Các gói hỗ trợ sẽ do Tổ công tác đặc biệt phát tới tận người dân trong thời gian giãn cách

Các gói hỗ trợ không phải do quân đội phân phát như một số báo đăng tải mà do Tổ công tác đặc biệt sẽ phát tới tận người dân. Khi TP chuẩn bị xong sẽ chuyển xuống quận - huyện, phường - xã - thị trấn để chuyển tới người dân. Người dân chỉ đi ra lấy các gói hỗ trợ đó và nhận 1 tuần/lần.

Ông Phạm Đức Hải, Phó Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM thông tin tại buổi họp báo. Ảnh: VĂN MINH
Ông Phạm Đức Hải, Phó Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM thông tin tại buổi họp báo. Ảnh: VĂN MINH

Chiều 21-8, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tổ chức họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn. Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phan Nguyễn Như Khuê và Phó Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM Phạm Đức Hải chủ trì họp báo.

Tăng cường và nâng cao nhiều biện pháp phòng, chống dịch

Mở đầu buổi họp báo, Phó Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM Phạm Đức Hải, cho biết, ngay sau khi TP thông tin sẽ tiếp tục nâng cao các biện pháp để tương xứng với tính chất và mức độ lây lan của Covid-19, do tâm lý lo lắng, sáng nay (21-8), nhiều quận huyện đã ghi nhận tình trạng rất đông người dân ra đường tích trữ hàng hóa. Điều này đã dẫn đến đến tình trạng mất trật tự ảnh hưởng đến việc giãn cách xã hội, nguy cơ lây lan dịch bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Ông Phạm Đức Hải nhấn mạnh, tình trạng này không chấm dứt thì sẽ không thể kiểm soát được dịch bệnh và ảnh hưởng lớn đến công tác phòng, chống dịch của TP.

“TP không thực hiện phong tỏa TPHCM trong 2 tuần tới và TP không thực hiện tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh”, ông Phạm Đức Hải khẳng định và yêu cầu người dân tiếp tục tăng cường, nâng cao các biện pháp tương xứng với tính chất, mức độ lây lan của dịch bệnh, tính chất mức độ dịch bệnh cao hơn cần phải có những biện pháp cao hơn.

Cũng theo ông Phạm Đức Hải, TP sẽ tăng cường lực lượng y tế, công an, quân đội và nhiều lực lượng cán bộ tình nguyện; tăng cường phương tiện, máy móc, thiết bị và xe xét nghiệm, dụng cụ xét nghiệm, thuốc. Bên cạnh đó, tăng cường lương thực, thực phẩm chăm lo cho đời sống người dân được tốt hơn, để người dân yên tâm cùng với TP phòng, chống dịch.

“Chính vì chúng ta giãn cách chưa nghiêm nên cần phải siết chặt để giãn cách nghiêm hơn. Cũng vì chúng ta kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm nên phải tăng cường siết chặt nghiêm hơn”, ông Phạm Đức Hải nhấn mạnh và cho biết, từ 0 giờ ngày 23-8, TPHCM tăng cường thực hiện một số biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 với phương châm “xây dựng mỗi phường, xã, thị trấn; mỗi cơ quan, nhà máy, xí nghiệp là một pháo đài phòng, chống dịch". Thực hiện triệt để giãn cách xã hội; rà soát, siết chặt các đối tượng được tham gia lưu thông; kiểm soát, khống chế dịch bệnh, hạn chế tối đa tử vong.

Chia sẻ khó khăn, đoàn kết để vượt qua dịch bệnh

Liên quan đến việc cung ứng hàng hóa, ông Phạm Đức Hải thông tin, TP chia ra làm 4 vùng “vùng xanh'', ''vùng vàng'', ''vùng cam'' và ''vùng đỏ” đối với các phường, xã, quận huyện.

Đối với “vùng xanh” và “vùng vàng”, trường hợp người dân có điều kiện chưa cần sự hỗ trợ thì được đi chợ 1 lần/tuần; những người dân có hoàn cảnh khó khăn sẽ nhận được gói hỗ trợ. TP đã thành lập trung tâm an sinh và hiện nay đã chuẩn bị 2 triệu gói hỗ trợ và nhiều hơn thế nữa.

“TP đang thực hiện Nghị quyết 68 của Chính phủ và Nghị quyết 09 của HĐND. Thực hiện 2 Nghị quyết này, các phường xã đang chăm sóc cho người dân có hoàn cảnh khó khăn. Các gói hỗ trợ không phải do quân đội phân phát như một số báo đăng tải mà do Tổ công tác đặc biệt sẽ phát tới tận người dân. Khi TP chuẩn bị xong sẽ chuyển xuống quận - huyện, phường – xã - thị trấn để chuyển tới người dân. Người dân chỉ đi ra lấy các gói hỗ trợ đó và nhận 1 tuần/lần”, ông Phạm Đức Hải thông tin.
Đối với “vùng cam” và “vùng đỏ” có nguy cơ cao hơn. Nếu người dân có điều kiện chưa cần sự giúp đỡ thì Tổ công tác sẽ đi chợ giùm và người dân trả tiền. Trường hợp, nếu người dân có hoàn cảnh khó khăn đều nhận được gói hỗ trợ.
“TP đã cung cấp cho tất cả phường, xã, thị trấn gần 3.000 địa điểm cung cấp hàng hóa, trường hợp các địa điểm thiếu hàng hóa, TP sẽ cung cấp các xe lưu động mang hàng hóa đến phục vụ người dân”, ông Phạm Đức Hải nói.

TP đã hết sức cố gắng, dự liệu các phương án, các giải pháp cụ thể. Tuy nhiên khi triển khai chắc chắn sẽ còn một số trục trặc, mong bà con nhân dân TP gọi cho Tổ công tác để điều chỉnh thực hiện.

“Chúng ta ứng phó với biến chủng Delta phức tạp, khó lường, lây lan rất nhanh. Người dân cần bình tĩnh, cảnh giác, thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch theo phương châm 5K + vaccine + thuốc. Chúng ta cùng nhau “thắt lưng buộc bụng” trong 14 ngày để sẵn sàng chia sẻ khó khăn, chung tay, đoàn kết để vượt qua dịch bệnh” - ông Phạm Đức Hải kêu gọi.

Nguồn cung cứng hàng hóa đảm bảo, không thiếu hụt

Theo ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, tính đến thời điểm này nguồn cung ứng hàng hóa cho người dân trên địa bàn vẫn đảm bảo duy trì, không thiếu hụt, mặc dù 3 chợ đầu mối và hầu hết các chợ truyền thống vẫn chưa thể hoạt động trở lại để phòng, chống dịch. Hàng hóa được đảm bảo như vậy là nhờ hệ thống thương lái, siêu thị vẫn tích cực kết nối nguồn cung từ các tỉnh, thành để có nguồn cung về thành phố kịp thời.

Các gói hỗ trợ sẽ do Tổ công tác đặc biệt phát tới tận người dân trong thời gian giãn cách ảnh 1 Ông Lê Huỳnh Minh Tú thông tin tại buổi họp báo. Ảnh: VĂN MINH
Đặc biệt, các bộ, ngành sẽ vào cuộc hỗ trợ quyết liệt, tích cực tháo gỡ khó khăn trong việc lưu thông hàng hóa. Với tình hình hiện nay, trong thời gian tới nguồn cung ứng hàng hóa sẽ không gặp khó khăn gì. Các hệ thống siêu thị vẫn đảm bảo hàng hóa đầy đủ cho bà con.
“Hệ thống siêu thị sẽ không thiếu hàng, chỉ lo trong thời gian tới người dân không đến mua sắm”, ông Lê Huỳnh Minh Tú lạc quan chia sẻ thêm.
Theo bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, TP đang thực hiện lấy mẫu xét nghiệm diện rộng trong cộng đồng.
Các điểm lấy mẫu có sự tham gia của tổ trưởng hoặc tổ phó tổ dân phố, tổ nhân dân, ban điều hành khu phố…
Địa điểm lấy mẫu phải phù hợp có thể lấy mẫu tại hộ gia đình hoặc tập trung tại một vị trí thuận lợi, tiến hành mời lần lượt từng hộ gia đình ra lấy mẫu. 
Đội lấy mẫu của địa phương hoặc người dân tự lấy mẫu theo hướng dẫn của nhân viên y tế hoặc đội lấy mẫu. Nếu người dân có thể tự lấy mẫu thì nhân viên y tế hoặc đội lấy mẫu sẽ cung cấp dụng cụ lấy mẫu xét nghiệm cho hộ dân và thu thập ngay kết quả. Sau khi lấy mẫu xét nghiệm, trung tâm y tế nhận và vận chuyển mẫu về đơn vị xét nghiệm 3 lần/ngày.
Về năng lực lấy mẫu và xét nghiệm, TPHCM sẵn sàng 1 triệu test nhanh/tuần và đảm bảo lấy mẫu 200.000 người/ngày. TPHCM cũng đưa 10 xe xét nghiệm lưu động đến các quận, huyện xa trung tâm.
Cũng theo bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, đến chiều 20-8, TPHCM đã tiêm vaccine được hơn 5,2 triệu người (đạt 75% trong tổng số người trên 18 tuổi). TPHCM tiếp tục tăng tốc đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine, phấn đấu đến ngày 15-9 có trên 90% dân số từ 18 tuổi trở lên đã tiêm vaccine mũi 1 và 75% tiêm mũi 2.

Tin cùng chuyên mục