Ca mắc mới giảm nhưng không được sai lầm do chủ quan

Nhận định tình hình dịch tại Việt Nam, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cho rằng, trong 2 tuần qua, số ca mắc Covid-19 đã tăng gấp đôi. Trong cùng thời gian đó số ca mắc trên thế giới đã tăng gần 4 lần. Việt Nam hiện chưa có ca tử vong nào trong khi trên thế giới trong 2 tuần qua, con số tử vong do Covid-19 đã tăng lên gần 5 lần.
Thường trưc Chính phủ họp chiều 6-4, ảnh VGP
Thường trưc Chính phủ họp chiều 6-4, ảnh VGP

Chiều 6-4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp trực tuyến giữa Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19.

Với chính sách cách ly xã hội, số mắc ở Việt Nam sẽ tăng không cao

Báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cho biết, đến đầu giờ chiều ngày 6-4, Việt Nam ghi nhận 241 trường hợp mắc Covid-19 với 150 người từ ổ dịch nước ngoài (chiếm 62,2% số người mắc, trong đó 105 người bị đưa vào cách ly ngay sau xét nghiệm dương tính với virus SARS-COV-2) và 91 người lây nhiễm thứ phát (trong đó có 61 người thuộc ổ dịch nội địa).

Việt Nam có 91/241 trường hợp đã khỏi bệnh; 150 bệnh nhân đang được điều trị tại các cơ sở khám, chữa bệnh; 2 bệnh nhân nguy kịch (số 20, 161) được điều trị tích cực tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (trong đó bệnh nhân số 20 có cải thiện sức khoẻ, đã kết thúc ECMO); 4 bệnh nhân nặng đang có tiến triển tốt; 3 bệnh nhân có tiên lượng nặng lên; 58 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính từ 1 lần trở lên (bao gồm 24 trường hợp âm tính từ 2 lần).

Thống kê trong số 150 trường hợp đang điều trị cho thấy độ tuổi của các bệnh nhân từ 10 đến 88, trung bình là 34 tuổi; 40% là nam, 60% là nữ. Về quốc tịch có 123 bệnh nhân Việt Nam và 27 bệnh nhân nước ngoài, nhiều nhất là Anh (11), Brazil (6), Pháp (3). Chỉ 14 bệnh nhân có bệnh nền, trong đó tăng huyết áp là 7, ung thư là 3, còn lại là các bệnh khác.

Ca mắc mới giảm nhưng không được sai lầm do chủ quan ảnh 1 Thủ tướng chủ trì họp Thường trực Chính phủ chiều  ngày 6-4

Liên quan đến chùm ca bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai, hiện có 3.237 người trong bệnh viện, trong đó có 2.196 nhân viên, 775 bệnh nhân, 266 người nhà bệnh nhân. Tính đến 5-4-2020, đã thực hiện 8.683 xét nghiệm virus SARS-CoV-2, trong đó có 8.652 mẫu âm tính, 22 mẫu dương tính đã công bố chủ yếu từ công ty Trường sinh. Đã thực hiện rà soát 52.239 người, trong số này đã tiến hành cách ly 26.579 người, lấy mẫu xét nghiệm 14.656 người, 5.820 mẫu âm tính, số còn lại đang chờ kết quả. Các địa phương đã thực hiện việc cách ly và kiểm soát hết người đến bệnh viện Bạch Mai.

Liên quan đến chùm ca bệnh tại quán Buddha, TPHCM, Ban chỉ đạo cho hay đã thực hiện lấy mẫu xét nghiệm 4.397 người (255 người đến quán Buddha và 4.142 người có tiếp xúc gần với các trường hợp dương tính), trong đó có 18 trường hợp dương tính. Đến nay đang tổ chức cách ly, theo dõi 222 người liên quan có tiếp xúc gần với các trường hợp dương tính, 436 người được kết thúc thời gian theo dõi, cách ly và không có biểu hiện mắc bệnh.

Nhận định tình hình dịch tại Việt Nam, Ban chỉ đạo cho rằng, trong 2 tuần qua, số ca mắc Covid-19 đã tăng gấp đôi. Trong cùng thời gian đó số ca mắc trên thế giới đã tăng gần 4 lần. Việt Nam hiện chưa có ca tử vong nào trong khi trên thế giới trong 2 tuần qua, con số tử vong do Covid-19 đã tăng lên gần 5 lần.

Hiện Việt Nam có số mắc đứng thứ 98 trong số 210 các quốc gia và vùng lãnh thổ đã ghi nhận trường hợp mắc Covid-19. Phần lớn các trường hợp mắc ghi nhận tại Việt Nam là trường hợp xâm nhập từ nước ngoài với 62,9%, trong đó có 77,5% trường hợp đã được cách ly ngay sau khi nhập cảnh và 22,5% trường hợp xâm nhập được phát hiện tại cộng đồng. Việt Nam đang kiểm soát tốt tình hình dịch với việc thực hiện triệt để các biện pháp cách ly, quản lý các trường hợp từ nước ngoài trở về, các trường hợp tiếp xúc vòng 1, vòng 2 và áp dụng biện pháp cách ly xã hội. Dự báo trong thời gian tới có thể xuất hiện một số trường hợp mắc nhưng có chính sách cách ly toàn xã hội, số mắc ở Việt Nam sẽ tăng không cao.

Ban chỉ đạo đã tiếp tục chỉ đạo việc mở rộng xét nghiệm đối với các địa phương, đặc biệt 2 thành phố lớn (Hà Nội, TPHCM); chính sách huy động tư nhân tham gia xét nghiệm.

Đến nay, đã ký hợp đồng 36,15 triệu chiếc khẩu trang y tế (đã cấp 3,26 triệu); 268.500 khẩu trang N95 (đã cấp 26.300), 174.300 bộ trang phục phòng chống dịch cấp độ 1-2 (đã cấp 26.300), 90.000 bộ trang phục chống dịch cấp độ 3-4 (đã cấp 2.200). Bộ Y tế và các đơn vị trong phân tuyến điều trị mua dự phòng  223 chiếc, đã nhận 149 chiếc. Hiện nay, đang khẩn trương mua tiếp 1.458 máy thở các loại.

Ban chỉ đạo cũng cho hay,  tiểu ban hậu cần đã đảm bảo đầy đủ trang thiết bị, vật tư y tế theo các tình huống có 3.000 người mắc và có thể đáp ứng cho tình huống có 10.000 người mắc.

Đáng chú ý, về tình hình hoạt động khám chữa bệnh trong cả nước, báo cáo cho hay, các cơ sở y tế vẫn đảm bảo phục vụ khám chữa bệnh cho nhân dân trong điều kiện có dịch, tuy nhiên số lượng người đến khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế giảm rõ rệt, từ 568.643 lượt khám ngày 3-4 xuống còn 70.379 lượt khám ngày 4-4 (giảm 88%). Trong đó, tuyến Trung ương giảm 96%; tuyến tỉnh, thành phố giảm 89%; tuyến huyện giảm 83%; tuyến xã  giảm 97%.

Không để vấp phải sai lầm do chủ quan
Nêu kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia đề nghị Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đây là biện pháp quan trọng để khống chế lây nhiễm Covid-19 tại Việt Nam. Đối với người nhập cảnh (nhân viên ngoại giao, công vụ, chuyên gia) mặc dù đã có giấy chứng nhận trường hợp là âm tính khi vào Việt Nam vẫn phải thực hiện cách ly và xét nghiệm khi vào và hết thời hạn cách ly, việc cách ly thực hiện theo quy định. Tiếp tục đẩy mạnh việc rà soát các đối tượng nhập cảnh đặc biệt người nước ngoài (tránh tình trạng như bệnh nhân số 237) đi quá nhiều nơi và có thể làm lây nhiễm cho cộng đồng. Cho chủ trương được mở rộng việc xét nghiệm cho khối tư nhân theo nguyên tắc ủy quyền cho Bộ Y tế đặt hàng giao nhiệm vụ cho cơ sở tư nhân.

Bộ Y tế đã lên phương án cho kịch bản có đến 100.000 người mắc, tuy nhiên trong thời gian thực hiện cách ly xã hội, dự kiến số người mắc sẽ không tăng nhiều. Ban Chỉ đạo đề xuất cho phép cho chủ trương mua sắm trang thiết bị với tình huống có 20.000 người mắc; 30.000 trường hợp mắc và 50.000 trường hợp tùy theo mức độ.

Tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, chỉ thị số 15, 16 về cách ly xã hội làm cuộc sống của người dân thay đổi, nhưng đó là việc làm cần thiết để phòng, chống dịch. Thực tế, các biện pháp này, với sự hưởng ứng tích cực của người dân, đang mang lại kết quả tích cực. Ở giai đoạn này, sự chấp hành của người dân là yếu tố quan trọng nhất. Thời gian qua, người dân đã tuân thủ tốt, nhờ đó, công tác chống dịch đạt một số kết quả tích cực, Thủ tướng đánh giá cao nhân dân ở các địa phương đã thực hiện tốt việc cách ly xã hội, thực hiện tốt các hướng dẫn của cơ quan chức năng.

“Tuy nhiên, dù các ca mắc Covid-19 hai ngày qua có giảm mạnh nhưng không thể chủ quan và cần tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp đã đề ra”, Thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục các Chỉ thị nêu trên từ nay đến ngày 15-4, không được chủ quan, không để vấp phải sai lầm do chủ quan, coi thường, nhất là khi xảy ra việc tái nhiễm ở một số nơi trên thế giới.

Tin cùng chuyên mục