khi các cơ quan Nhà nước như Bộ GTVT, Bộ TC, Đoàn Đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân và UBND tỉnh Tiền Giang cho phép vị trí đặt trạm thu phí trên Quốc lộ 1 nhằm rút ngắn thời hạn thu phí, hoàn vốn còn 6 năm 4 tháng để nhà đầu tư có cơ sở thực hiện dự án. "Nếu tài xế tiếp tục phản ứng thì chúng tôi xả trạm, đưa tiền lẻ thì có làn riêng, còn xảy ra kẹt xe thì chúng tôi năn nỉ họ chứ không có phương án nào khác", chủ đầu tư cho biết.

Tại buổi họp báo, Thứ Trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho rằng, để nhà đầu sớm triển khai thu phí trở lại, bộ sẽ rà soát, cập nhật, xử lý dứt điểm các vấn đề còn bất cập như sữa chữa nâng cấp lại một số đoạn, mở rộng trạm thu phí, phân luồng… Tóm lại, xử lý tất cả ý kiến như nhà đầu tư cần gì, Bộ GTVT phải làm gì, tỉnh phải làm gì để triển khai thu phí. Bộ GT phối hợp cùng nhà đầu tư xử lý tất cả các vấn đề liên quan trước khi thu phí trở lại. Thời gian tới bộ sẽ đẩy nhanh thu phí không dừng, phầm mềm kiểm soát thu phí, phần mềm quản lý giám sát doanh số, kiểm soát doanh thu hàng ngày… nhằm công khai minh bạch ở tất cả các dự án BOT.

Tin cùng chuyên mục