Các dự án luật quan trọng phải được Mặt trận phản biện ​

Nâng cao vai trò phản biện của Mặt trận nhằm bảo đảm tính khách quan, khả thi, phù hợp với ý chí và nguyện vọng của nhân dân, tránh lợi ích nhóm, xa rời thực tiễn với những dự luật ban hành kiểu “trên giời”.
Hội nghị phản biện ngày 19-2
Hội nghị phản biện ngày 19-2

Ngày 19-2, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị phản biện xã hội dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành Văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) năm 2015 với sự tham gia của đông đảo các chuyên gia.

Theo báo cáo kiến nghị nghiên cứu, xem xét và kiến nghị, sửa đổi một số quy định tại Luật ban hành VBQPPL năm 2015, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã chỉ ra những quy định chưa thật đầy đủ, còn chung chung, chưa đủ cụ thể để thực hiện sự phân công, phối hợp trong hoạt động lập pháp; về vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác góp ý, phản biện xã hội và xây dựng các VBQPPL..

Trong đó đáng chú ý, Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 không có một quy định nào về quy trình phản biện xã hội đối với các dự thảo VBQPPL của MTTQ Việt Nam. Việc này đã làm ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện quy định của Hiến pháp về quyền và trách nhiệm phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Với các quy định hiện hành của luật, các cơ quan soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật có thể bỏ qua việc lấy ý kiến của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên của mặt trận trên thực tế những năm qua.

Từ thực tế đó, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam kiến nghị sửa Luật ban hành VBQPPL năm 2015 phải thể hiện rõ Chính phủ chịu trách nhiệm chính về chính sách đề ra trong dự thảo Luật trình Quốc hội. Trong trường hợp chính sách trong dự án Luật qua thẩm tra và thảo luận tại Quốc hội không được các đại biểu đồng tình thì Chính phủ phải giải trình, thuyết phục và bảo vệ chính sách thể hiện trong dự án trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội.

Nếu cuối cùng Quốc hội vẫn không đồng tình thì Chính phủ và Quốc hội phải nghiên cứu, phân tích, phản biện và giải trình để tìm ra một phương án chính sách mới phù hợp nhất có thể để đưa trình Quốc hội tại các kỳ họp sau. Đồng thời Quốc hội phải chịu trách nhiệm xem xét, thông qua hay chưa thông qua các dự án Luật do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trình với tư cách là một phương thức kiểm soát quyền lực Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.

Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng đề nghị trong Luật Ban hành VBQPPL cần bổ sung các quy định về phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, về giám sát văn bản của MTTQ Việt Nam. Bổ sung quy định về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo và cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc tạo điều kiện để MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên của mặt trận và nhân dân tham gia góp ý kiến với các dự thảo luật...

Tại hội nghị phản biện, hầu hết các ý kiến đều cho rằng, cần đảm bảo sự tham gia của nhân dân và MTTQ Việt Nam trong quá trình xây dựng VBQPPL, nhất là trong thực tiễn hiện nay, mặc dù đã qua các khâu thẩm định, thẩm tra cho ý kiến nhưng việc ban hành chính sách, pháp luật vẫn đang tồn tại vấn đề lợi ích nhóm, lợi ích ngành. TS Nguyễn Đình Quyền, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp cho rằng, vai trò phản biện của MTTQ Việt Nam trong quy trình, thủ tục xây dựng, ban hành VBQPPL phải là thủ tục bắt buộc, là một yêu cầu tất yếu khách quan để thực hiện chức năng của MTTQ Việt Nam đã được hiến định. Điều này bảo đảm tính khách quan, khả thi, phù hợp với ý chí và nguyện vọng của nhân dân, tránh lợi ích nhóm, xa rời thực tiễn với những VBQPPL ban hành kiểu “trên giời”.

Các dự án luật quan trọng phải được Mặt trận phản biện ​ ảnh 1 Các chuyên gia góp ý tại hội nghị ngày 19-2

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực cũng đề nghị đối với những dự án Luật có tác động lớn đến quyền và lợi ích cơ bản của nhân dân và xã hội, có nhiều ý kiến khác nhau thì phải lấy ý kiến phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam hoặc các tổ chức chính trị - xã hội trước khi thông qua; và cần quy định rõ quy trình, thời gian, hồ sơ gửi lấy ý kiến phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam. Cũng cần khắc phục tình trạng các văn bản góp ý gửi tới mặt trận thời gian quá gấp; tài liệu gửi đến chưa thực sự đầy đủ và đáp ứng yêu cầu nghiên cứu góp ý; việc tiếp thu và phản hồi ý kiến phản biện của mặt trận chưa rõ; hình thức lấy ý kiến nhân dân vẫn chưa có quy định rõ ràng, hiện mới chỉ có hình thức công khai trên cổng thông tin điện tử. Cần làm rõ hình thức tiếp thu hiện nay đối với các văn bản góp ý và cơ quan tiếp thu cần có văn bản giải trình cụ thể nội dung góp ý.

Ông Bùi Xuân Đức, thành viên Hội đồng Tư vấn Dân chủ - Pháp luật Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, Luật sửa đổi phải thể hiện rõ tinh thần đổi mới của Hiến pháp năm 2013, ngoài việc phải nêu rõ vai trò của Mặt trận trong quá trình tham gia phản biện đối với các văn bản quy phạm pháp luật trước khi ban hành, cần nêu rõ việc yêu cầu các cơ quan tiếp thu có văn bản giải trình việc tiếp thu những ý kiến góp ý của mặt trận.

Tin cùng chuyên mục