Có người chạy xe ngang qua, thấy vậy cũng dừng lại lao vào tranh nhặt tiền. Việc này chẳng những làm tắc nghẽn giao thông mà còn làm xấu đi nét văn hóa từ thiện ở nước ta.
Ông bà xưa vẫn căn dặn “Của cho không bằng cách cho”, nếu có thiện ý giúp người nghèo khó thì dù ít, dù nhiều cũng nên chịu khó trao tận tay, chứ không nên rải tiền cho mọi người xúm lại nhặt như vậy. Đừng nên ỷ mình giàu có thì mình có quyền làm gì mình thích. Cần nghĩ cách làm đó có làm xấu đi hình ảnh của mình không, có ảnh hưởng đến trật tự công cộng hay không. Cho dù không phạm pháp nhưng xét về văn hóa ứng xử thì cho tiền bằng cách rải từ trên ban công xuống như vậy không khác nào quăng tiền cho cô hồn, đó là kiểu ban phát bất cần, coi thường người nhận tiền.
Trong xã hội có nhiều người hảo tâm làm việc thiện nguyện giúp người nghèo khó một cách thật ân cần, hoặc rất thầm lặng. Có người không dư dả nhưng vẫn chắt chiu dành dụm tiền của mình làm ra để mua quà, đi nhiều nơi trao tặng cho những hoàn cảnh khó khăn một cách chân thành, nhân văn. Có người lặng lẽ gửi tiền giúp đỡ mà không cần được biết tên, không cần được báo đáp. Đó thực sự là những hình ảnh đẹp. Mong rằng sẽ không có thêm những chuyện giúp người nghèo bằng cách rải tiền.
Về những người xúm nhau nhặt tiền, thực sự thì không phải ai cũng nghèo, nhưng lòng tự trọng của họ bay đi đâu mất khi thấy người ta quăng tiền cho. Khi các hội nhóm từ thiện phát thức ăn cho người nghèo, cũng có những người không nghèo khó nhưng thiếu lòng tự trọng chen lấn vào nhận, muốn được nhận trước, nhận nhiều, trông rất phản cảm.
Chính vì quý sự thanh bạch dù nghèo khó của những người hoàn cảnh khó khăn, mà nhiều người từ tâm mới làm từ thiện. Nhờ có những tấm lòng từ tâm đã giúp cho người nghèo thoát khổ. Trong cách cho và cách nhận nên thể hiện nét đẹp từ thiện để xã hội ngày càng nhân văn hơn.