Bước lên cùng nhau

Tầm quan trọng của sức khỏe tinh thần đến đời sống cá nhân là điều ai cũng nhận thấy, nhưng để sẻ chia và tìm giải pháp hỗ trợ tinh thần, nhất là với trẻ em, càng không dễ dàng. Từ những thấu hiểu và yêu thương, một nhóm bạn trẻ đã thành lập doanh nghiệp xã hội, góp phần xoa dịu khúc mắc tinh thần các em nhỏ.
SUT tổ chức bán hàng gây quỹ để duy trì hoạt động
SUT tổ chức bán hàng gây quỹ để duy trì hoạt động

Thấu hiểu để yêu thương

Biết đến Bước Lên Cùng Nhau (Step Up Together - SUT) qua fanpage, chị N.T.K.C. (38 tuổi, ngụ quận 8, TPHCM) nhắn tin để kết nối như cách “cầu may” khi con thứ 2 của anh chị được chẩn đoán tự kỷ. Chị K.C. kể: “Bệnh này đâu phải như cảm sốt hay nhức đầu thường thấy, thành ra hàng xóm xung quanh thấy lạ cứ hỏi, làm mình cũng ngại không dám cho con ra ngoài. Thấy bài viết giới thiệu trên fanpage có trường hợp như con gái tôi, nên tôi nhắn tin thử”.

Gần một năm kiên trì theo hướng dẫn và sự đồng hành từ SUT, tình trạng con gái chị K.C. ổn định hơn, bé nhanh nhẹn hơn một chút. Nghe con trẻ gọi ba gọi mẹ, vỏn vẹn chỉ có vậy nhưng đó là cả niềm vui lớn, chị K.C. mừng rơi nước mắt.

“Con mình sao không thương cho được, nghe gọi một tiếng mẹ thôi mà tôi với ông xã xúc động. Chậm cũng không sao, tôi tin từ từ con sẽ được cải thiện tốt hơn, cả nhà bây giờ cũng chủ động với con theo hướng dẫn từ các bạn hỗ trợ, bản thân tôi cũng hiểu con hơn và cũng không còn sợ hàng xóm xung quanh xì xầm khi biết con mình mắc chứng tự kỷ”, chị K.C. chia sẻ.

Nói về lý do thành lập SUT, Võ Thị Kim Hậu (thành viên đồng sáng lập và hiện là Giám đốc SUT) chia sẻ: “Sau khi tham gia dự án Hỗ trợ phụ huynh có con mắc hội chứng rối loạn phổ tự kỷ tại cộng đồng do nhóm Công tác xã hội Happier thuộc Khoa Tâm Lý - Bệnh viện Nhi đồng 1 thực hiện vào giai đoạn 2016-2017, tôi cảm thấy được truyền cảm hứng về công tác hỗ trợ cho trẻ, cha mẹ và gia đình. Sau khi dự án kết thúc, tôi và các bạn vẫn duy trì hoạt động và đến ngày 20-7-2022 thì thành lập Công ty TNHH Bước Lên Cùng Nhau để hoạt động được mở rộng và bài bản hơn”.

Lợi ích nhân văn

Hiện tại, SUT cung cấp những dịch vụ hỗ trợ dành cho cha mẹ muốn đồng hành với con, bao gồm: nhóm trẻ em khuyết tật, trẻ rối loạn phát triển thần kinh (trong đó có trẻ rối loạn phổ tự kỷ, trẻ rối loạn phát triển ngôn ngữ)… Các trường hợp SUT tiếp nhận dựa trên vấn đề, nhu cầu, khả năng, hoàn cảnh của trẻ và cha mẹ. Phần lớn các chuyên viên của SUT đều là người tốt nghiệp ngành công tác xã hội.

Với vai trò là một nhân viên xã hội, các thành viên SUT tham gia học thêm nâng cao năng lực qua các khóa học về âm ngữ trị liệu, can thiệp trẻ đặc biệt, quyền trẻ em, bình đẳng giới... để có thể hỗ trợ trẻ, cha mẹ, gia đình trong nhiều tình huống và hoàn cảnh. Đi từ một nhóm hoạt động đến doanh nghiệp xã hội là một nỗ lực không dễ dàng, duy trì được điều này trong tương lai càng là thử thách hơn, bởi bài toán kinh tế buộc mọi người phải cân nhắc nhiều thứ.

Các thành viên của SUT quan niệm, khi mình làm tốt nhất thì trời sẽ giúp mình (trời ở đây là các yếu tố từ môi trường), nên khó khăn chỉ là thử thách. Thử thách lớn nhất là SUT phải chọn lựa giữa lợi nhuận đơn thuần hay lợi ích nhân văn? Và cuối cùng, SUT lựa chọn đi con đường bền vững hơn, đó là lợi ích nhân văn, có một chút lợi ích nhỏ, nhưng có thể giúp cha mẹ có hành trình hỗ trợ dài hơn, chất lượng tốt hơn.

Những vấn đề về sức khỏe tinh thần luôn cần thời gian để điều trị, yêu thương từ những thấu hiểu của người trẻ dành cho người trẻ, hy vọng phần nào xoa dịu được những điều chưa trọn vẹn trong hành trình nhân sinh này.

Đối với trường hợp là trẻ rối loạn phát triển thần kinh, trong tiến trình hỗ trợ, SUT thực hiện theo mô hình 5 bước: Bước 1, tiếp nhận và hỗ trợ cha mẹ đánh giá sàng lọc cho trẻ, dựa trên kết quả sàng lọc sẽ hướng dẫn cha mẹ đến các bệnh viện có chức năng chuyên môn để có được chẩn đoán xác định từ bác sĩ và các chuyên gia (quá trình này hoàn toàn miễn phí); bước 2, tham vấn gia đình (khi bác sĩ đưa ra kết quả cùng với những hướng dẫn, SUT sẽ hỗ trợ nâng đỡ tâm lý giúp cha mẹ vượt qua rào cản khi đối diện với tình trạng của trẻ); bước 3, cung cấp dịch vụ hỗ trợ cha mẹ đồng hành với con, thực hiện hỗ trợ cha mẹ tại nhà hoặc tại không gian SUT Hub (trong trường hợp gia đình chưa có không gian phù hợp cho việc can thiệp hành vi của trẻ), hỗ trợ cha mẹ thực hiện theo kế hoạch đã được thống nhất; bước 4, hướng dẫn cha mẹ tiến hành đánh giá, theo định kỳ để có thể nắm bắt, theo dõi được sự tiến bộ của trẻ; bước 5, kết thúc/chuyển gửi (SUT kết thúc hỗ trợ sau khi cha mẹ đã đạt được mong muốn theo yêu cầu, trong trường hợp cha mẹ và gia đình muốn hỗ trợ thêm, SUT sẵn sàng hỗ trợ tiếp tục hoặc giới thiệu các đơn vị khác phù hợp hơn với yêu cầu/giai đoạn mới của trẻ và gia đình).

Tin cùng chuyên mục