2 sào ruộng được cấp 18 sổ đỏ
Hơn 4 tháng nay, ông Nguyễn Văn Thanh đứng ngồi không yên, ông kể: “Nhà tôi chỉ có 2 sào (2.000m2) đất ruộng, nhưng được cấp đến 18 sổ đỏ. Sổ diện tích ít nhất là 40m2, sổ diện tích nhiều nhất là 250m2. Việc cấp nhiều sổ đỏ như thế này rất bất tiện trong quản lý đất đai. Không những thế, giá trị thửa ruộng cũng sẽ bị giảm đi rất nhiều. Giờ đây, khi tôi cần tiền vay vốn ngân hàng sẽ gặp không ít khó khăn”.
Tương tự, nhà anh A Nglưng có 7.000m2 đất trồng lúa, nhưng được cấp đến 9 sổ đỏ. Điều đáng nói là khu đất này liền thửa không hề bị chia cắt.
A Nglưng thở dài: “Bây giờ nhìn tập sổ đỏ này không biết được diện tích nào thuộc sổ nào trong đám ruộng. Nếu mình muốn bán một ít cho người khác, không biết làm sao?”.
Cũng cầm một tập sổ đỏ, chị Y Byưt phân trần: “Mình có biết gì đâu, khi thấy UBND xã phát sổ đỏ, mình cầm về. Không hiểu sao, nhà chỉ có một khu ruộng mấy sào mà lại cấp nhiều bìa đỏ như vậy”.
Có hàng chục hộ ở xã Hòa Bình gặp cảnh trớ trêu này. Anh A Giáo, Trưởng thôn Kép Ram, nói: “Mình chưa thống kê trong làng có bao nhiêu hộ, nhưng thấy ai cũng kêu. Hộ A Nghít được cấp 15 sổ đỏ, hộ A Blảo được cấp 10 sổ đỏ, hộ A Bưnh được cấp 12 sổ đỏ... Hầu như cả làng mình đều bị như vậy, nhưng nhiều hộ trong làng chưa nhận hết sổ. Ngay cả nhà mình có 8 sào mà cũng được cấp đến 3 sổ đỏ”.
Lỗi thuộc về ai?
Ông Nguyễn Gia Minh Tuệ, cán bộ địa chính xã Hòa Bình, xác nhận: “Đầu tháng 6-2017, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP Kon Tum đã cấp cho xã Hòa Bình 1.109 sổ đỏ. Đến thời điểm này (đầu tháng 11-2017), bộ phận địa chính xã Hòa Bình đã phát được 729 bìa. Trong đó, khoảng 80% diện tích đất trồng lúa lâu năm ở địa phương bị cấp sổ đỏ theo dạng, một khu đất bị chia nhỏ thành nhiều sổ đỏ”.
Nói về những băn khoăn, bức xúc của người dân địa phương, ông Phạm Phước, Chủ tịch UBND xã Hòa Bình, cho biết: “Bắt đầu từ năm 2009, theo chỉ đạo của Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Kon Tum, Công ty TNHH MTV Địa chính Bình Nguyên đến xã thẩm tra, đo đạc để tiến hành cấp mới và cấp đổi cho các hộ dân có diện tích đất trồng lúa lâu năm. Đến tháng 6-2017, xã đã nhận được 1.109 bìa đỏ từ Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP Kon Tum để cấp phát cho bà con trong xã. Ghi nhận những bức xúc của dân, chúng tôi đã kiến nghị lên cấp trên, đề nghị hợp thửa để thuận tiện hơn trong công tác quản lý, sử dụng. Nhưng đến nay, chúng tôi vẫn chưa nhận được ý kiến chỉ đạo của các cấp, các ngành liên quan về tình trạng này”.
Trả lời về việc này, ông Đinh Xuân Tâm, Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP Kon Tum, giải thích: “Việc một khu đất cấp nhiều sổ đỏ là có thật, nhưng không thể phân định lỗi thuộc về bên nào. Vì khi Công ty Bình Nguyên xuống đo đạc, thẩm tra hồ sơ địa chính tại xã, chính bà con đã ký vào những tờ đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Chúng tôi chỉ dựa vào đơn mà cấp bìa. Khi làm thủ tục đo đạc, Công ty Bình Nguyên cũng không giải thích rõ ràng cho bà con hiểu về vấn đề này, từ đó dẫn đến việc có quá nhiều giấy chứng nhận trên một khu đất. Để khắc phục tình trạng này, chúng tôi đang triển khai cho các xã hướng dẫn bà con cách hợp thửa, đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo nhu cầu. Chi phí trong trường hợp này là 125.000 đồng/lần hợp thửa”.