
* Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Tấn Bỉnh: Sẽ giám sát 100% số cơ sở sản xuất
Sau 2 ngày Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn về tiêu dùng (CESCON) thuộc Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam công bố kết quả khảo sát nhanh việc sử dụng (Tinopal) trong sản xuất thực phẩm tại địa bàn TPHCM, tâm lý của người tiêu dùng đã bị tác động mạnh.
Sức mua giảm đáng kể
Một số cửa hàng chuyên bán bún tươi gần khu vực chợ Văn Thánh cũ, khu dân cư hẻm Đống Đa (quận Bình Thạnh) và một số tiểu thương chợ Vườn Chuối cho biết, sức mua đã giảm 30% so với trước đây.

Bún tươi, bánh ướt không rõ nguồn gốc bán tại một chợ truyền thống trên địa bàn quận 10. Ảnh: THI HỒNG
Theo đó, tại nhiều cửa hàng bán bún chả tại quận 1, quận 3,… thực khách cũng rất thưa thớt. Cô Hoa, chủ tiệm bún chả Hà Nội, đường Phan Đăng Lưu, quận Bình Thạnh, cho biết, những ngày gần đây lượng khách hàng đến ăn bún hoặc đặt qua điện thoại đã giảm tới 40%.
Cô Hoa cho biết: “Ngay từ khi mở quán ăn, tôi đã lựa chọn rất kỹ về nguyên liệu để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm như bún phải có mùi hơi chua, không có độ bóng và sáng dưới ánh đèn, sợi bún không quá dai, nhưng vẫn không giữ được lượng khách hàng quen khi họ đang muốn tẩy chay đối với mặt hàng này. Thật khổ, khi hàng hóa không đảm bảo chất lượng thì ngay cả những người kinh doanh chân chính cũng bị ảnh hưởng!”.
Theo khuyến cáo của CESCON, khi mua các sản phẩm bún tươi có thể dùng đèn cực tím như đèn soi tiền chiếu vào, nếu thấy bún phát sáng thì có nhiễm chất Tinopal. Cần chú ý quan sát khi mua, nếu thấy thực phẩm có màu trắng bất thường thì không nên mua. Không nên mua các thực phẩm không có nguồn gốc rõ ràng, không nhãn hiệu, bao bì, không địa chỉ, tên của nhà sản xuất, cơ sở chế biến, không có hạn sử dụng… Nên chọn các loại bún có thương hiệu như bún Thủ Đức, bún Thanh Hương… được đóng gói trong bao bì, có ghi nơi sản xuất, ngày sản xuất. Nếu có điều kiện hãy tự chế biến để đảm bảo an toàn cho mình và gia đình
Tăng giám sát tại các chợ, siêu thị
Ghi nhận vào sáng 24-7, nhiều chợ truyền thống, quán ăn vỉa hè trên địa bàn TPHCM như Bình Tây (quận 6), Hồ Thị Kỷ (quận 10), chợ Vườn Chuối (quận 3)… vẫn bán tràn ngập các loại bún, bánh ướt không rõ nguồn gốc, xuất xứ, mặc dù trước đó, Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn về tiêu dùng (CESCON) đã thông tin nhiều mẫu bún, bánh ướt… bán tại TPHCM nhiễm độc chất Tinopal.

Người tiêu dùng khó lòng lựa chọn thực phẩm sạch.
Trao đổi với PV Báo SGGP vào chiều 24-7, ông Phan Hoàn Kiếm, Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TPHCM, cho biết Chi cục QLTT đang phối hợp với các cơ quan chức năng liên ngành kiểm tra, giám sát chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm đối với thực phẩm tươi sống bán tại chợ, siêu thị. Tuy vậy, QLTT chỉ là đơn vị phối hợp, việc chủ động kiểm tra vẫn là Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.
Bà Phan Thị Việt Thu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TPHCM, lo ngại, nếu không ngăn chặn hoặc có biện pháp xử lý đích đáng vấn nạn thực phẩm độc hại, trong tương lai không xa chúng ta sẽ phải gánh chịu hậu quả nặng nề. Thực tế hiện nay, không hiếm những căn bệnh lạ, bệnh quái ác có liên quan đến các hóa chất độc hại mà người tiêu dùng đang hấp thụ mỗi ngày.
THI HỒNG - THÚY HẢI
* Sáng 24-7, Chi cục Thú y quận Tân Phú phối hợp cùng cảnh sát kinh tế thanh tra cơ sở chuyên kinh doanh chà bông trên đường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú phát hiện hàng trăm ký ẩm mốc và một số loại phụ phẩm có thể gây nguy hại đến sức khỏe. Tại đây, lực lượng chức năng đã phát hiện 490kg chà bông bẩn được xác định của ông Phùng Văn Tư (44 tuổi, ngụ Tân Phú) làm chủ, sau đó đã niêm phong và tịch thu toàn bộ lô hàng trên. Đến 11 giờ 30, số chà bông trên đã được đưa đến khu hỏa táng Bình Hưng Hòa để tiêu hủy. NHÓM PV |
- Thông tin liên quan: