Chỉ riêng hai dự án (DA) “Đổi mới và phát triển dạy nghề” và “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn” đã chiếm gần 85% tổng kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia việc làm và dạy nghề giai đoạn 2012 - 2015 (gồm 6 DA thành phần với tổng kinh phí thực hiện 30.656 tỷ đồng). Gần nửa chặng đường đã trôi qua, khi các mục tiêu dạy nghề vẫn còn xa vời, đó đây đã xuất hiện tình trạng quản lý, sử dụng kinh phí phân bổ quá tay. Hiệu quả của các DA như thế nào? Có hay không chuyện thất thoát, lãng phí?
Băn khoăn hiệu quả
Mục tiêu của DA “Đổi mới và phát triển dạy nghề” là đào tạo lao động kỹ năng nghề cao, từng bước đột phá về chất lượng dạy nghề; hỗ trợ phát triển đồng bộ khoảng 130 nghề trọng điểm ở cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế; hình thành 26 trường chất lượng cao; tới năm 2015, tỷ lệ lao động được đào tạo nghề đạt 40%. Các trường được lựa chọn nghề trọng điểm sẽ được nhà nước đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất, thiết bị và con người… Tuy nhiên, các mục tiêu trên đang bị ảnh hưởng khá nhiều bởi một số nơi đã chi tiền không đúng đối tượng của DA. Qua kiểm tra, Bộ LĐTB-XH phát hiện các ban ngành, địa phương đã chi sai đối tượng cho 23 cơ sở với số tiền hơn 22 tỷ đồng. Hiệu quả của DA cũng bị giảm sút do việc mua sắm thiết bị không đúng nghề trọng điểm, không phù hợp với nghề đào tạo diễn ra ở không ít nơi. Có khi, thiết bị hiện đại được mua về rồi… đắp chiếu để không! “Đó là vấn đề nhức nhối nhất. Trang thiết bị hiện đại được trang bị mà lại không hoạt động. Liệu có đúng như trường nói không tuyển sinh được, đành cho thiết bị “ngủ” hay giáo viên kém, không sử dụng được trang thiết bị hiện đại?”, ông Dương Đức Lân, Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, Bộ LĐTB-XH nhận xét.
Tương tự, ở DA “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn”, kinh phí hỗ trợ đầu tư cho các cơ sở dạy nghề đã được quy định rất rõ trong Quyết định số 1956/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”. Thế nhưng, hầu hết các địa phương lại thành lập mới trung tâm dạy nghề công lập cấp huyện với số vốn đầu tư “khủng”, từ 40 - 50 tỷ đồng/trung tâm, cao hơn nhiều so với quy định. Bạo tay phê duyệt DA đầu tư với số tiền lớn nhưng các địa phương lại không chủ động bố trí ngân sách địa phương hay lồng ghép huy động vốn từ các nguồn khác, mà ỉ lại vào sự hỗ trợ từ trung ương, chủ yếu sử dụng phần kinh phí hỗ trợ từ Trung ương để đầu tư.
Trong 3 năm qua, ngân sách Trung ương gánh đến gần 84%, địa phương và các nguồn khác chỉ góp hơn 16% kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị cho các cơ sở dạy nghề. Các địa phương không phối hợp dẫn đến tình trạng 114 trung tâm dạy nghề (30%) chưa thể hoàn thành theo dự án đầu tư, trong đó có 36 trung tâm chưa đi vào hoạt động, mặc dù theo lộ trình thì việc thành lập mới trung tâm dạy nghề công lập cấp huyện phải kết thúc trong năm 2009. Bước đầu cũng xác định, có 5 trung tâm dạy nghề cấp huyện thuộc các tỉnh Hải Dương, Thái Bình (mỗi tỉnh 1 trung tâm), Thừa Thiên - Huế (3 trung tâm) mua sắm thiết bị không phù hợp. 8 trung tâm thuộc các tỉnh, thành: Hà Nội, Đắc Nông, Kiên Giang (1 trung tâm), Lâm Đồng (2) và Thừa Thiên - Huế (3) mua thiết bị về đắp chiếu chưa sử dụng. Số kinh phí lãng phí chỉ riêng ở Đắc Nông và Lâm Đồng là gần 1,7 tỷ đồng. Đặc biệt, Trường Trung cấp nghề Thủ công mỹ nghệ Bình Định dù đã hoàn thành đầu tư nhưng lại không có thiết bị hay giáo viên về thủ công mỹ nghệ!
Giải tán những trường nghề èo uột
Trước tình hình trên, Bộ LĐTB-XH yêu cầu các sở LĐTB-XH nghiêm túc rà soát, đánh giá tình hình quản lý, sử dụng kinh phí và thiết bị dạy nghề được đầu tư từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia cho dạy nghề; báo cáo lên bộ trong tháng 9-2013. Theo Bộ LĐTB-XH, qua kiểm tra, giám sát, phát hiện cơ sở dạy nghề nào đã được đầu tư trang thiết bị dạy nghề nhưng không sử dụng có hiệu quả thì tạm dừng đầu tư và thực hiện ngay việc điều chuyển thiết bị ấy cho cơ sở dạy nghề khác có khả năng tiếp nhận và khai thác sử dụng hiệu quả hơn. Kiên quyết tạm thời chưa đầu tư cho những cơ sở dạy nghề xét thấy hiệu quả đầu tư thấp, không thu hút được học sinh học nghề. Thậm chí, giải tán nghề hay giải tán cả cơ sở dạy nghề hoạt động èo uột.
Bộ LĐTB-XH cũng chỉ rõ, các ban ngành, địa phương khi xác định quy mô đào tạo của từng nghề trọng điểm cần dựa trên cơ sở dự báo nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo nghề trọng điểm đó. Và dự báo đó phải dựa trên quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương chứ không sử dụng phương pháp tốc độ tăng trưởng giả định để ước lượng quy mô tuyển sinh hàng năm. Việc dạy nghề cho lao động nông thôn cần nâng cao chất lượng, tránh theo số lượng.
ĐƯỜNG LOAN