Bức tường đen... biết nói

Bức tường đen... biết nói

Tôi đã tới thăm nhiều đài tưởng niệm ở Washington DC, nhưng dừng lại lâu nhất ở Đài tưởng niệm chiến tranh Việt Nam. Giữa tháng năm, trời nắng đẹp, nhưng bước vào khu tưởng niệm này ta bỗng thấy lạnh lùng do kiến trúc độc đáo, gây ấn tượng mạnh của các phiến đá hoa cương đen đem đến từ vùng Bangalore, Ấn Độ.

Trên diện tích 8.100m², 72 tấm đá hoa cương đen, tổng cộng dài 150m, được xếp thành bức tường hình chữ V từ thấp (20cm) đến cao dần, tới lút đầu người (3m) sau đó lại dần dần thoải xuống. Bức tường đó là một tấm gương đen phản chiếu lấp loáng hình bóng con người, trên nó khắc chi chít tên của những lính Mỹ đã chết hoặc mất tích trong chiến tranh Việt Nam. Tổng số là 58.260 người, trong đó có 1.200 người mất tích.

Một cựu binh Mỹ bên bức tường ghi danh lính Mỹ tử trận trong chiến tranh Việt Nam.

Một cựu binh Mỹ bên bức tường ghi danh lính Mỹ tử trận trong chiến tranh Việt Nam.

Tại thủ đô cường quốc số một thế giới, nơi các cuộc chiến tranh được mọi người tưởng nhớ như những chiến thắng oanh liệt thì ngược lại, bức tường đen kia như một dấu ấn nghiệt ngã, khắc họa vào ký ức con người như một vết nhơ không gì tẩy gột nổi về một cuộc chiến kết thúc tồi tệ nhất trong lịch sử Hoa Kỳ ở một nơi xa xôi cách nước Mỹ hàng ngàn dặm. Nơi đó mang tên gọi Việt Nam.

Tôi ngước nhìn lên trên thấy toàn tên và họ, đưa mắt xuống dưới lại thấy họ và tên, bên phải, bên trái, đằng trước, đằng sau và phía xa kia nữa đầy chặt những tên người, bất giác rùng mình, ớn lạnh. Mỗi một cái tên là một đời người ngắn ngủi…

Tôi thấy rất nhiều người đến đây, gồm người lớn, trẻ con, những đoàn học sinh mang vòng hoa ghi tên trường mình đến viếng. Người Mỹ, người ngoại quốc, khách du lịch, tất cả đều như tôi, lặng lẽ ngước nhìn những họ tên và bước từng bước một dọc theo bức tường dài. Có những người đang tìm tên người thân để đặt ảnh và hoa bên dưới, có người dùng bút chì chà lên giấy để lấy mẫu tên khắc trên mặt đá. Còn tôi lấy tay chạm vào những cái tên và tự hỏi chiến tranh có cần thiết cho nhân loại hay không, phải chăng trong số những người này ai đã nã đạn vào anh tôi, vào bác tôi, vào các bạn tôi…, ai đã dội bom xuống Hà Nội và các tỉnh miền Bắc Việt Nam, ai đã rải chất độc da cam dioxin, bom napan xuống miền Nam Việt Nam? Ai đã bắn vào người Việt Nam ở bên kia bờ biển Thái Bình Dương, vào đồng loại cùng sống chung trên hành tinh trái đất? Ai đã gây ra cuộc chiến đáng nguyền rủa này?

Ở đây trên tấm gương đen bằng đá hoa cương phản chiếu rõ bóng hình con người, thiên nhiên cây cỏ xung quanh và cả tháp bút tưởng niệm Washington xa xa kia nữa. Bất giác trong đầu tôi vang lên: “Tất cả con người sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc…”. Đó là những lời mở đầu trong bản Tuyên ngôn độc lập của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Và thật trớ trêu thay! Nó chẳng ăn nhập gì với 58.260 cái tên được khắc trên bức tường này mà trước khi chưa có cuộc chiến Việt Nam, 58.260 cái tên đó là những con người hiển hiện, họ cũng có quyền được sống và mưu cầu hạnh phúc như ai. Ai đã đẩy họ vào chiến tranh, cắt ngang cuộc đời họ, để hôm nay họ vĩnh viễn là những oan hồn?

Cuộc chiến tranh Việt Nam kéo dài 20 năm, qua năm đời tổng thống: Eisenhower, Kennedy, Johnson, Nixon, Ford. Đó là cuộc chiến kéo dài nhất, tốn kém nhất của nước Mỹ và vì nó mà nước Mỹ mất đi uy tín về đạo đức, về danh dự trong lịch sử loài người. Tướng Taylor, một nhà chiến lược quân sự Mỹ, đã nói: “Trong suốt cuộc chiến này người Mỹ chúng ta chẳng có một anh hùng nào cả, chúng ta chỉ là một lũ ngốc mà thôi. Giá như người Mỹ sớm nhận thức ra điều này...”.

Tại Quảng trường quốc gia Washington DC, tất cả các đài tưởng niệm đều màu trắng, có hình dáng cao vút lên trời tượng trưng cho sức mạnh và lòng tự hào thì bức tường dài màu đen, nằm cắt ngang của Đài tưởng niệm chiến tranh Việt Nam như nhắc nhở với dân tộc Mỹ về một thất bại đắng cay, về một trang sử đen tối của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Phải chăng đó là vết cắt màu đen của sự hổ thẹn và ân hận giữa lòng thủ đô nước Mỹ?

Tôi đã đi hết 150m chiều dài của bức tường đen, nhưng trong tôi không bao giờ hết những cảm xúc về sự tàn khốc của chiến tranh và hậu quả để lại của nó. Tôi có cảm giác bức tường tưởng niệm này biết nói, nói bằng ngôn ngữ riêng, thì thầm với từng người như nhắn nhủ, rằng chiến tranh là khủng khiếp, bẩn thỉu, là do một nhóm cá nhân cầm quyền nghĩ ra hòng kiếm lời dưới những chiêu bài bịp bợm, nhân danh “bảo vệ thế giới tự do, ngăn chặn nguy cơ lan rộng của chủ nghĩa cộng sản” để đẩy hàng ngàn, hàng vạn thanh niên lao vào chỗ tiêu diệt đồng loại.

Chính vì thế mà bức tường đã thu hút hàng năm 3 triệu lượt người tới thăm và để lại trong lòng họ ký ức không phai về một cuộc chiến lẽ ra không nên có trong lịch sử Hoa Kỳ.

Ai đến đây cũng nhìn thấy hình bóng của chính mình phản chiếu trên bức tường đen, sau những họ tên, nhận thức ra trách nhiệm của người đang còn sống là phải luôn tranh đấu không ngừng để loại trừ vĩnh viễn chiến tranh ra khỏi hành tinh.

Nhật Quang

Tin cùng chuyên mục